Phóng to |
1. Cha mẹ Ramesh là thương nhân Ấn Độ làm ăn ở Sài Gòn từ những năm 1950. Tuổi thơ của anh gắn với những đường phố, những ngõ hẻm, những hàng cây Sài Gòn. Tuổi thơ của anh gắn với những người bạn Việt. Có khi đám bạn bè đuổi nhau trên những chiếc xe đạp mà lang thang khắp ngõ ngách thành phố. Trong mắt lũ trẻ, thành phố vẫn khá bình yên cho đến khi Mỹ trực tiếp can thiệp vào Việt Nam giữa thập niên 1960.
Năm 1965, cuộc chiến ngày càng nóng lên, cha mẹ đưa Ramesh hồi hương về Bombay, bây giờ là Mumbai. Chú bé mười bốn tuổi bơ vơ giữa thành phố mênh mông hơn mười triệu dân. Mình trơ trọi và thành phố xa lạ. Ramesh nhớ Sài Gòn, nhớ theo kiểu của nỗi nhớ nhà, nhớ cố hương. Chú gầy rộc đi, chú mất ăn mất ngủ, chú ngẩn ngẩn ngơ ngơ khó hòa nhập. Tình trạng kéo dài suốt mấy năm học phổ thông, chú trở nên gầy tong teo, cho đến khi cha mẹ chú đi đến một quyết định.
Cha mẹ đưa Ramesh về thăm lại Sài Gòn, năm chú chàng mười bảy tuổi. Đường phố ngõ ngách đã khác. Bạn bè đã khác. Giống như ai đó đã thổi vào đám bạn bè như thổi cho những quả bóng bay căng phồng lên. Chúng đã có những mối quan tâm khác. Những đứa lớn đã mắt trước mắt sau chui lủi trốn quân dịch, tránh bị bắt đi lính. Ramesh đi dọc sông Sài Gòn, đi qua Chợ Lớn, đi qua những con đường mấy năm trước vẫn đi, lần này lại cảm thấy bơ vơ như giữa một thành phố khác. Không còn là thành phố của tuổi thơ nữa, không còn là đám bạn bè ngày trước nữa.
Chuyến thăm lại Sài Gòn giống như một cuộc trị liệu về tâm lý cho người luyến nhớ cố hương. Cha mẹ Ramesh muốn cho cậu biết rằng Sài Gòn không còn là Sài Gòn của tuổi thơ cậu nữa. Người ta không thể dừng lại để chỉ sống với quá khứ. Khi trở lại Bombay, chàng trai bắt đầu một cuộc hồi sinh, rất tự nhiên đã chịu ăn uống bình thường trở lại và tự bên trong đã chấp nhận một cuộc hòa nhập mới.
Tôi gặp Ramesh khi anh đã ở độ trung niên. Năm ấy múa rối nước Việt Nam có cuộc trình diễn ở một số thành phố lớn của Ấn Độ. Ramesh đến xem chương trình tại bể bơi của khách sạn Ashoka ở thủ đô New Delhi. Sau buổi biểu diễn, anh cùng vợ nán lại ngắm các diễn viên bập bềnh dưới nước thu dọn đạo cụ và con rối. Anh băn khoăn vì sao những con rối bằng gỗ có thể nổi được, vì sao những lá cờ phất từ dưới nước lên mà vẫn khô… Anh bảo trong các tiết mục vừa xem, có lúc anh nghe được chú tễu nói câu tiếng Việt: “Bà coong ơi”, mà anh phát âm theo giọng Sài Gòn.
2. Wayne Karlin chỉ đi lính sang Việt Nam mười tám tháng, trong khoảng năm 1965-1966. Mười tám tháng đủ cho một nỗi lòng yêu thương, xót xa và ân hận đến tận bây giờ. Năm 1995, tức sau ba chục năm, anh trở lại Việt Nam lần đầu tiên, khi máy bay đi vào không phận Hà Nội, anh lại nghĩ rằng đây chính là nơi máy bay Mỹ đã xâm nhập nhiều lần, đã ném bom giết chóc, đã bị bắn rơi, phi công đã bị giải đi trên đường phố Hà Nội trước bao nhiêu cặp mắt căm hờn.
Gặp một nhà văn ngày trước là thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn, anh lại nghĩ ngày trước mình ngồi trên trực thăng và biết đâu suýt nữa đã bắn trúng con người này. Một nhà văn khác kể chuyện bị lạc giữa bãi bom rồi ngất đi dưới một hố bom tấn, thế là đêm về anh mơ thấy mình cúi xuống chìa tay kéo chị lên, nhưng không sao kéo được.
Từ đó, Wayne Karlin đều đều sang Việt Nam như về với nhà mình. Anh có nhiều bạn Việt Nam là đồng nghiệp văn chương.Một cựu binh Mỹ tìm đến Wayne Karlin, nhờ anh chuyển hộ sổ sách giấy tờ của một người lính Việt Nam bị anh ta bắn chết ở Tây nguyên gần bốn mươi năm trước.
Wayne mang số kỷ vật ấy sang trao lại cho gia đình liệt sĩ ở Thái Bình. Sau đó anh tổ chức cho người cựu binh kia sang trực tiếp gặp gỡ gia đình liệt sĩ. Viên cựu binh Mỹ tỏ ra rất kiềm chế khi đi từng bước trên đường làng, khi bước đến trước cửa nhà người lính Việt Nam, khi thắp hương trước bàn thờ. Còn Wayne Karlin, người không làm gì nên tội, thì đi ngay sau viên cựu binh đang bê đĩa hoa quả và thẻ hương, và từ rất xa trên đường làng Wayne đã khóc sướt mướt.
Khi tôi chuyển cho Wayne xem câu chuyện không lời, chỉ có những tấm ảnh về một anh lính Mỹ từ chiến trường Iraq trở về, cụt cả hai tay hai chân, Wayne bảo một số sinh viên cũ của anh cũng chịu hoàn cảnh tương tự. Wayne bình thêm: quá nửa thế kỷ từ chiến tranh Việt Nam đến giờ mà thế giới không rút được kinh nghiệm gì, sự thể cũng không thay đổi gì.
Mới đây Wayne Karlin cho tôi xem tấm ảnh chụp cảnh anh bị bắt trong cuộc biểu tình của cựu chiến binh chống chiến tranh Việt Nam năm 1969. Một cảnh sát mặc thường phục đang bẻ tay anh. Mấy nữ văn sĩ Việt Nam nhìn ảnh, bình một câu: Đẹp trai thế. Anh cười: Người đang bị vặn tay khó mà đẹp trai được, đau lắm đấy.
Tình yêu công lý, tình yêu với một đất nước xa xôi có khi cũng làm cho người ta đau đớn, thậm chí phải trả giá nhiều hơn thế.
3. Marita có con nuôi là người Việt Nam. Chị sang Việt Nam nhiều lần, từ xứ Bắc Âu lạnh giá, chị bỗng sinh lòng say mê một đất nước ấm áp ở phương Đông. Thế là nhận con nuôi. Người Á Đông thiên về tình cảm, nặng lòng với gia đình. Chị nghĩ thế và cũng thấy thế. Trong thời gian Mỹ vào Việt Nam, cha chị xuống đường biểu tình chống chiến tranh và dắt con gái theo. Cô bé được cha kiệu trên vai, cô vẫy lá cờ nhỏ Việt Nam trên đầu mọi người như đi hội. Có thể tình yêu Việt Nam đã bắt đầu từ đó.
Sau này vào làm việc trong một thư viện, Marita chú tâm xây dựng một tủ sách Việt Nam. Chị thường xuyên cập nhật sách tiếng Việt bằng việc đặt mua sách từ Hà Nội. Chị học thêm tiếng Việt để có thể đọc được chút ít và dạy thêm cho con gái nuôi chút ít. Mẹ Bắc Âu dạy tiếng Việt cho con Việt, đúng là một sự đổi ngôi. Chị mang tiểu thuyết tiếng Việt về cho con gái nuôi bập bẹ đánh vần.
Vợ chồng chị tham gia mọi cuộc sinh hoạt cộng đồng có con nuôi Việt để lũ trẻ có ý thức cộng đồng và được sống bầu không khí cố hương. Vợ chồng chị và cô con gái nuôi cứ thế quấn túm lấy nhau, không rời nhau, ríu ra ríu rít, cho đến khi cô gái mười tám tuổi. Mười tám tuổi, một hôm cô tuyên bố cô đã quyết định dọn ra ở riêng. Cô vừa đi học vừa làm thêm để trả tiền thuê nhà, bố mẹ nuôi có hỗ trợ thêm được chút nào về tài chính thì cô sẵn lòng nhận.
Bàng hoàng. Vợ chồng Marita chưa chuẩn bị cho sự thay đổi này. Con cái xứ Bắc Âu dọn đi ở riêng là chuyện bình thường. Nhưng cô con nuôi Á Đông đòi đi ở riêng thì có lẽ không như anh chị dự liệu. Tưởng là người Á Đông nặng lòng với cha mẹ. Tưởng như thế kể từ khi nhận nuôi con gần mười tám năm trước. “Con gái tôi thuê nhà ra ở riêng rồi. Vợ chồng tôi lại trơ trọi như ngày trước…”, chị viết những dòng thư điện tử như có cả nước mắt. Gặp tôi thì chị thút thít thật sự. Người ta phần nhiều sung sướng vì yêu, nhưng cũng có khi khốn đốn vì yêu là như vậy.
Một lần tôi đến thăm nhà, chị gọi điện cho con gái nuôi, có chú mới ở Hà Nội sang, con nhớ ghé về nhà sớm. Chuyện trò một lúc lại kể vài ngày nữa hội cha mẹ có con nuôi Việt Nam tổ chức đi dã ngoại cắm trại ở ngoại ô, tôi sẽ gọi cháu về để cả nhà cùng đi, chú cũng cố gắng ở lại tham gia cho vui nhé.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận