19/06/2016 07:03 GMT+7

Độc đáo phần mềm 
biến đổi khí hậu

MINH TÂM
MINH TÂM

TTO - Có một thầy giáo ở xã nghèo Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang miệt mài gần 2 năm trời thiết kế nên phần mềm “Chương trình giáo dục cộng đồng về biến đổi khí hậu” rất hữu dụng cho học sinh và cộng đồng...

Thầy Lê Hoàng Tuấn hướng dẫn cách sử dụng phần mềm về biến đổi khí hậu cho học sinh Trường THCS Bình Đông (Gò Công, Tiền Giang) - Ảnh: Minh Tâm
Thầy Lê Hoàng Tuấn hướng dẫn cách sử dụng phần mềm về biến đổi khí hậu cho học sinh Trường THCS Bình Đông (Gò Công, Tiền Giang) - Ảnh: Minh Tâm

Ý tưởng sáng tạo phần mềm này của thầy Lê Hoàng Tuấn, giáo viên môn vật lý Trường THCS Bình Đông, xuất phát từ thực tế biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng xấu, sông ngòi, đất đai bị ô nhiễm, hạn hán, ngập lụt, nước mặn vào sâu trong đất liền...

Thầy Tuấn tâm sự: “Ý nghĩ làm thế nào để có được một phần mềm đầy đủ thông tin về biến đổi khí hậu giúp cho mọi người, nhất là học sinh, hiểu biết bản chất của vấn đề trên cứ thôi thúc tôi”.

“Bách khoa thư” thu nhỏ

Để thiết kế nên phần mềm sống động, độc đáo, thầy Tuấn tìm tài liệu từ sách, mạng... rồi so sánh, đối chiếu, chọn ra thông tin chuẩn và phù hợp nhất viết thành dữ liệu hoàn chỉnh, đưa vào chương trình phần mềm. Thầy còn khảo sát, lấy ý kiến của nhiều thầy cô khác về những ưu, khuyết của phần mền này để tiếp tục nâng cấp hoàn thiện sản phẩm.

Phần mềm gồm hai phần chính: biến đổi khí hậu ở VN và thế giới. Phần VN gồm 24 chuyên mục: hiểu về biến đổi khí hậu, rừng ở VN, môi trường đất, sa mạc hóa, môi trường nước, môi trường biển, môi trường không khí, hạn hán, lụt bão, rác thải, động thực vật, giải pháp tiết kiệm, giải pháp môi trường... Ở phần thế giới, thầy Tuấn thiết kế gồm ba chuyên mục như hậu quả biến đổi khí hậu, ứng phó với biến đổi khí hậu, liên kết với thế giới về biến đổi khí hậu.

Mỗi một chuyên mục là một chủ đề với trên 30 thư mục như một “bách khoa thư” thu nhỏ, cung cấp đầy đủ cho người đọc về thực trạng, nguyên nhân và đưa ra giải pháp về biến đổi khí hậu. Thông qua đó, chương trình đưa ra các giải pháp để người đọc có thái độ ứng xử đúng đắn trước vấn đề môi trường, cùng hành động cụ thể để từ đó góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường nơi mình đang sinh sống và làm việc.

Theo thầy Tuấn, thói quen, hành vi ứng xử với môi trường được hình thành suốt cả một quá trình dài. Vì vậy, ngoài các chuyên mục chung, thầy còn dành hẳn một chuyên mục “Giáo dục cộng đồng về biến đổi khí hậu”, gồm khoảng 20 thư mục dành cho học sinh phổ thông. Trong chuyên mục này thầy thiết kế thêm những thư mục hoạt hình, video để tạo sự sinh động, nhằm bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên và hình thành thói quen, ý thức bảo vệ môi trường nơi các em.

Ứng dụng

Thầy Nguyễn Hoàng Minh, hiệu trưởng Trường THCS Bình Đông, chia sẻ: “Hơn nửa năm nay, phần mềm về biến đổi khí hậu của thầy Tuấn được trường đưa vào sử dụng, lồng ghép ở những tiết sinh hoạt dưới cờ, chủ nhiệm và ngoại khóa. Phần mềm là một bộ tư liệu quý giá cho thầy cô trong việc giảng dạy, giúp cho học sinh hiểu về biến đổi khí hậu toàn cầu và ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường...”.

Nhờ những thông điệp về biến đổi khí hậu từ phần mềm của thầy Tuấn, nhiều học sinh trong trường nắm vững kiến thức và về phổ biến, tuyên truyền cho người thân, xóm giềng... trong việc bảo vệ môi trường.

Như em Nguyễn Thị Huyền Trân, lớp 9, thổ lộ nhà em vốn trồng thanh long. Sau khi xem video về phân vi sinh từ phần mềm của thầy Tuấn, Trân đã tư vấn cho cha mẹ vớt lục bình lên làm phân bón cho cây thanh long.

Ông nội Trân vốn trồng lúa, trước đây sau khi thu hoạch lúa thường đốt rơm bỏ. Trân đã nói cho ông nội biết để đem rơm cho bò ăn và ủ cho cây nấm, vừa tận dụng được phế phẩm nông nghiệp vừa tránh ô nhiễm môi trường…

Ông Phạm Việt Hồng - tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Tiền Giang - nhận xét: “Tháng 11-2015, phần mềm “Chương trình giáo dục cộng đồng về biến đổi khí hậu” của thầy Tuấn đã đoạt giải nhì trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang. Thầy Tuấn đã nghiên cứu thực địa để thiết kế nên phần mềm hữu dụng trên, để từ đó học sinh, cộng đồng có ý thức chủ động phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…”.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên