Phạm Thị Thủy Tiên làm “bà đồ” tại phố ông đồ - Ảnh: K.ANH
"Mình đến với thư pháp không chỉ vì đam mê mà còn vì qua môn nghệ thuật này mình cảm thấy được chia sẻ với mọi người trong những ngày rộn ràng đón xuân mới.
Ngồi suốt từ sáng đến tối để viết chữ trong cái nắng hanh của đất Sài thành cũng khiến mình mệt, nhưng niềm vui đã giúp mình lướt qua hết" - "cô đồ" Nguyễn Thị Minh Anh, sinh viên ngành kế toán, cho hay.
Nếu chỉ chạy theo trào lưu có “bà đồ” trên gian hàng thư pháp để thu hút khách thì không ổn, mà quan trọng đấy chính là nét chữ của mỗi người đọng lại gì trong tâm của người đi xin chữ.
“Bà đồ” THỦY TIÊN
Niềm vui cho chữ ngày xuân
Ngồi chung gian hàng thư pháp Đức Dự, "cô đồ" Minh Anh trong bộ áo dài màu đồng, tóc quấn băngđô cùng màu nhìn nhẹ nhàng, mềm mại khiến nhiều người đi du xuân sớm tại phố ông đồ ghé vào xin chữ và xin chụp hình chung. Đây là năm đầu tiên Minh Anh ra phố ông đồ cho chữ.
"Mình chỉ viết trên các tấm thiệp hoặc bao lì xì là nhiều. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên những bức tranh lớn do chính tay sư phụ của mình thực hiện. Ra đây thấy mọi người du xuân, xin chữ rất thật tâm nên ai cũng vui" - Minh Anh bộc bạch.
Còn "cô đồ" Phạm Thị Thủy Tiên đã ra phố ông đồ này cho chữ ba năm qua. Trong màu áo dài đen, tóc vấn trần, nhìn Thủy Tiên rất ra dáng "cụ đồ" xưa.
"Thật ra tâm lý ai cũng quen hình ảnh những cụ đồ ngày xưa cho chữ ngày xuân, nhưng gần đây nghệ thuật thư pháp đã được nhiều người trẻ đi theo và đặc biệt là cũng có khá nhiều bạn nữ đến với môn nghệ thuật này.
Cả năm mình chỉ mong chờ những ngày giáp tết để ra phố ông đồ cho chữ mọi người và hưởng không khí vui xuân của mọi nhà, rất thú vị" - Thủy Tiên chia sẻ.
Đa số các "cô đồ", "bà đồ" đều cùng với đồng môn đảm nhận gian hàng thư pháp là để cùng hỗ trợ nhau, thay ca cho nhau vì ai cũng có những công việc riêng.
Riêng một mình "bà đồ" Thiên Thanh là "chủ xị" một gian hàng thư pháp trong suốt 6 năm qua tại phố ông đồ. Nhờ nét chữ mềm mại nên khách hàng đã từng xin chữ một lần thì năm sau sẽ quay lại tìm "bà đồ" Thiên Thanh để xin chữ.
Giải tỏa stress qua từng nét chữ
"Ông đồ" Phạm Văn Nguyên - phó chủ nhiệm CLB thư pháp Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - cho biết những năm gần đây có rất nhiều bạn nữ theo học môn nghệ thuật thư pháp.
Đa số những "cô đồ", "bà đồ" đều đến với thư pháp như một cái duyên và để thỏa niềm đam mê nghệ thuật này, nhưng khi hỏi họ lại đều cảm nhận bản thân được giải tỏa stress qua từng nét chữ. "Cô đồ" Thủy Tiên làm nghề biên kịch đã đến với nghệ thuật thư pháp hơn năm năm.
Thủy Tiên bộc bạch: "Mình nghĩ khi ra phố ông đồ cho chữ thì đấy không là chuyện mua bán mà chính là dịp để mình và khách trò chuyện, chia sẻ, trải lòng và mình sẽ cho chữ bằng chính cái tâm của mình. Nếu chỉ đơn thuần là viết chữ thuê thì mình sẽ không làm.
Nhiều người tâm sự hoàn cảnh rồi xin chữ, chính vì thế mình phải hiểu những câu chúc để viết tặng cho đúng với hoàn cảnh của họ. Thậm chí chỉ là cái tên của người được tặng chữ mình cũng phải biết lồng ghép vào câu chúc để khi nhận món quà họ sẽ cảm thấy được yêu thương".
Đến với thư pháp, Thủy Tiên nói cô đã giảm bớt stress trong công việc khi cầm cọ đi những nét chữ trên trang giấy.
"Cả năm làm việc căng thẳng, những ngày ra phố ông đồ cho chữ là hạnh phúc lắm. Cũng như mỗi ngày đi làm về, nếu thấy buồn thì lấy cọ và mực tàu ra viết, bỗng thấy tâm mình nhẹ nhàng hơn" - Thủy Tiên nói.
Cô sinh viên Minh Anh đang theo học ngành kế toán lại bày tỏ: "Học kế toán đòi hỏi phải chính xác đến từng con số nên khi mình thích môn nghệ thuật này, mình thấy được bay bổng cùng con chữ, giúp mình cân bằng trong cuộc sống".
Chuyện đời trong chữ
Nhiều kỷ niệm vui buồn cũng theo từng nét chữ của các "cô đồ", "bà đồ", những câu chuyện cuộc sống đi vào từng nét chữ...
"Bà đồ" Thiên Thanh tâm sự: "Có ông kia năm ngoái đến đây xin chữ tặng người vợ bệnh nặng. Năm nay, ông lại đến nhưng không còn xin chữ cho vợ nữa, mà xin chữ cho chính mình và những người con, bởi lẽ người vợ ông đã đi xa.
Nghe ông tâm sự thấy cũng nặng lòng. Cả hai trao đổi và tìm ra chữ gần gũi với hoàn cảnh của gia đình ông. Tôi không chỉ viết mà động viên ông ấy vượt qua nỗi đau".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận