13/04/2020 12:49 GMT+7

Những cánh đồng thấm đẫm tình người

MINH TÂM
MINH TÂM

TTO - Trời tờ mờ sáng, khi sương còn đẫm trên đồng đất xã Hưng Thới, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, đội quân trồng thuốc nam từ thiện dưới sự chỉ huy của ông Trần Văn Nhê bắt đầu ngày mới bằng việc thu hoạch 4,5 công ruộng.

Những cánh đồng thấm đẫm tình người - Ảnh 1.

Dừa cạn sau khi thu hoạch được chở đến phòng thuốc nam từ thiện - Ảnh: Minh Tâm

Các thành viên không phân biệt già trẻ, trai gái, người nào cũng thoăn thoắt tay liềm, vừa làm vừa í ới chuyện trò, nhắc nhở nhau không cắt quá sát gốc để cây phát triển tiếp, bởi còn thu hoạch đợt hai. 

Cắt xong, người gặt buộc lại thành bó to nhỏ tùy theo sức của mình, rồi đội trên đầu đi đến chất thành đống ở mé lộ. Tại đây, tổ nông dân có nhiệm vụ vận chuyển sẽ ứng trực chất những cây dừa cạn lên xe tải hoặc xe máy chở đến các phòng thuốc nam từ thiện.

Nhờ những tấm lòng thơm thảo, chúng tôi mới có đủ lượng thuốc miễn phí cho người bệnh.

Ông DƯƠNG VĂN SANG (lương y của phòng thuốc ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang)

"Mình chịu khó làm kỹ tí"

Ông Nhê vừa sắp xếp lại những bó dừa cạn trên xe vừa nói: "Thường khoảng tháng 10-12 âm lịch chúng tôi bắt đầu trồng, chừng ba tháng sau sẽ thu hoạch đợt 1, rồi thêm vài tháng nữa thu hoạch đợt 2. Loại cây dừa cạn chúng tôi trồng là loại kỵ mưa nên phải tính toán sao cho thời điểm thu hoạch phải trước mùa mưa".

Còn ở xã Phú Hưng, nhóm anh Bùi Văn Hoàng Em cũng đang chăm sóc 6 công ruộng dừa cạn đang rộ hoa rực rỡ. Mọi người dàn thành hàng ngang, tay thoăn thoắt nhổ cỏ dại và cây tạp. 

Anh Hoàng Em hồ hởi nói: "Trồng hoa kiểng vốn khó, trồng hoa làm thuốc nam lại càng khó hơn. Đất phải luôn sạch cỏ, cây phải được bắt sâu, chăm sóc kỹ càng. Đám ruộng này tầm tháng nữa là có thể thu hoạch được rồi. Cỏ mọc nhanh lắm nên phải thường xuyên nhổ. Và cắt cử người trực hệ thống tưới tự động để điều tiết lượng nước tưới cho cây".

Làm từ sáng sớm đến khi trời nắng gay gắt nhưng ai nấy vẫn bảo nhau cố làm thêm chút nữa. "Mình chịu khó làm kỹ tí, để khi thu hoạch đạt năng suất cao nhất, công lao của nhiều người đã đổ dồn vào đấy" - anh Võ Văn Phước mỉm cười nói. 

Trước đây, ít ai để ý đến loại cây hoa dại mọc ở mé ruộng, bờ mương này, mãi đến khi có nhiều phòng thuốc nam từ thiện dùng chúng với một số loài thảo dược khác để trị bệnh miễn phí cho bà con. Nhưng không có đủ lượng thuốc, một số nông dân thấy vậy đã ươm hạt giống rồi thuê đất trồng để cung cấp.

Từ cánh đồng này sang thửa ruộng khác

Qua vài vụ mùa, nghĩa cử này được hồi ứng khi nhiều người chung tay bằng cách cho mượn đất mà không lấy đồng nào. Người ít thì một công, người nhiều vài chục công. Như cụ Nguyễn Văn Năm dành 20 công đất cho việc làm tử tế này, mặc dù số đất đó đem đến nguồn thu cho gia đình mỗi năm trên 100 triệu đồng. 

Bà Nguyễn Thị Tươi - con cụ Nguyễn Văn Năm - nói khi sinh thời cha mình có họp mấy chị em lại, thống nhất dành đất trồng thuốc nam miễn phí.

"Cha bảo kinh tế của mấy chị em đứa nào cũng đủ ăn. Thôi thì để 20 công đất dành cho đồng bào. Ở đời, chúng ta nên sống có ích, sống có phúc đức để đem lại niềm vui ấm áp cho mình và hạnh phúc cho mọi người, chứ tiền bạc khi chết có mang theo được đâu". Giờ cha đã mất, bảy chị em bà Tươi vẫn theo tâm nguyện của cha, số đất đó vẫn duy trì để trồng thuốc nam chữa bệnh". 

Cứ vậy, từ những cánh đồng thiện nguyện đầu tiên được nhóm lên đã "cháy" triền miên sang những thửa ruộng khác, khiến diện tích những cánh đồng tình người lên đến 100 công.

Số người hỏi mượn đất canh tác dừa cạn cũng tăng lên, thường là những vị lớn tuổi, uy tín, đức độ trong vùng. Những vị này người mượn một công, người mượn cả chục công, tùy theo khả năng của mình. Chẳng hạn như ông Bùi Hữu Hiền, bà Nguyễn Thị Thu Vân, hoặc như bốn anh em ông Nhê nhận làm 11 công đất. 

Chi phí cho mỗi mùa vụ của tất cả 11 công khoảng 11 triệu đồng, bốn anh em ông góp vào 6 triệu đồng, phần còn lại do các nhà hảo tâm khác tặng thêm. Nhờ vậy mới đủ tiền thuê máy xới đất, mua rơm ủ đất, xây hệ thống tưới nước tự động và sắm cả kho nông cụ gồm hàng trăm cây liềm, cuốc, xẻng.

Tất cả công việc đều vận hành thành guồng bằng cách chia ra nhiều tổ: tổ trồng cây, tổ chăm sóc, tổ gặt, tổ vận chuyển, tổ hậu cần lo nấu nướng và phân phát dụng cụ. 

Ông Trần Văn Nhê chia sẻ: "Để có những cánh đồng dừa cạn bội thu. Người trồng vất vả từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch. Nếu không có sự chung tay, đồng lòng của nhiều người thì không thể làm xong được".

Đội quân dừa cạn người nào cũng cực nhưng đều hoan hỉ làm tốt phần việc của mình. Cứ vậy, những cánh đồng quê nuôi dưỡng sự tử tế của bao người...

Rất nhiều bà con chạy chợ từng bữa, nhưng lạ lùng thay vẫn bỏ buổi mưu sinh để có mặt trong những ngày vô vụ. Như anh Lê Văn Giỏi đi làm thuê, sống đắp đổi qua ngày nhưng miễn đám ruộng nào cần chăm sóc hay thu hoạch, anh đều có mặt.

Hay chị Nguyễn Thị Ngọc Dung bán bánh mì, sẵn sàng nghỉ bán vài ngày để góp phần cùng mọi người trên những cánh đồng thiện nguyện.

"Mình không góp tiền thì mình góp sức thôi. Ai cũng vậy mà, công việc cực chút xíu hà, nhưng thấy tinh thần rất thoải mái, đêm ngủ rất ngon giấc. Vả lại, ở đời, khi mình khó khăn bà con cũng sẽ giúp lại mình" - chị Dung nói.

Ngôi nhà hạnh phúc của 2.000 mảnh đời bất hạnh Ngôi nhà hạnh phúc của 2.000 mảnh đời bất hạnh

TTO - Đó là ngôi nhà luôn đầy ắp tình cảm chia sẻ yêu thương của mọi người với hơn 2.000 thành viên được thành lập bởi những phụ nữ bận rộn ở nhiều công việc khác nhau.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên