01/11/2016 09:53 GMT+7

Nhớ chú Chín Cần

KIỀU XUÂN LONG
KIỀU XUÂN LONG

TTO - Nghe tin chú Chín Cần mất, đang chạy xe trên đường phố mà tôi không kìm được nỗi xúc động. Nước mắt cứ như từ trong tim tự trào ra cùng với những kỷ niệm sâu đậm với chú Chín Cần…

*** Error ***
Các ban ngành, bạn bè thân hữu đến viếng tang và chia buồn cùng gia đình nguyên phó chủ tịch  Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Văn Chính - Ảnh: TỰ TRUNG

1. Những năm 1978-1980, biết chúng tôi thường được tháp tùng các đoàn công tác trung ương đi làm việc với địa phương, lần nào gặp, chú đều dặn: “Nhớ nghe, khi nào có đoàn trung ương vào, đi đâu ngang Long An, mấy em sắp xếp cho mấy ảnh ghé Tỉnh ủy ăn sáng”.

Rồi chú giải thích ngay như sợ tôi hiểu lầm: “Mấy ảnh đi làm việc nhiều nơi, mình tranh thủ mời ăn sáng để được nghe thêm tình hình và ý kiến nhận định thực tế, có kinh nghiệm gì hay mình học lóm áp dụng cho nhà mình, dân mình biết mà làm theo, không thua kém người ta”.

Trong những lần “sắp xếp cho mấy ảnh ghé qua” Long An ấy, chúng tôi được nghe những câu hỏi bất ngờ của chú Chín Cần: Tại sao Nhà nước đưa ra giá sản phẩm quá thấp so với thị trường? Tại sao phân phối sản phẩm theo đường buôn bán của tư thương được nhân dân thích hơn thì lại bị coi là “theo tư bản”?...

Những câu hỏi của ông bí thư thời ấy đã khiến nhiều người giật mình, nhưng ai cũng nhận ra nó toát lên rất rõ bức xúc của dân, mong muốn được làm, được thay đổi cho dân. Sau này, nghe báo về chủ trương cải tiến phương thức mua bán, cân đối giá - lương - tiền, bù giá vào lương mà Long An tiên phong thực hiện, tôi hiểu ngay những suy nghĩ của chú Chín Cần đã chín dần theo bức xúc của người dân.

2. Những lần gặp sau này, chú Chín Cần kể với chúng tôi: Long An đã đón nhiều đoàn, nhiều cấp của các bộ ngành trung ương và địa phương khác đến nghiên cứu, tìm hiểu mô hình thu mua hàng hóa theo giá thỏa thuận, xóa bỏ cung cấp theo tem phiếu, bìa sổ, bù giá vào lương...

Đặc biệt nhất là ba lần tiếp Tổng bí thư Trường Chinh cùng các chuyên viên lý luận cao cấp của trung ương, của Trường Nguyễn Ái Quốc.

Chú kể: Lần đầu tiên Tổng bí thư Trường Chinh tỏ thái độ rất nghiêm khắc. Ông cứng giọng hỏi: “Tôi nghe anh em nói cách làm của Long An có nguy cơ phục hồi kinh tế tư bản. Đoàn lần này đề nghị các đồng chí Long An báo cáo”.

Sau khi nghe báo cáo và tham quan thực tế, đoàn cho biết sẽ về Hà Nội nghiên cứu, tranh luận và có đánh giá kết luận sau.

Sau một thời gian ngắn, Tổng bí thư Trường Chinh và đoàn lại vào lần thứ hai, tiếp tục nghe báo cáo, tổ chức chất vấn, nghe kỹ các câu trả lời, tìm hiểu thực tế...

Trước khi về Hà Nội, đoàn cho biết lần này đã nhận thấy được các yếu tố tích cực trong cách làm của Long An, sẽ tiếp tục nghiên cứu và sớm có kết luận.

Và lần thứ ba Tổng bí thư Trường Chinh và đoàn lý luận cao cấp trở lại Long An tuyên bố cách làm của Long An là đúng, cần được ủng hộ và nhân rộng.

Như chúng ta đã biết, sau đó Tổng bí thư Trường Chinh đã có bài phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ Hà Nội chuẩn bị cho Đại hội VI với những quan điểm đổi mới lần đầu tiên được chính thức đưa ra, tạo một nguồn động lực to lớn cho cả nước.

3. Thời chú Chín Cần làm bí thư Tỉnh ủy Long An, việc mở mang đường sá hiếm lắm. Chú Chín kể: một lần, nhân dịp xuống Long An, ông Võ Văn Kiệt nói: “Sao mấy ông không đánh thức Đồng Tháp Mười để phát triển kinh tế?”. Đêm về, ông Chín Cần nằm nghĩ: muốn đánh thức Đồng Tháp Mười thì phải mở đường.

Việc mở một con đường từ Tân An vào Mộc Hóa - Đồng Tháp Mười thời đó không đơn giản. Tỉnh ủy Long An đã huy động lực lượng quân sự Quân khu 7 ủng hộ. Đất đá làm nền - chú Chín liên hệ ông Tư Nguyện (tức Đỗ Văn Nguyện), bí thư Sông Bé, giúp. Ngày đêm, hàng đoàn xe quân sự chở đất đỏ từ Sông Bé về Long An...

Con đường như một giấc mơ của nhân dân Đồng Tháp Mười thành hình (nay là quốc lộ 62, từ Tân An đến Mộc Hóa khoảng 70km). Chúng tôi gọi đó là đường “cao tốc” đầu tiên vì nó như chuyện cổ tích của miền đồng bằng quê ta ngày ấy.

4. Bí thư tỉnh ủy là một chức danh cấp ủy Đảng. Nhiều bí thư không chỉ nổi danh trong lịch sử Đảng mà còn in dấu sâu đậm trong lòng nhân dân như Bí thư Vĩnh Phú Kim Ngọc, Bí thư Quảng Nam - Đà Nẵng Hồ Nghinh, Bí thư Hải Phòng Đoàn Duy Thành, Bí thư TP.HCM Võ Văn Kiệt... Chú Chín Cần cũng vậy, đã trở thành bí thư của nhân dân Long An.

 

Dấu ấn giá - lương - tiền

Tạ thế ở tuổi 93, lễ tang phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Văn Chính có thật nhiều những đoàn, những nhóm người già, mái tóc bạc trắng đầu đến viếng. Ai cũng gọi ông bằng cái tên thân thương: ông Chín Cần.

Ông Phạm Tấn Khoa nói với vẻ tự hào: “Tôi được làm lính ông Chín Cần từ năm 20 tuổi. Nhiều giai đoạn sau này cũng được làm việc với ông. Ông hiền, chưa nghe la nạt ai bao giờ, nhưng chúng tôi học được ở ông bao nhiêu điều”. 

Hỏi điều gì quan trọng nhất ông đã học được, ông Khoa nói: “Báo chí, sách vở đã viết rồi đó, là quyết tâm và dũng cảm hành động vì người dân”.

Đi ra đi vào làm nhiệm vụ tiếp khách, ông Nguyễn Văn Hòa ở Hội Nông dân TP.HCM kể đi kể lại: “Hồi về làm chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ông Chín Cần cũng đã lớn tuổi. Không như người ta coi hội là chỗ để nghỉ ngơi nhưng vẫn có chức vụ, ông tâm huyết xuống cơ sở, đi lội ruộng cùng bà con. 

Ông với tôi cùng tới Củ Chi lập bốn mô hình thí điểm hỗ trợ cho nông dân. Khảo sát rồi, thí điểm rồi, ông lập luận: dân đang có đất, có lao động, còn thiếu vốn, thiếu kỹ thuật. Kỹ thuật thì phối hợp với các trường, các viện để hỗ trợ. Vốn thì phải đi xin. Ông về làm đề án, ra trung ương xin được 40 tỉ đồng để lập Quỹ hỗ trợ nông dân. Quỹ ấy đã được phát triển lớn, hoạt động hiệu quả cho đến bây giờ...”.

Từ tỉnh Long An, nơi ông Chín Cần đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong sự nghiệp của mình, tỉnh ủy, ủy ban, hội đồng hương, hội nông dân và những người nông dân thực thụ lần lượt đến viếng. 

Bà Nguyễn Thị Trinh bùi ngùi nhắc: “Nhìn gương mặt có vẻ khó tính, chứ ông Chín dễ thương lắm. Hồi đó đi lại khó khăn, vất vả, vậy mà mỗi lần đi công tác về, chưa kịp nghỉ, ông đều đi quanh một vòng các phòng ban, cơ quan để nhắc nhở, kiểm tra. Đi hết rồi, ông lại xuống huyện, xuống xã, xuống tận nhà dân...”.

Tất nhiên nhắc nhớ nhiều nhất về ông Chín Cần vẫn là những bước đi tiên phong trong đổi mới. 

Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một người con của Long An, viết trong sổ tang: “Mãi mãi nhớ đến Anh với những đóng góp to lớn trong việc tìm tòi lối ra cho đất nước trước khi đi vào công cuộc đổi mới, nổi bật không bao giờ quên về công lao tỉnh Long An trong đổi mới giá - lương - tiền...”. 

Nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng viết: “Giá - lương - tiền --> Một giá. Đó là tác phẩm của Anh vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay”. 

Ông Phạm Văn Rạnh - ủy viên T.Ư Đảng, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Long An - viết: “Đồng chí là người bí thư tỉnh ủy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đưa Long An tiến quân khai thác vùng Đồng Tháp Mười từ hoang hóa trở thành vựa lúa của đồng bằng sông Cửu Long; đưa Long An góp phần vào cơ chế mới giá - lương - tiền, góp phần làm cơ sở cho trung ương bỏ cơ chế bao cấp...”.

Hàng ngàn người, hàng trăm vòng hoa, hàng trăm lời điếu đều nhắc đến ông với những dấu ấn sâu đậm đã góp phần làm thay đổi cuộc đời của bao nhiêu người, thay đổi bộ mặt của xã hội, của tỉnh, của nước... cho đến ngày hôm nay.

P.VŨ

 

KIỀU XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên