Ảnh: QZ |
“Bẻ khóa” hay không, đó là vấn đề!
Ngày 2-12-2015, 14 người Mỹ bị giết hại và 22 người khác bị thương trong một cuộc tấn công khủng bố tại San Bernardino, California. Dù sau đó, hai kẻ tấn công khủng bố đã bị cảnh sát tiêu diệt, có lẽ không ai tưởng tượng được rằng cuộc điều tra mở rộng của FBI lại châm ngòi cho một căng thẳng “chưa từng có tiền lệ”: Yêu cầu được trợ giúp mở khoá chiếc điện thoại của một trong những tên khủng bố đã bị Apple bác bỏ.
Về phía mình, giám đốc điều hành Apple ông Tim Cook cho rằng họ không thể vi phạm những nguyên tắc và quyền lợi bảo mật của người tiêu dùng trong việc phục tùng yêu cầu từ phía nhà chức trách.
Đây được xem là động thái cứng rắn của Apple, khi trước đó, chính thẩm phán Sheri Pym thuộc Toà án phúc thẩm tại California (thuộc Toà án địa phương liên bang Mỹ) đã ra lệnh Apple phải “giúp đỡ” FBI mở khoá chiếc iPhone 5c từng thuộc về Syed Rizwan Farook, một trong hai sát thủ trong vụ khủng bố ở San Bernardino.
Theo lời tường trình của giám đốc FBI James Comey trước Uỷ ban tình báo thượng viện, FBI đã sở hữu thiết bị trong suốt một thời gian nhưng không thể vượt qua lớp chứng thực bảo mật cài đặt sẵn trong iPhone.
Đáp trả trực tiếp của CEO Apple
Trong lá thư mang tựa đề “Thông điệp gửi đến khách hàng của chúng tôi” Tim Cook viết rằng FBI đã yêu cầu công ty của ông “xây một cửa sau vào iPhone” (backdoor).
Tim Cook rất cứng rắn trước đề nghị của FBI – Ảnh: The Guardian |
Cách dùng từ này của vị CEO, theo trang công nghệ Venturebeat, khiến người ta không thể không nghĩ đến vụ bê bối nghe lén (“cài đặt cửa sau”) của NSA đối với một số dịch vụ của Apple, Facebook, Google hay Microsoft trước đó.
Chúng tôi không cung cấp cho bất cứ cơ quan nhà nước nào quyền tiếp cận trực tiếp đến máy chủ của chúng tôi, và bất cứ yêu cầu từ phía cơ quan chính phủ nào để yêu cầu dữ liệu khách hàng đều phải có trát toà |
Giám đốc Apple Tim Cook |
Tim Cook kết thúc thư với tuyên bố Apple sẽ không tuân theo lệnh của toà án.
“Cuối cùng, chúng tôi lo sợ rằng yêu cầu này sẽ làm hao mòn sự tự do và quyền tự do mà chính quyền của chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ.”
Phản ứng của các bên
Tuy Tổng thống Obama không trực tiếp lên tiếng về vụ việc song Bộ tư pháp Mỹ cho biết họ “không yêu cầu Apple thiết kế lại sản phẩm của họ, hoặc tạo ra một cửa sau mới”, theo hãng tin Reuters.
Ngày 17-2, trong một diễn biến liên quan, đích thân ông Obama chỉ định cựu cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon và cựu gáim đốc điều hành (CEO) IBM Sam Palmisano lần lượt làm chủ tịch và phó chủ tịch của Hội đồng tăng cường an ninh mạng, một tổ chức mới thành lập.
Trong giới công nghệ, CEO Jan Koum của WhatsApp (thuộc sở hữu Facebook), bày tỏ sự ủng hộ công khai với Apple và Tim Cook.
Liền sau đó, CEO Sundar Pichai của Google cũng đứng về phía Apple bằng dòng bình luận trên Twitter: “Chúng tôi tạo ra những sản phẩm an ninh để giữ cho thông tin của bạn được an toàn và chúng tôi cho giới hành pháp được tiếp cận với dữ liệu dựa trên những yêu cầu pháp lý xác đáng… Nhưng điều này hoàn toàn khác với việc yêu cầu các công ty cho phép hack dữ liệu và thiết bị của khách hàng. Việc này có thể là một tiền lệ không tốt.”
Song không phải ai cũng ủng hộ Apple. Trong một tuyên bố gây tranh cãi không kém, Bill Gates – nhà sáng lập huyền thoại của Microsoft – đã nói với tờ Financial Times rằng “đây là một trường hợp cụ thể của việc chính quyền muốn tiếp cận một thông tin nào đó. Họ (chính quyền) không yêu cầu điều gì chung chung, mà họ đang yêu cầu một điều cụ thể,” Gates nói.
Bill Gates lên tiếng ủng hộ FBI với trường hợp cụ thể này - Ảnh: LA Times |
Trong một diễn biến khác, John McAfee, cựu sáng lập hãng phần mềm diệt virus McAfee đã viết thư lên FBI để “tình nguyện giúp cơ quan này hack chiếc iPhone đó hoặc sẽ ăn giày trên tivi nếu không làm được".
John McAfee cũng tham gia vào sự kiện với tuyên bố gây sốc – Ảnh: Internet |
Lý do thật sự khiến FBI “bó tay” trước thiết bị Apple
Tại sao, với ngần ấy nhân lực trong mảng chiến đấu chống tội phạm tin học mà FBI phải “bó tay” trước một chiếc iPhone 5c? Ai cũng biết một trong nhiều biện pháp “đoán” mật khẩu mà giới hacker ưa dùng chính là “brute-force,” một hệ thống thuật toán đưa ra hàng loạt dãy số và ký tự cho đến khi trùng khớp mật khẩu thật.
Tuy vậy, trong trường hợp của iPhone và hệ điều hành iOS, mọi việc không đơn giản đến thế. Trong iOS có một chức năng tự động xoá sạch mọi dữ liệu bên trong nếu người dùng nhập sai mật khẩu quá 10 lần.
Ảnh: QZ |
Và oái ăm thay, đây là tính năng có thể “tắt” và “mở” dễ dàng, ngay bên trong mục Tuỳ chỉnh (Settings) của thiết bị. Về cơ bản, FBI yêu cầu Apple “độ” lại một phiên bản khác của iOS sao cho nó cho phép người dùng có thể nhập mật khẩu sai nhiều lần tuỳ ý.
Ảnh: QZ |
Và đây cũng chính là điểm mấu chốt dẫn đến thế bế tắc giữa Apple và FBI trong những ngày qua: CEO Tim Cook không đồng ý việc tạo ra “một tiền lệ nguy hiểm” của việc tạo ra những giải pháp vượt qua quyền lợi bảo mật trong chính những sản phẩm họ bán ra.
Hơn một nửa người dân Mỹ đồng tình hack iPhone của sát thủ San Bernardino Bỏ qua những lập luận mang tính chuyên môn và pháp lý, theo Business Insider, Apple dường như đang không được lòng công luận trước sự “ương bướng” của họ với yêu cầu của FBI, khi theo thăm dò của tổ chức Pew Research này, có hơn 1 phần 5 người dân Mỹ nghĩ rằng Apple nên làm thế. Ngược lại, chỉ 38% người dân Mỹ cho biết Apple không nên làm theo yêu cầu cua FBI. Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tư pháp Mỹ thậm chí đã gọi quan điểm cứng rắn của Apple là “một chiêu trò tiếp thị.” |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận