Từ Hàn Quốc: Đón tết trên xứ kim chi
Thành phố này được mệnh danh là thành phố đa quốc gia, bởi số người nước ngoài sinh sống và làm việc ở đây đông nhất Hàn Quốc với khoảng 33.000 người thuộc 58 quốc gia. Việt Nam có trên 3.000 người (lao động: 1.679 người, hôn nhân: 469 người...).
![]() |
Không khí tết Việt ở quán Tre Xanh - Ảnh: THI NGÔN |
Có thể nói sau hơn một tháng lênh đênh khắp nơi trên đất nước Hàn Quốc, khi tới đây chúng tôi có cảm giác như được trở về nhà. Ở đâu chúng tôi cũng gặp người Việt, nghe tiếng Việt đâu đó trên đường, đặc biệt là hàng hóa và món ăn VN. Chỉ riêng khu phố Wongol - nơi tập trung đông người nước ngoài nhất của Ansan - có tới bảy nhà hàng và ba siêu thị VN bán đủ các loại thực phẩm và món ăn từ bún riêu ốc, bún bò, nem rán, phở, cơm sườn, cơm cá kho tiêu cho tới chai nước mắm, hũ mắm tôm được nhập nguyên bản từ VN.
Ở Ansan, người Việt xa quê có thể yên tâm tìm thấy bất cứ thứ gì, món gì cho tết. Trước ngày đưa ông Táo một tuần, trên các kệ hàng đã thấy xuất hiện những bịch thèo lèo và vài ngày sau là các loại mứt dừa, me, khoai lang, mãng cầu, hạt sen, hạt dưa, hạt bí... Những mặt hàng đắt tiền hơn như mai, đào giả, củ kiệu, dưa hành, bánh chưng được ưu ái chưng ra ngoài.
Hôm đang ngồi ăn trưa ở quán Dịu Hiền, cô chủ chợt bật nhạc “Xuân ơi xuân đã về”, “Tết tết tết đến rồi”, chúng tôi ngước lên nhìn nhau, lòng bất giác xốn xang. “Nhớ VN hả chị. Xa quê mới biết quý cái không khí tết ở nhà. Bọn em sang đây năm sáu năm nay có biết tết nhất là gì đâu. Mà tết ở VN bây giờ có gì khác trước không chị?”. Nghe anh công nhân ngồi kế bên hỏi mà ứa nước mắt.
Trong những ngày này của cuộc hành trình, câu hỏi thăm cửa miệng mà chúng tôi nhận được từ những đồng hương là “có về VN ăn tết không?”. Về VN ăn tết như là điều gì đó thuộc lẽ tự nhiên và đáng được ước mơ. Đời sống của phần lớn người VN ở Hàn Quốc còn nhiều khó khăn, nói chi đến chuyện về VN ăn tết, mà đến sắm tết cũng là khó rồi. Giá một hủ dưa kiệu khoảng 16.000 won (khoảng 300.000 đồng VN), một chiếc bánh chưng 20.000 won... Với những cô dâu lấy chồng không được khá giả hoặc con chưa đủ tuổi gửi nhà trẻ để có thời gian đi làm kiếm thêm thì số tiền đó thật không nhỏ. Còn đối với những người đi lao động, với tâm lý “tập trung kiếm tiền” được đặt hàng đầu, sắm tết lại càng tiết kiệm.
Tuy nhiên, tết thì không thể thiếu sự sum họp. Thật rộn rã khi nghe những nhóm bạn đồng hương Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Giang... bàn tính chuyện ăn tết. Vũ Xuân Trường (27 tuổi, Hải Dương) làm nghề nuôi cá ở Tongyeong, tỉnh Gyeongnam, năm nay sẽ “chủ xị” bữa tiệc đêm giao thừa ngay tại chỗ làm cũng là chỗ ở của mình. Dù xa xôi nhưng gần 30 bạn bè đồng hương từ khắp nơi của Hàn Quốc sẽ về đây “góp gạo ăn tết chung”. Trường đã chuẩn bị chu đáo từ lá cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ (do một người bạn làm nghề in tặng) cho tới “đồ nhà làm được” như cá biển, hàu, cành đào hái trên núi... “Chỉ cần bạn bè vui vầy ba ngày tết là thấy ấm rồi” - Trường tâm sự. Trong khi đó, một nhóm bạn người miền Tây ở Incheon, Seoul thì đơn giản hơn “chỉ cần nồi thịt kho hột vịt cũng vơi nỗi nhớ quê”.
Thật may mắn khi được sống trong không khí rộn rã đón tết của người Việt ở Hàn Quốc. Tuy có phần trầm lặng, thu nhỏ hơn rất nhiều so với quê nhà nhưng bên trong “cái tết Việt trên đất Hàn” ấy lại âm ỉ dữ dội một tình cảm thiêng liêng và xúc động dành cho quê hương, ông bà tổ tiên và gia đình. Có trải nghiệm cùng mới thấy thêm yêu, thêm quý cái tết mà mình sẽ/đang được hưởng ngay tại quê nhà.
Từ Úc: Tà áo dài quê hương
![]() |
Ngày Tết Nguyên đán là dịp để những nữ sinh gốc Việt ở Melbourne (Úc) như Lizzie Nguyễn và Patricia Đặng mặc áo dài truyền thống của quê cha đất tổ. Hai cô tự hào và hạnh phúc với nét duyên dáng này trong hội chợ Mừng xuân Tân Mão 2011 do bà con kiều bào tổ chức ở vùng Richmond.
Từ Cali: Xuân lạc
![]() |
Người Việt ở Little Saigon chọn mua đào - Ảnh: LÊ QUÂN |
Sáng nay nắng thật đẹp, cái nắng hiếm hoi trong mùa đông trên đất Mỹ.
Nhìn con số nhỏ in trên tờ lịch còn thơm mùi mực của năm 2011, chợt nhận ra chỉ còn hai ngày nữa là 23 tháng chạp, tức ngày đưa ông Táo về trời. Cũng là chuỗi ngày nhộn nhịp, hối hả chuẩn bị tiễn đưa năm cũ và đón năm mới.
Đặt chân lên đất Mỹ vào ngày cuối cùng của tháng 10-2010, tôi tạm sống với người thân ở “thủ phủ” của người Việt trên đất Mỹ vùng Little Saigon. Ở nơi này, cứ mỗi cuối năm lại có hội xuân với những gian hàng mang hương vị và màu sắc của tết, có mai, đào, cúc, lan, và cả bánh chưng, bánh tét... để (tuy không ai nói ra) hoài niệm những xôn xao, náo nhiệt của những ngày tết ở Sài Gòn, ở Việt Nam.
Như bao người khác tôi cũng dạo bước, cũng dừng chân ngắm nhìn những gian hàng tết, những cánh hoa rực rỡ, những chậu mai, chậu đào, những bao lì xì đỏ tươi như muốn đem lại sự may mắn cho mọi người.
Quanh tôi là những cụ già mặt tươi cười vì chọn được một nhánh đào ưng ý cho phòng khách vài ngày tết, những nam thanh, nữ tú tay trong tay hạnh phúc trong không khí mùa xuân, các em bé nghịch ngợm ném những viên pháo đập.
Có lẽ mọi người đang cảm nhận, đang hạnh phúc, đang vui trước một năm mới sắp đến với bao ước mong,
hi vọng.
Còn tôi, mùa xuân đầu tiên trên đất Mỹ với bao ngổn ngang, lo lắng cho một cuộc sống sắp tới, và nhiều hơn có lẽ là những hoài niệm còn tươi rói về mùa xuân ở Việt Nam, với bạn bè tụ họp liên hoan, với những ồn ào nhưng thân quen, vội vã nhưng thật êm đềm của ngày tết.
Quanh tôi, mọi người như đang lạc vào xuân, một mùa xuân nhộn nhịp, còn tôi cũng đang lạc vào mùa xuân nhưng là một mùa xuân lặng lẽ, và có lẽ lặng lẽ đến tái tê cả đời của những người... xa xứ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận