02/10/2021 09:24 GMT+7

Nhộn nhịp mua sắm ngày đầu mở cửa

N.TRÍ - C.TRUNG - B.MAI - N.HIỂN
N.TRÍ - C.TRUNG - B.MAI - N.HIỂN

TTO - Ngày 1-10, ngày đầu TP.HCM "mở cửa dần", không khí mua bán đã sôi động hẳn lên. Tuy vậy, cả người bán lẫn người mua vẫn còn tâm lý nghe ngóng, nên sức mua chưa đạt như kỳ vọng.

Nhộn nhịp mua sắm ngày đầu mở cửa - Ảnh 1.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP.HCM sáng 1-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều siêu thị cho biết đã khôi phục hoàn toàn các hoạt động, nhân sự, các quận huyện cũng đã lên kế hoạch sớm mở lại chợ nên nguồn cung trong thời gian tới được nhiều đơn vị nhận định sẽ ổn định, giá giảm.

Nhộn nhịp mua bán trở lại

Ngay từ sáng sớm, gia đình tiểu thương Nguyễn Ngọc Thủy đưa xe thịt heo từ chợ đầu mối Thủ Đức đến chợ Phú Nhuận, rồi tất tả xếp những miếng thịt mới sẵn sàng bán cho khách mở hàng, công việc quen thuộc mà gia đình đã làm mỗi ngày suốt 35 năm qua trước khi tạm ngừng nhiều tháng do TP.HCM áp dụng biện pháp giãn cách.

Khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) cũng dần sôi động trở lại khi nhiều hàng quán, tiệm tạp hóa đã tái mở cửa. Chị Thanh, tiểu thương quầy gạo ở chợ Căn Cứ (quận Gò Vấp), cho hay rất vui khi được buôn bán trở lại để có thu nhập lo cho gia đình. 

Tuy nhiên, chị Thanh cho biết sức mua của khách ngày đầu vẫn chưa tăng trở lại dù việc đi lại dễ dàng hơn. Thay vì chuẩn bị các nguồn hàng mới, chị Thanh cho biết sẽ giảm giá "chút đỉnh" để tranh thủ bán hết số gạo còn lại rồi mới tính toán nhập thêm.

Ghi nhận tại siêu thị Co.op Rạch Miễu (quận Phú Nhuận) cho thấy nhiều khách hàng đã tìm đến mua sắm từ sáng sớm. Quét mã QR xong, chị Dương Thùy Duyên (quận  Bình Thạnh) cho biết rất mừng khi được đi siêu thị vì đang cần mua nhiều đồ thực phẩm, gia dụng. 

Chị Trần Kiều Trinh (32 tuổi) cũng cho biết phải đến mua rau củ quả, thịt cá, các đồ vệ sinh... sau nhiều tháng phải nhờ người nhà gom đồ ăn ở quê từ Đồng Nai gửi lên. 

Tương tự, tại các siêu thị như Lotte Mart, Bách Hóa Xanh... cũng đã mở cửa đón khách, tuy nhiên hầu hết chỉ tiếp lượng khách nhất định trong một khung giờ, khách hàng đến mua sắm ngoài yêu cầu 5K còn phải có thẻ xanh COVID-19.

Do sức mua online tăng cao nên lực lượng shipper hối hả chốt đơn, tăng tốc độ giao hàng cho khách nhờ đường sá thông thoáng không còn vướng chốt chặn, rào chắn như trước. Tình trạng khó đặt món qua app, khan hiếm shipper hầu như không còn.

Nhộn nhịp mua sắm ngày đầu mở cửa - Ảnh 2.

Người dân đi chợ Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM) sáng 1-10 với đủ các loại thực phẩm rau xanh, thịt heo, thủy sản - Ảnh: TỰ TRUNG

Chợ truyền thống vẫn "tắt đèn", nghe ngóng tình hình

Dù mong ngóng từng ngày mở cửa trở lại nhưng anh Nguyễn Thế Đỉnh - chủ hệ thống quán mì Quảng có nhiều chi nhánh tại TP.HCM - cho hay vẫn thận trọng chưa hoạt động ngay mà cần nghe ngóng tình hình lưu thông, nguồn hàng hóa cung ứng thực phẩm rồi mới quyết định mở quán. 

Dù vậy, anh vẫn cho nhân viên trở lại dọn dẹp, lau chùi bàn ghế, chuẩn bị sẵn sàng mở bán online lẫn tại chỗ. "Tôi chờ thêm vài ngày nữa xem sao mới quyết định" - anh Đỉnh nói.

Tương tự, đại diện Lotte Mart cho biết 4 cửa hàng tại TP.HCM đã mở bán trực tiếp cho người dân kể từ 1-10 nhưng sức mua ngày đầu mở bán chưa tăng nhiều. 

"Dịch bệnh còn phức tạp, các siêu thị áp dụng nhiều quy định về phòng chống dịch nên người dân còn ngại mua sắm. Khả năng lượng khách sẽ tăng dần trong thời gian tới nhưng không đột biến", vị này nhận định.

Trong khi đó, các chợ truyền thống vẫn "tắt đèn" vì thận trọng trong việc mở cửa trở lại. Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Phòng kinh tế quận 11 cho biết các chợ trên địa bàn vẫn chưa được mở cửa, chờ hướng dẫn từ chính quyền do lo ngại dịch bệnh. 

"Người dân vẫn chưa được ra ngoài một cách thoải mái, quận đã có các kênh cung cấp thực phẩm thay nên nhu cầu mở lại chợ vẫn chưa quá cấp bách", vị này cho biết.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hòa, phó Phòng kinh tế quận Phú Nhuận, cho biết dù đã có kế hoạch nhưng thời điểm này vẫn chưa cho mở lại chợ truyền thống, mà thận trọng và mở từng bước trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hơn nữa, các quy định về điều kiện, lực lượng mua bán, mô hình tổ chức... cần được các ban ngành hướng dẫn thêm.

Đi cầm vàng lấy vốn làm ăn

Ngày 1-10, các tiệm vàng lớn tại các quận Bình Thạnh, Gò Vấp đông đúc người dân đến cầm cố vàng và đóng tiền lãi suất cầm vàng.

Tại một tiệm vàng trên đường Lê Quang Định (Bình Thạnh), người dân đến giao dịch quá đông khiến tiệm vàng phải nhờ đến sự hỗ trợ của bảo vệ dân phố để yêu cầu người dân giãn cách, lần lượt vào tiệm giao dịch.

np_vang_mihong_-2 1(read-only)

Người dân chờ vào giao dịch vàng tại một cửa hàng trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh trưa 1-10 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Quyền - chủ tiệm hủ tiếu vỉa hè trên đường Nơ Trang Long - cho biết hai vợ chồng bán hủ tiếu đã nhiều năm, qua 3 tháng nghỉ bán, cuộc sống gặp khó khăn nên ông quyết định mang 2 chỉ vàng đi cầm cố lấy tiền mua nguyên liệu để mở lại hàng quán.

"Muốn mở lại hàng quán cần phải mua xương, mua thịt và đổi bình gas mà kẹt quá nên phải đi cầm vàng, mai mốt bán buôn được sẽ chuộc lại", ông Quyền nói.

Tương tự, ông Trần Văn Tuấn (Gò Vấp) cho hay phải đi cầm 1 chỉ vàng để mua sắm nguyên liệu bán buôn vỉa hè, do không còn tiền sau nhiều tháng thất nghiệp.

Tranh thủ sắm sửa điện thoại, máy tính…

Từ sáng 1-10, nhiều cửa hàng bán lẻ, sửa chữa điện thoại, máy tính ở TP.HCM đã khá đông khách đến sửa, mua đồ, xen lẫn đi đóng tiền điện, mua thẻ cào...

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, các cửa hàng lớn trên đường Trần Quang Khải (quận 1) như Cellphones, Di Động Việt, Điện Thoại Vui, 24h Store, Minh Tuấn... trở nên sôi động hơn hẳn. Lượng khách đến các cửa hàng chủ yếu sửa chữa các thiết bị đang dùng, phần còn lại là mua sắm điện thoại, máy tính mới phục vụ làm việc, học tập online.

Đại diện hệ thống Di Động Việt cho biết đa số khách đến để được hỗ trợ về kỹ thuật, còn khách mua sắm chủ yếu tập trung vào những laptop và các thiết bị di động để phục vụ công việc là chính.

Theo bà Ánh Hồng, đại diện hệ thống 24h Store, các cửa hàng bệnh viện điện thoại và laptop 24h thuộc hệ thống này đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp máy hỏng do khách không đủ điều kiện sửa chữa trong lúc giãn cách.

"Hơn 40% yêu cầu thay pin và hơn 30% yêu cầu thay mặt kính bể vỡ lấy liền. Khách hàng đã đặt lịch kín ngày và càng về tối số lượng khách đến càng nhiều. Các đơn sửa chữa tận nơi vẫn đang được tiếp nhận xử lý", bà Hồng cho biết.

ĐỨC THIỆN

TP.HCM liên kết các tỉnh mở cửa ra sao? TP.HCM liên kết các tỉnh mở cửa ra sao?

TTO - Lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh thống nhất dự kiến thành lập tổ điều phối hợp tác liên vùng trong phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.

N.TRÍ - C.TRUNG - B.MAI - N.HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên