12/11/2014 17:01 GMT+7

Một ngày công nghệ: Nhà sư cũng sợ tin tặc

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Hãng tin Mỹ AP ngày 11-11 đưa tin các nhà sư Phật giáo ở Tây Tạng đang phải học cách để cảnh giác với các file gửi kèm theo email để tránh trở thành nạn nhân của tin tặc.

Dán webcam và gỡ pin điện thoại

Điều thú vị là giới Phật giáo có một cách hiểu mới đối với giáo lý cổ xưa của mình là "buông bỏ các vướng bận" mà dịch ra tiếng Anh lại rất là công nghệ (detach from attachments). Thuật ngữ Phật giáo "ly dục ly ác pháp" trong tiếng Anh chính là "no attachment".

Ngồi check email trên chiếc laptop của mình trong một quán cà phê tại thị trấn Dharamsala (Ấn Độ), nhà sư Tây Tạng 30 tuổi Jamyang Palden nói với phóng viên hãng AP:

"Attachment có thể dẫn bạn tới tất cả mọi sự phiền phức, và những người Phật giáo chúng tôi tin rằng chỉ một mình cái hành pháp non-attachment thôi cũng đủ dẫn bạn tới hạnh phúc".

Nhà sư Palden chia sẻ trải nghiệm của mình như một thông điệp gửi mọi người: "Tôi không mở các file đính kèm từ những nguồn mà mình không tin tưởng". 

Khi nào không muốn bị tin tặc theo dõi, sư Palden thi triển những chiêu thức "cổ truyền" là dùng băng keo dán cái webcam trên chiếc laptop MacBook và gỡ pin ra khỏi chiếc smartphone Nokia của mình.

Nguồn: Youtube.com

Phụ kiện Pico cho kỹ thuật chụp ảnh Time-lapse

Kỹ thuật chụp ảnh Time-lapse (có người dịch là "tua nhanh thời gian") đang được giới trẻ yêu thích. Bằng cách xâu chuỗi một loạt ảnh chụp một đối tượng trong những khoảnh khắc thời gian nối tiếp nhau, người ta tạo ra một video clip độc đáo.

Chẳng hạn, bạn có thể đặt máy ảnh để chụp cảnh chợ Bến Thành trong vòng 6 giờ với tốc độ 1 tấm ảnh/phút và sẽ có 360 tấm ảnh ngôi chợ này trong 360 thời khắc khác nhau để kết nối chúng lại thành một clip.

Để giúp mọi người có thể dễ dàng thực hiện kỹ thuật nhiếp ảnh này, một nhóm 6 bạn trẻ tên là Mindarin đã phát triển một phụ kiện nhỏ xíu Pico gắn vào một chiếc máy ảnh là có thể tự động điều khiển máy ảnh chụp theo ý mình.

Pico sẽ trang bị cho chiếc máy ảnh truyền thống tính năng điều khiển giống như trên smartphone. Bạn sẽ khai thác được thế mạnh về chất lượng hình ảnh của các máy ảnh DSLR hay máy ảnh không gương lật (mirrorless camera) để có được những tấm ảnh chất lượng cao hơn hẳn khi chụp bằng ứng dụng Time-lapse trên smartphone.

Đầu tiên bạn gắn phụ kiện Pico vào jack headphone trên smartphone (iOS hay Android) rồi cấu hình một phiên chụp Time-lapse bằng ứng dụng như khi chụp với camera của smartphone và lưu vào Pico.

Sau đó, bạn gắn Pico vào máy ảnh bằng một sợi cáp chuyên dụng và thiết bị này sẽ điều khiển máy ảnh như với smartphone. Nó hỗ trợ các công nghệ HDR, Bulb Ramping,Time Warp.

Với 9 loại cáp chuyên dụng, Pico hiện hỗ trợ hơn 300 mẫu máy ảnh khác nhau. Nhỏ xíu, trọng lượng 11g. Pin chạy được 8 năm.

Phụ kiện Pico được bán vào tháng 7-2015 với giá đặt trước trên trang Web khởi nghiệp Kickstarter là 50 USD kèm một sợi cáp.

Nguồn: Youtube.com

Mạng xã hội chia sẻ video tí hon Ocho

Mỗi clip video dài 8 giây mà ứng dụng mạng xã hội chia sẻ video tí hon Ocho cung cấp miễn phí cho người dùng có giá trị chẳng nhỏ. Nhưng cái đáng giá nhất, thậm chí trở thành vô giá, là việc bạn có thể chia sẻ với bạn bè những video ghi những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của mình. Thực tế là có những thứ chia sẻ chỉ cần 8 giây là quá đủ rồi.

Ứng dụng miễn phí Ocho vừa phát hành ngày 11-11 cho thiết bị iOS sẽ cạnh tranh với các dịch vụ "lão làng" Vine, Instagram, hay thậm chí cả Twitter.

Nó hỗ trợ video fullscreen với tỷ lệ 16:9, tính năng voice-over cho người khiếm thị, chế độ ghi hình time-lapse, các bộ lọc,… Bạn có thể chia sẻ video này qua email và các mạng xã hội.

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên