20/03/2011 06:18 GMT+7

Ngày dành cho học sinh vùng sâu

MINH GIẢNG - TẤN THÁI
MINH GIẢNG - TẤN THÁI

TT - Ngày 19-3, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT Kiên Giang và Tỉnh đoàn Kiên Giang phối hợp tổ chức đã đến với học sinh hơn 50 trường THPT tại Kiên Giang. Hầu hết học sinh về tham dự đều thuộc các huyện vùng sâu, vùng xa, rất thiếu thông tin về tuyển sinh.

Oackc8k6.jpgPhóng to
Nhiều học sinh giơ tay đặt câu hỏi với ban tư vấn - Ảnh: MINH ĐỨC

Ông Nguyễn Khải Hoàng - trưởng Ban Tuyên giáo huyện Kiên Hải - phấn khởi cho biết: “Khi biết được báo Tuổi Trẻ đưa chương trình tư vấn tuyển sinh đến con em đất đảo tôi rất xúc động. Tôi cho rằng đây là việc làm rất thiết thực. Mong các con em huyện đảo chọn đúng nghề, học thành đạt để phục vụ quê hương đất nước”.

Trong khi đó ông Vũ Như Tha (công tác tại văn phòng huyện ủy Kiên Hải) chia sẻ: “Tôi có ba người con cũng học tại Trường THPT Hòn Tre, trước đây học sinh không được tư vấn bài bản như bây giờ. Khi được tư vấn đúng, các em sẽ chọn đúng ngành nghề với khả năng hơn”.

Từ 4g30 sáng, thầy trò Trường THPT Minh Thuận (huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) đã lên xe khởi hành hướng về TP Rạch Giá. Không chỉ học sinh, nhiều giáo viên cũng lên xe đi dự tư vấn bởi ở huyện vùng sâu U Minh Thượng, cả thầy và trò đều thiếu thông tin như nhau.

Thầy Đào Duy Hảo - hiệu trưởng Trường THPT Minh Thuận - nói: “Trường có 81 học sinh lớp 12 nhưng không thể đi hết vì đa số các em đều có hoàn cảnh khó khăn”.

Không chỉ U Minh Thượng, học sinh hơn 50 trường THPT các huyện vùng xa khác của Kiên Giang như Vĩnh Thuận, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương, Hà Tiên... cũng về dự buổi tư vấn.

Niềm vui của học sinh huyện đảo

Xen lẫn trong số hàng ngàn học sinh về tham gia chương trình là những gương mặt còn nhiều bỡ ngỡ của học sinh đến từ huyện đảo Kiên Hải. Cái nắng và gió biển ở huyện đảo cách đất liền hàng chục kilômet đã khiến các bạn dày dạn hơn nhưng cũng rụt rè hơn.

Bạn Nguyễn Thị Thảo tâm sự: “Nhà em ở Hòn Ngang (xã Nam Du) cách đất liền tới 90km đường biển. Gia đình chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản nên ít có điều kiện đi xa. Những bạn thi ĐH chủ yếu thi cho có chứ có biết thông tin gì nhiều đâu”.

Với nhiều học sinh Kiên Hải, đây là lần đầu tiên các bạn vào đất liền. Bởi thế các bạn không chỉ háo hức vì được tư vấn hướng nghiệp mà còn pha lẫn niềm vui khi được đặt chân vào đất liền. Do ở đảo nên các bạn phải đi trước một ngày trên chiếc tàu của Huyện ủy Kiên Hải.

Cô lớp trưởng lớp 12 Trường THPT Kiên Hải Nguyễn Bích Diễm nói: “Em đi tư vấn lần này không chỉ hỏi cho riêng em mà còn phải lắng nghe và ghi chép về thông tin lại cho các bạn”.

Thầy Đặng Quang Sáng - hiệu trưởng Trường THPT Kiên Hải - chia sẻ: “Do việc tư vấn cho các em rất quan trọng nên trường đã tạo mọi điều kiện như cho các em nghỉ và hôm sau dạy bù. Trước đây việc tư vấn cho các em chủ yếu là do thầy cô của trường đảm nhận hoặc nhờ một số em từng học tại các trường đại học đến tư vấn cho học sinh... Các em ở xa nên dù có cố gắng cũng không thể đem đến thông tin đầy đủ nhất”.

Nắm rõ nhu cầu nhân lực địa phương

Một trong những nội dung đáng chú ý tại chương trình tư vấn ở Kiên Giang là các bạn học sinh quan tâm nhiều đến nhân lực các ngành nghề tại địa phương trước khi đặt bút chọn ngành, trường thi. Rất nhiều câu hỏi về nhu cầu nhân lực ngành khách sạn, nhà hàng, du lịch, giáo viên đã được đặt ra cho ban tư vấn.

Cũng đặc biệt hơn khi nhiều thí sinh tỏ rõ quyết tâm muốn theo học ngành nông nghiệp - ngành thế mạnh của ĐBSCL.

TS Trần Trung Tính, phó trưởng khoa công nghệ ĐH Cần Thơ, cho biết: ĐBSCL có thế mạnh về thủy sản, nông nghiệp và đang phát triển mạnh ngành này. Do đó nhu cầu về những loại giống thủy sản và cây trồng mới, năng suất cao là rất lớn. Ngành này nhiều năm nay ít được thí sinh quan tâm, nhưng rõ ràng để phát triển được nông nghiệp chắc chắn phải cần đội ngũ kỹ sư nông nghiệp, nuôi trồng để tạo ra giống mới cho bà con nông dân”.

Trong khi đó, rất nhiều học sinh đặt câu hỏi về ngành sư phạm, nhất là cơ hội việc làm và chính sách miễn giảm học phí khi theo học ngành này.

Thầy Lê Ngọc Diệp - trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và đào tạo bồi dưỡng giáo viên (Sở GD-ĐT Kiên Giang) - khẳng định theo học sư phạm, sinh viên sẽ được miễn học phí và vẫn hưởng các chính sách ưu tiên như sinh viên các ngành khác.

Tuy vậy, ông Diệp cũng chia sẻ nhiều thông tin và lưu ý học sinh cần cân nhắc khi thi vào ngành sư phạm: “Trước đây tỉnh rất thiếu giáo viên nhưng vài năm gần đây nhu cầu giáo viên rất ít. Bậc THCS đã dư giáo viên. Bậc THPT chỉ thiếu giáo viên môn giáo dục quốc phòng, hóa học. Nhu cầu giáo viên chủ yếu thiếu ở bậc mầm non và tiểu học vì thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi và dạy tiểu học hai buổi/ngày”.

Hôm nay, tư vấn tuyển sinh tại Cà Mau

Hôm nay 20-3, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT Cà Mau và Tỉnh đoàn Cà Mau tổ chức diễn ra tại Trường THPT Thái Thanh Hòa, huyện Đầm Dơi (Cà Mau).

Ngoài phần tư vấn giúp học sinh chọn ngành, chọn trường phù hợp năng lực và sở thích của mình, ban tổ chức cũng có nhiều quà tặng dành cho các học sinh vùng sâu, vùng xa Cà Mau như cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2011, Cẩm nang ngành nghề, Cẩm nang tuyển sinh 2011, CD Cẩm nang tuyển sinh điện tử...

Đơn vị tài trợ:

MINH GIẢNG - TẤN THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên