Cuộc đấu giữa hai người khổng lồ tạm kết thúc với phần thắng nghiêng về Google - Ảnh minh họa: SiliconValley.com |
Vụ kiện giữa hai người khổng lồ công nghệ bắt đầu từ năm 2011 Oracle tố Google vi phạm bản quyền công nghệ của mình, cụ thể là 11.500 dòng lệnh mã nguồn Java thuộc sở hữu Sun Microsystems dùng xây dựng API trong Android của Google khi hệ điều hành này được phát triển năm 2007.
Năm 2009, Oracle thâu tóm Sun Microsystems, và theo đó, các sản phẩm của Sun như Java cũng thuộc về Oracle. Năm 2010, Oracle yêu cầu Google trả phí bản quyền 37 gói API Java mà Google đã sử dụng trong Android gây tổn hại cho "thị trường tiềm năng của Java", nhưng cả hai không tìm được tiếng nói chung.
Năm 2011, Oracle đưa Google ra tòa, tìm kiếm mức phí "đền bù thiệt hại" vào khoảng 9 tỉ USD. Oracle chỉ ra rằng Google đã thu lợi 31 tỉ USD doanh thu và 22 tỉ USD lợi nhuận từ khi Android được phát hành ra thị trường năm 2008.
Google cho rằng mình triển khai các API Java theo luật bản quyền Hoa Kỳ cho mục đích tốt, cụ thể là "cho phép sử dụng trong giới hạn các tài nguyên có bản quyền mà không cần chủ sở hữu cấp phép bản quyền dùng cho những mục đích sử dụng về sáng tạo, giáo dục và các mục đích khác".
API như cánh cổng giúp các lập trình viên, các nhà phát triển ứng dụng tiếp cận các chức năng của sản phẩm đó. Theo đó, vụ kiện tụng Oracle tố Google vi phạm bản quyền công nghệ cũng cuốn theo các công ty sản xuất thiết bị di động dùng hệ điều hành Android, cũng như các nhà phát triển ứng dụng sử dụng API của Android cho sản phẩm của mình.
Hệ điều hành Android hiện chiếm lĩnh hơn 80% thị trường thiết bị di động là đối tượng Oracle tố Google vi phạm bản quyền công nghệ - Ảnh minh họa: Fortune/Getty Images |
Vụ kiện tiếp tục trải qua các giai đoạn khác nhau, ở các cấp khác nhau trong sáu năm. Và tạm kết thúc ngày 26-5 (giờ Mỹ) trong phiên tòa phúc thẩm Tòa án Quận Hoa Kỳ ở San Francisco dẫn dắt bởi thẩm phán William Alsup cùng góp phần quyết định quan trọng từ bồi thẩm đoàn gồm 10 thành viên đứng về phía Google, cho rằng Google đã tôn trọng quy định pháp luật.
Theo BBC, Oracle tuyên bố sẽ tiếp tục đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.
"Chúng tôi tin chắc rằng Google đã phát triển Android bằng cách sao chép trái phép công nghệ cốt lõi Java để nhanh chóng tiến vào thị trường thiết bị di động", Cố vấn trưởng Oracle Dorian Daley đưa ra tuyên bố sau phán quyết của tòa.
Ủng hộ từ giới công nghệ
Bà Pamela Samuelson, Giáo sư luật sở hữu trí tuệ tại Đại học California ở Berkeley (Mỹ) cho rằng nếu Oracle giành chiến thắng trong vụ kiện sẽ là tiền đề tạo ra rất nhiều quyền lực cho các công ty công nghệ lớn, cho phép những gã khổng lồ này yêu cầu những công ty khác cần giành được bản quyền để làm việc với phần mềm của họ, theo Wall Street Journal.
"Sự đổi mới của phần mềm được dựa trên việc có thể tự do sáng tạo và đổi mới hoạt động với các chương trình khác. Đó đã là một giá trị cốt lõi từ ban đầu", bà Pamela Samuelson nhận định.
Nhiều công ty công nghệ không chỉ là các nhà sản xuất thiết bị mà còn các công ty phần mềm, các nhà phát triển ứng dụng cũng thở phào nhẹ nhõm.
Không ai mong muốn bị cản trở sáng tạo bởi một rào cản mới tạo ra những e ngại về bản quyền liên quan đến API, và con số hơn 26 ngàn tin nhắn Twitter ủng hộ phán quyết từ các nhân vật có tiếng nói trong giới công nghệ, và cộng đồng lập trình viên đã nói lên điều đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận