Hết cấp 3, tôi rời quê lên Sài Gòn học tiếp. Trong số bạn bè cùng lớp, tôi là đứa ít phải lo lắng chuyện ăn ở, học hành vì có đã có nhà cậu mợ. Ngoài mặt ra vẻ vô lo vậy thôi chớ trong cũng băn khoăn đủ điều.
Bởi lẽ nhà cậu tôi vốn thuộc trại gia binh từ trước giải phóng, nhà có mấy chục mét vuông phải cơi nới thêm cái gác gỗ ọp ẹp mới tạm đủ chỗ chui ra chui vào cho cả gia đình thì lấy đâu ra chỗ cho tôi ăn ở, học hành.
Đó là chưa kể mấy thằng bạn nối khố cũng đu theo xin ở ké vì lạ nước lạ cái trong khoảng thời gian ban đầu.
Tôi vẫn chưa quên, bữa trưa hôm đó, vừa đặt chân tới nơi, khi nghe tôi lí nhí xin cho 2 thằng bạn ở chung, cậu đã khoát tay trấn an: "Chuyện nhỏ, bây cứ ở lại đây cho có anh có em. Ăn cơm xong, tụi con cứ vô trường lo thủ tục, giấy tờ nhập học, chuyện ở nhà để cậu thu xếp!"
Chiều hôm đó, từ trường trở về, chúng tôi đã ngạc nhiên vô cùng khi mọi thứ đã được chuẩn bị hết sức chu đáo cho 3 chàng tân sinh viên vẫn còn chân ướt, chân ráo.
Thì ra hai vợ chồng cậu mợ đã nghỉ bán buổi chiều để ở nhà đụt đẽo rồi lau chùi cái chỗ ngã lưng và học hành cho chúng tôi.
Đó là căn gác nằm sát mái tôn với chiều cao chắc khoảng 8 tấc, vừa bước lên tới phải đặt mông ngồi xuống ngay nếu không muốn đụng đầu. Mỗi lần di chuyển chỉ có cách ngồi lết qua, lết lại. Lên xuống bằng cái thang tre không tay vịn.
Bàn học là cái rương cũ đặt ở sát góc, mỗi lần học thì lôi ra chính giữa mới đủ chỗ cho 3 thằng. Cậu còn trổ ra cho chúng tôi một ô cửa nhỏ để leo ra leo vào mái tôn trước nhà mà ngồi hóng mát.
Chật hẹp vậy nhưng cứ tràn ngập tiếng cười. Cứ vài ba bữa là có đứa u đầu, mẻ tráng vì đang ngồi mà bật đứng thẳng dậy do quên.
Cái thang tre lâu ngày lên nước bóng láng, trơn tuột được chúng tôi gọi là thang máy vì nhiều hôm mới ngủ dậy mắt nhắm mắt mở có đứa chưa kịp bước chân nhưng đã tiếp đất trong tư thế ngồi.
Chúng tôi đã trải qua quãng đời sinh viên tuy nghèo mà vui và tràn ngập những hy vọng trên căn gác ấy.
Là những buổi ban mai được tỉnh giấc bởi những âm thanh rộn ràng bắt đầu một ngày mới của cái xóm lao động nghèo. Là những buổi trưa nóng hầm hập chẳng khác gì lò bánh mì.
Là những buổi tối ngồi trên mái nhà mà ngắm bầu trời đầy sao, rồi đố nhau cái đèn mà đỏ nhấp nháy liên tục trên đỉnh cây ăng ten của Đài truyền hình gần đó cao bao nhiêu mét.
Là những đêm mưa chạnh lòng nhớ về quê nhà qua những tiếng rao đêm.
Là những ước mơ về một tương lai tươi sáng.
Tôi cứ ngỡ thằng bạn thân chỉ tá túc một thời gian ngắn rồi cũng sẽ cao chạy xa bay để đi tìm những chỗ trọ rộng rãi thoáng mát hơn, không ngờ tụi nó ở đó cùng tôi hết 4 năm đại học, cho tới ngày về quê vinh quy bái tổ.
Sau đó một thời gian, theo chủ trương chỉnh trang đô thị, khu nhà cậu tôi ở cùng căn gác ấy được giải tỏa và thay vào đó lô chung cư sạch đẹp, ngăn nắp hơn.
Vậy mà trong tôi vẫn cứ nhớ hoài căn gác gỗ của ngày ấy cùng bao kỷ niệm chính là tấm lòng, tình thương và sự vun đắp của cậu mợ dành cho tôi trong suốt cuộc đời sinh viên của mình.
Mời bạn tham gia viết bài 'Những ký ức đẹp'
Điều gì đã đọng lại trong bạn để trở thành ký ức không thể quên? Gợi nhớ ký ức không phải là khơi lại đống tro tàn. Ký ức đôi khi là hành trang, là chiêm nghiệm... để ta bước tiếp với đôi chân vững chãi. Có những ký ức rất đẹp, cũng có những ký ức khi hồi tưởng lại, ít nhiều trong chúng ta vẫn còn cảm thấy "nợ" người trong cuộc.
Nhằm ghi lại những câu chuyện của chính bạn hoặc của người khác nhưng gây nhiều xúc động trong bạn, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Những ký ức đẹp' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.
Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ, vè... dài tối đa 1.200 từ (có thể kèm clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.
Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gửi về: nhungkyucdep@tuoitre.com.vn hoặc dandt@tuoitre.com.vn. Thông tin bạn đọc, tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!
TUỔI TRẺ ONLINE
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận