Nhiều học sinh tại Trường tiểu học La Văn Cầu chỉ qua bữa bằng hộp bún chan tương hay nắm cơm trắng trộn muối - Ảnh: BẢO DANH
Trường tiểu học La Văn Cầu nằm lọt thỏm giữa những ngọn đồi trập trùng, heo hút thuộc xã vùng sâu xã Đắk R’Măng. Xung quanh ngôi trường này là những buôn làng của người đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ phía Bắc vào làm nương rẫy sinh sống.
Con đông, ruộng nương ít, nhiều gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn nên khi con đến trường họ chỉ có nắm cơm trắng trộn muối hoặc gói mì tôm cho con đến trường.
Những hình ảnh nhói lòng của những học sinh tiểu học người H’Mông đã được một cô giáo đưa lên Facebook.
Chúng tôi đã tìm về ngôi trường này để ghi lại bữa cơm đạm bạc của học trò nơi đây.
Để tìm con chữ, hàng trăm học sinh ở những ngôi làng ẩn khuất giữa rừng mỗi sáng phải vượt gần chục km đến trường. Trên tay, trong cặp sách luôn là nắm cơm, chút muối trắng hay gói mì tôm sống để qua bữa vào buổi trưa, chờ vào giờ học.
Cũng có học sinh không mang cơm mà ra cổng trường mua hộp bún có miếng đậu hũ chiên, chan chút tương ớt để ăn lấy sức vào học.
Bữa ăn đạm bạc, vội vã trong sân trường, trước giờ vào lớp - Ảnh: BẢO DANH
Tan trường, em Ma Thị Dem (học sinh lớp 3B) dắt tay em trai học lớp dưới ra ghế đá cuối sân trường rồi mở cặp lôi ra gói mì tôm sống. Dem bóc vội gói mì rồi chia cho em trai là Ma A Phong (học sinh lớp 1B) và hai chị em ăn ngấu nghiến.
Nhà chị em Dem ở xa lắm, cha mẹ quanh năm làm nương rẫy mà vẫn nghèo. Mỗi sáng đi học, hai chị em được cho một gói mì tôm sống, chai nước sôi để nguội bỏ vào cặp để đến trường. Đó là tất cả "bữa ăn trưa 2.000 đồng" của chị em Dem trên hành trình theo đuổi con chữ.
Khác với Dem, em Giàng Thị Lý không mang theo cơm mà ra cổng trường mua một gói bún trắng có một lát đậu khuôn chan tương ớt để ăn qua bữa. Giá của bữa ăn của Lý - cô con gái út trong gia đình có 7 người con, cũng chỉ 2.000 đồng.
Trường hợp như Dem, Lý tại Trường tiểu học La Văn Cầu nhiều không kể hết.
Ông Hà Hữu Phong - hiệu trưởng Trường tiểu học La Văn Cầu, cho biết toàn trường có 673 học sinh, trong đó 98% là học sinh người H’Mông, có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Phần lớn học sinh nhà xa trường, nhiều trường hợp phải mỗi ngày phải đi bộ gần 10km để đến lớp.
"Nhà xa, các em phải dậy sớm đi bộ từ 5h sáng để đi bộ đến lớp. Vậy nên các em phải mang theo cơm hay mua hộp bún trắng ăn tại trường đợi chiều vô học", thầy Phong xót xa.
Ông Đoàn Công Hoàng - phó chủ tịch UBND xã Đắk R’Măng, cho biết phần lớn dân cư trong xã là người H’Mông di cư từ phía Bắc vào. Các gia đình thường đông con, kinh tế khó khăn.
Theo quy định, những học sinh tiểu học có nhà cách trường từ 4km trở lên đều được nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước với mức 15kg/tháng/em.
"Do địa phương không có ngân sách nên đang xin cấp, vận động mạnh thường quân để hỗ trợ thức ăn mặn trong bữa cơm trưa hàng ngày cho các em học sinh", ông Hoàng hy vọng.
Em MaThị Dem, học sinh lớp 3B bóc mì tôm sống cho em trai và mình ăn - Ảnh: BẢO DANH
Em Ma A Phong (học sinh lớp 1B) nhận gói mì từ chị và ăn ngấu nghiến - Ảnh: BẢO DANH
Cơm nắm tới trường nhưng học sinh nơi đây ăn rất ngon lành, vui vẻ - Ảnh: BẢO DANH
Bữa ăn 2.000 đồng của em Giàng Thị Lý - Ảnh: BẢO DANH
Bữa ăn bán tại cổng trường chỉ có bún trắng, miếng đậu hũ chiên chan tương ớt - Ảnh: BẢO DANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận