Phóng to |
Bà Ngô Thị Thu, kế toán một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng có hơn 100 nhân viên ở quận Gò Vấp, TP.HCM, vừa được sếp giao nhiệm vụ “đặc biệt”: đổi về 150 triệu đồng tiền mới, mệnh giá nhỏ để chuẩn bị thưởng tết cho anh em làm tiền lì xì.
“Mấy ngày nay tôi chạy khắp các ngân hàng tìm nguồn tiền nhưng vẫn chưa được. Tại ngân hàng quen biết chỗ công ty tôi mở tài khoản, họ cũng chỉ hứa đổi cho vài chục triệu đồng thôi”, bà Thu nói.
Đi cùng bà Thu vào chi nhánh ngân hàng V trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu nhã nhặn của nhân viên ở đây: “Chị thông cảm, tụi em hết sạch tiền lẻ rồi, tiền cũ cũng không có chứ nói chi tiền mới”.
Sài Gòn “sốt”, Hà Nội “ế”
Tại một chi nhánh ngân hàng khác trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, nhân viên ngân hàng từ chối khéo hơn: “Hiện vẫn chưa có lượng tiền lẻ mới từ Ngân hàng Nhà nước chuyển về. Chị liên hệ lại sau vậy”. Bà Thu ngao ngán: “Năm nay tôi tranh thủ chạy kiếm tiền lì xì sớm hơn so với năm ngoái khoảng chục ngày nhưng vẫn chưa được. Có lẽ phải đổi ngoài chợ đen thôi”.
Lần theo một số điện thoại quảng cáo đổi tiền trên mạng của một người tên Hưng, bà Thu nhận ngay câu trả lời: “Chị cần đổi bao nhiêu tiền? 150 triệu đồng hả? Tiền 5.000 và 10.000? Có ngay, 10 ăn 9 nhé (đổi 10 đồng tiền chẵn thu về 9 đồng tiền lẻ - PV). Cho địa chỉ em giao tận nơi”.
Dũng, một thanh niên chuyên đổi tiền chẵn sang tiền lẻ làm tiền lì xì, cho biết: “Tại TP.HCM, muốn đổi tiền lẻ mới để lì xì chỉ có ra ngân hàng, một vài tiệm vàng hoặc tìm dịch vụ trên mạng. Năm nay mốt đổi tiền lẻ tiền VN mệnh giá nhỏ như 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng... để lì xì rất được ưa chuộng vì nhiều người cho rằng tiền trong nước sẽ đem lại nhiều điều may mắn, tốt lành hơn cả ngoại tệ lạ. Nhưng lượng tiền lẻ mệnh giá nhỏ rất khan hiếm, các ngân hàng từ chối đổi tiền cho khách lẻ nên các tay đổi tiền “chợ đen” được thể nâng giá. So với tết năm ngoái, năm nay phí đổi tiền tăng 3-5%”.
Nghịch lý ở chỗ mặc dù các dịch vụ đổi tiền tư nhân cho rằng vì ngân hàng khan hiếm tiền lẻ nên năm nay mức phí đổi tiền cao hơn năm ngoái, nhưng nếu cần thì các dịch vụ này tuyên bố ngay là muốn đổi bao nhiêu cũng có, tiền mới nguyên xêri.
Tiền mệnh giá càng nhỏ thì phí càng cao: tiền 500 đồng thì 10 ăn 7,5, 1.000 đồng thì 10 ăn 8. Với tờ 10.000 đồng hay 20.000 đồng thì 10 ăn 9,5. Riêng tiền mệnh giá 200 đồng thì phí đội lên đến 10 ăn 6, tức đổi 100.000đ chỉ thu về 60.000đ.
Trong khi đó, tại những khu chuyên đổi tiền lẻ ở Hà Nội như phố Đinh Lễ, chùa Hà, các tiệm vàng... lại trái ngược, rất đìu hiu khách đổi tiền. Trước cổng chùa Hà, hàng chục tiệm bán đồ vàng mã kiêm dịch vụ đổi tiền lẻ đã chuẩn bị đầy ắp các ngăn tủ với những cọc tiền ngăn nắp, mới tinh tươm, đủ chủng loại, từ 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng đến 100.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Thư, chủ một hiệu đổi tiền ở đây, cho biết: “Năm ngoái, đến tầm này là tranh nhau đổi. Nhưng năm nay có vẻ ế lắm. Đến giờ vẫn chỉ thấy người đổi tiền vào lễ chùa thôi”. Tại các ngân hàng ở Hà Nội, nhu cầu của khách hàng đến đổi tiền lẻ cũng chưa cao. Mệnh giá tiền khách có nhu cầu đổi nhiều nhất là từ 20.000đ trở lên.
Một nhân viên ngân hàng T, chi nhánh Hoàng Quốc Việt, cho biết: “Do năm nay tiền đồng trượt giá nên khách chủ yếu có nhu cầu đổi tiền mệnh giá 20.000 đồng và 50.000 đồng. Tiền 5.000 đồng và 10.000 đồng có nhu cầu chỉ bằng một nửa so với mọi năm”.
Đủ loại dịch vụ
Tại một quán cà phê ở đường Trường Sơn, Q.10, TP.HCM, anh Trần Anh Tuấn đổ từ trong túi ra mấy cọc tiền 500 đồng và 1.000 đồng mới cứng và còn nguyên xêri. Đang là sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM nhưng Tuấn đã là chủ một trang web chuyên về dịch vụ đổi tiền, làm ăn rất nhộn nhịp vào dịp cuối năm. Trang web này tập hợp 22 sinh viên, đang “tung hoành” khắp TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu về các dịch vụ đổi tiền...
Anh Tuấn cho biết: “Từ sáng tới giờ tôi đã đổi cho khách hàng khoảng 20 triệu đồng, chủ yếu là tiền mệnh giá 1.000đ và 5.000đ. Khách đổi tiền lẻ năm nay nhu cầu khá cao”.
Trong khi bao nhiêu người đỏ mắt tìm tiền lẻ để đổi tại các ngân hàng nhưng không được thì bằng cách nào mà các dịch vụ đổi tiền tư nhân lại có nhiều đến thế?
Anh Tuấn nói: “Vì chúng tôi đã chuẩn bị nguồn tiền này từ lâu cho dịp đổi tiền lì xì cuối năm. Nhờ quen biết nhiều với các ngân hàng nên chúng tôi có nguồn cung dồi dào. Những ai có nguồn tiền này cũng gọi cho chúng tôi để cung cấp, bởi chúng tôi có lực lượng cơ động có thể giúp họ giao cho khách hàng lẻ”.
Một “đầu nậu” chuyên đổi tiền lẻ khác tên Chín ở đường Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú cũng khẳng định hầu hết những người có nguồn tiền lẻ dồi dào đều có mối quan hệ giao dịch tốt với các ngân hàng. Một số lượng lớn tiền lẻ khác có nguồn là từ những hòm công đức của các đền, chùa.
Theo nhiều điểm dịch vụ đổi tiền tư nhân, do năm nay tại Sài Gòn nhu cầu tiền lẻ còn mới để lì xì dịp tết rất lớn, nên nhiều nơi tìm đủ mọi cách để có nguồn tiền lẻ, kể cả việc biến tiền cũ thành tiền mới mà chỉ có quan sát kỹ mới nhận ra. Có những tờ 500 đồng, 1.000 đồng được là lượt lại cho phẳng.
“Rất nhiều tờ tiền bị xén bớt mép ngoài để cho vuông thành sắc cạnh”, Tuấn nói. Rồi Tuấn đưa chúng tôi xem một cục tiền 500 đồng nguyên xêri nhưng lại có những vết cắt khá thô ngoài mép và giải thích: “Có thể cọc tiền này đã bị bẩn và người ta đem vào máy xén lại để trông mới hơn”.
Những ngày này nhóm dịch vụ đổi tiền của Tuấn tập trung đổi tiền lẻ cho các công ty, nhà hàng, quán cà phê... Ngày giao nhiều nhất, nhóm của Tuấn đổi tới 200 triệu đồng cho khách hàng. “Chỉ 20 triệu đồng tiền 500đ cũng làm thành một bao tải lớn rồi. Chúng tôi có người quen làm ở một công ty vệ sĩ nên gửi luôn tiền ở đấy. Khi cần thì đến lấy giao cho khách”, Tuấn kể.
Tết năm nay nhiều điểm đổi, cung cấp tiền lì xì còn tung ra một dịch vụ mới khá “nóng” là nhận giao tiền lì xì cho khách hàng vào thời điểm giao thừa hoặc trong mấy ngày tết theo yêu cầu.
“Đây là dịch vụ mới nhưng nhiều người đã đăng ký với chúng tôi bởi có thỏa thuận, hợp đồng đàng hoàng. Họ dùng cách này để lì xì cho những người ở xa đúng ngay thời điểm mùa xuân về” - Nguyễn Hữu Đức, một người tổ chức dịch vụ này, nói. Còn Trần Anh Tuấn cho biết đã có 200 lượt đặt dịch vụ này và nhóm chưa dám nhận thêm vì số người đi giao còn ít.
Nhiều điểm dịch vụ đổi tiền lẻ rao bán cứ một tờ 2 USD giá 70.000 đồng. Tuy nhiên, những tờ đặc biệt thì giá cao hơn hẳn năm ngoái. Tết 2010, nếu giá một tờ 2 USD có số xêri “22222” hoặc “8888” giá 800.000-1.200.000 đồng thì năm nay có giá đến 2 triệu đồng. Tuấn cũng xòe ra cho chúng tôi xem 10 tờ 2 USD, trong đó một tờ có số “ngũ quý tám” - “88888”, còn lại những tờ khác có số “tam hoa” từ “000” tới “999”. “Mười tờ này có giá 8 triệu đồng. Phải từ một cọc 20.000 USD cùng xêri mới rút ra được bộ tiền này”, Tuấn cho biết. Tại Hà Nội, giới công sở cũng như một bộ phận người dân, nhất là những người trẻ, đang diễn ra một cuộc săn lùng ráo riết đồng 2 USD. Tại nhiều tiệm vàng kiêm dịch vụ đổi ngoại tệ cũng đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày đến hỏi mua đồng 2 USD. Anh Trần Trọng Khang, chủ một tiệm vàng trên đường Cầu Giấy, cho hay: “Nhiều khách đến hỏi đồng 2 USD mà mình cũng chỉ có mấy chục tờ thôi. Người quen dặn trước đã ngót 20 tờ rồi. Có người đến hỏi mua chấp nhận giá 100.000đ/tờ nhưng cũng đành ra về”. Ngoại tệ lạ cũng được rất nhiều người săn lùng. Phổ biến nhất là đồng 100.000 tỉ Zimbabwe. Hiện nay giá mua một tờ tiền Zimbabwe mệnh giá 100.000 tỉ là 150.000đ, một bộ tam 10, 20, 50 nghìn tỉ Zimbabwe mới 100% có giá 349.000đ... Ông Hà Đức Quang, chuyên gia tiền tệ, nhận định do xu hướng chuộng ngoại tệ lạ vì tin vào những điều may mắn đôi khi rất mơ hồ, chủ quan chỉ vì đồn thổi mà vô tình nhiều người đã đẩy giá trị các ngoại tệ lạ lên cao so với thực tế và không cần thiết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận