06/12/2018 10:37 GMT+7

Những ca ghép để đời - kỳ cuối: Những rào cản cuối cùng

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Dù đã đạt được các kỳ tích y học trong lĩnh vực ghép tạng và ghép cơ thể, con đường phát triển của phẫu thuật ghép vẫn còn lắm chông gai

Những ca ghép để đời - kỳ cuối: Những rào cản cuối cùng - Ảnh 1.

Bác sĩ Sergio Canavero, người thông báo đã ghép đầu người chết tại Trung Quốc - Ảnh: EPA

Ký ức về bộ phận cơ thể cũ trong con người bệnh nhân có thể xung đột với bộ phận mới... Nhiều vấn đề về tâm lý phát sinh, thậm chí có thể dẫn đến điên loạn và cái chết

Hai chuyên gia ANTO CARTOLOVNI và ANTONIO SPAGNOLO

Trong bài viết đăng trên tạp chí Journal Of Medical Ethics năm ngoái, hai nhà nghiên cứu Mỹ Arthur Caplan và Duncan Purves cho rằng dù đã đạt được các kỳ tích y học trong lĩnh vực ghép tạngghép cơ thể, con đường phát triển của phẫu thuật ghép vẫn còn lắm chông gai.

Rào cản kỹ thuật

Chuyên gia phẫu thuật David Nasralla ở Đại học Oxford (Anh) thừa nhận: "Phức tạp nhất là ghép các bộ phận liên quan đến hệ thần kinh. Bởi thế đến nay ghép não và ghép mắt vẫn ngoài tầm con người".

Giáo sư Bernard Charpentier ở Bệnh viện Bicêtre (Pháp) giải thích: "Về kỹ thuật có thể ghép mọi cơ quan con người, trừ hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống). Các tế bào thần kinh trong tủy sống không chịu được thời gian thiếu máu lạnh".

Thời gian thiếu máu lạnh (thời gian bảo quản vật ghép ở nhiệt độ thấp) phù hợp với thời gian từ lúc lấy cơ quan từ cơ thể người hiến ghép vào cơ thể người nhận. Thời gian này đối với các tế bào thần kinh tủy sống chỉ kéo dài... một phút, vì vậy không có cách nào ghép được.

Với kỹ thuật ghép mắt cũng thế, các bác sĩ tài ba nhất vẫn chưa thể khôi phục hoàn hảo tế bào thị giác.

Ghép đầu người cũng không đơn giản. Năm 2015, bác sĩ phẫu thuật thần kinh Ý Sergio Canavero thông báo sẽ ghép đầu cho anh Valery Spiridonov người Nga mắc bệnh teo cơ tủy loại 1 (bệnh Werdnig-Hoffman).

Ca ghép dự kiến vào cuối năm 2016, cuối cùng phải hoãn lại và bị hủy bỏ. Đến tháng 11-2017, bác sĩ Canavero thông báo ông cùng bác sĩ Nhậm Hiểu Bình người Trung Quốc đã thử nghiệm ghép đầu người tại Đại học Y khoa Cáp Nhĩ Tân.

Thật ra đây là ca ghép đầu từ hai người đã chết, hay đúng hơn là ca ghép não gồm nối dây thần kinh, mạch máu, cột sống trong khi thanh quản và dây thần kinh cơ hoành vẫn còn nguyên vẹn.

Bác sĩ Canavero cho biết sắp tới sẽ thực hiện ghép đầu hoàn toàn từ người mới chết não, sau đó mới tiến đến giai đoạn ghép đầu cho người sống. Như vậy ghép đầu người vẫn còn là điều không tưởng vì vấn đề mấu chốt là kết nối tủy sống vẫn chưa làm được.

Những ca ghép để đời - kỳ cuối: Những rào cản cuối cùng - Ảnh 3.

Đến nay con người vẫn chưa thể ghép não - Ảnh: Jacques Nadeau

Rào cản đạo đức

Tại Canada ngày 12-9-2018, thông báo êkip phẫu thuật tại Bệnh viện Maisonneuve-Rosemont ở Québec đã thực hiện thành công ca ghép mặt trước đó bốn tháng.

Bảy năm trước, ông Maurice Desjardins (năm nay 64 tuổi) vô tình bị trúng đạn vào mặt trong lúc đi săn. Ông đã chịu năm lần phẫu thuật khôi phục khuôn mặt nhưng đều thất bại.

Các chức năng ngủ, ăn uống, trò chuyện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông phải thở qua đường mở khí quản. Ông lui vào cuộc sống cô độc vì không thể chịu đựng nổi ánh mắt hoảng sợ của người khác.

Sau nhiều năm chuẩn bị, tháng 4-2018 êkip phẫu thuật tạo hình của giáo sư Daniel Borsuk đã thực hiện ca ghép kéo dài 30 tiếng gồm ghép hai hàm, toàn bộ cơ mặt, dây thần kinh, răng và da.

Gương mặt mới ghép giúp ông Maurice Desjardins cảm thấy tự tin hơn trong quan hệ xã hội. Đây là ca ghép mặt đầu tiên ở Canada, cũng là đầu tiên trong khối Thịnh vượng chung, đồng thời là ca ghép mặt của bệnh nhân lớn tuổi nhất thế giới.

Giới y học Canada rất tự hào về mặt kỹ thuật nhưng về đạo đức sinh học đã phát sinh nhiều tranh cãi. Người ta lưu ý đến tác động tiêu cực về tâm lý khi bệnh nhân phải sống với gương mặt của người khác.

Hai chuyên gia về đạo đức sinh học Anto Cartolovni và Antonio Spagnolo từng viết trên tạp chí Surgical Neurology International của Mỹ: "Ký ức về bộ phận cơ thể cũ trong con người bệnh nhân có thể xung đột với bộ phận mới...

Chúng tôi đã nhận ra điều đó qua các ca ghép bàn tay hay khuôn mặt. Nhiều vấn đề về tâm lý phát sinh, thậm chí có thể dẫn đến điên loạn và cái chết".

Khi y học đã tiến đến xu hướng cải thiện nòi giống như ghép tử cung, giáo sư tư pháp và khoa học hình sự Anne-Blandine Caire ở Đại học Auvergne (Pháp) ghi nhận vấn đề này đang gây tranh cãi.

Tại Pháp, bộ luật về y tế cộng đồng chỉ cho phép ghép các bộ phận cơ thể vì mục đích trị bệnh. Vậy ghép tử cung có phải là giải pháp trị bệnh hay không?

Khác với các ca ghép khác, ghép tử cung có hai đặc điểm: ca ghép không mang tính sống còn để cứu tính mạng và chỉ có tính chất nhất thời vì tử cung sẽ được lấy ra sau một hoặc hai lần sinh con.

Trong ca ghép dương vật và bìu ở Mỹ, các bác sĩ quyết định không ghép tinh hoàn vì nếu ghép tinh hoàn thì đây là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như ghép buồng trứng.

Về đạo đức sinh học, nếu tinh hoàn sản xuất tinh trùng dẫn đến có con, đứa bé sẽ mang vật liệu di truyền của người hiến tinh hoàn, như vậy người hiến chính là cha sinh học.

Rào cản thải loại

Để ngăn ngừa phản ứng thải loại, trong các ca ghép cơ thể, các bác sĩ phải cho bệnh nhân sử dụng thuốc chống thải loại liều cao trong khi thuốc này gây nhiều phản ứng phụ nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến ung thư.

Vì thế nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Dùng thuốc chống phản ứng thải loại cho bệnh nhân nhận ghép để cứu mạng thì đúng rồi, nhưng liệu có đáng sử dụng thuốc trong các ca ghép nâng cao chất lượng cuộc sống như ghép dương vật hay ghép tử cung?

Chuyên gia đạo đức sinh học Marie-Chantale Fortin ở Canada nhận định ghép mặt vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm, từ năm 2005 đến nay mới có khoảng 40 ca, do đó không có thông tin về vấn đề tâm lý và y học trong thời gian dài hạn.

Bởi thế ở Pháp có hai quan điểm, một là tiếp tục phẫu thuật ghép mặt để cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân và hai là dừng lại để tìm kiếm kỹ thuật khác nhằm tránh phản ứng thải loại thái quá.

Chỉ nên xem ghép mặt là biện pháp cuối cùng

đạo đức sinh học

Tháng 9-2018, giáo sư Daniel Borsuk thông báo về ca ghép mặt đầu tiên thành công ở Canada - Ảnh: Radio-Canada

Tại Thụy Sĩ, giới y học nhận định không nên xem ghép mặt là giải pháp điều trị phổ biến. Bác sĩ Martin Broome tại Bệnh viện Đại học Vaud cho rằng chỉ nên ghép mặt khi không còn giải pháp nào khác.

Lý do: mặt là bộ phận dễ bị thải loại, do đó cần sử dụng thuốc chống thải loại liều cao vốn không tốt cho bệnh nhân. Nếu phản ứng thải loại liên tục xảy ra, phẫu thuật lấy vật ghép ra cũng gây tổn thương nặng cho bệnh nhân.

Tại Canada, chuyên gia đạo đức sinh học Bryn Williams-Jones ở Đại học Montréal cũng đồng quan điểm như thế.

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên