Sơn Tùng khi còn học ở Nhạc viện TP.HCM - Ảnh: CTV |
Có thể nói hiếm khi có hiện tượng nào gây xôn xao một cách dai dẳng, tốn nhiều giấy mực và tạo nhiều luồng ý kiến trái chiều như trường hợp này. Theo dõi dư luận thời gian qua, nếu bình tĩnh nhìn nhận thật khách quan, chúng ta sẽ thấy có bốn luồng ý kiến.
Thứ nhất: Nhiều nhạc sĩ tên tuổi phản đối gay gắt việc ca sĩ Sơn Tùng sử dụng nhạc beat của nước ngoài cho các ca khúc của mình bằng những từ rất nặng như “đạo nhạc”, “ăn cắp tinh vi”, “ăn cắp nghiệp dư”...
Thứ hai: Những nhạc sĩ cũng nổi tiếng khác lại khẳng định ca sĩ Sơn Tùng không “đạo nhạc” với những dẫn chứng so sánh cụ thể từ các tác phẩm cổ điển như Ave Maria của Bach - Gounod đến những vòng hòa âm của các tác giả nổi tiếng khác trên thế giới xưa và nay.
Nhiều nhạc sĩ tiền bối và đàn anh đã có những lời khuyên chân tình dành cho Sơn Tùng như: “Hãy từ bỏ thói quen viết nhạc dựa trên phần hòa âm phối khí của bài hát nước ngoài...”. “Đừng vội vã viết để cho có, để bằng người này người khác. Người sáng tác nhạc phải tận dụng cảm hứng của mình đang đi tới, từ đó viết ra những nốt nhạc, viết từ cái đầu, viết từ trái tim mình”...
Thứ ba: Sự a dua - theo hùa của một số trang báo mạng nhằm “ném đá câu like” đối với ca sĩ Sơn Tùng.
Thứ tư: Những người “chờ thời” nghe ngóng dư luận xem vụ việc sẽ được giải quyết theo hướng nào rồi phán theo cách của mình...
Với tôi, hiện tượng nào gây tranh cãi cũng có những nguyên nhân của nó, xin trao đổi thẳng thắn như thế này: đối với các ca sĩ - nhạc sĩ trẻ thế hệ của Sơn Tùng có giọng hát thôi chưa đủ, cần hiểu đúng nghĩa khác nhau của những từ trong tiếng Anh để tránh sự ngộ nhận về danh xưng như “songwriter - người viết ca khúc”, “composer - nhà soạn nhạc” và “musician - người làm nghề âm nhạc”.
Đối với các “songwriter” thế hệ Sơn Tùng cần phải học hỏi nhiều lắm nếu muốn trụ được trong giới làm nghề chuyên nghiệp. Đâu phải cứ biết đọc nốt nhạc (như đọc chữ vì rất nhiều người dù đã học qua trường lớp mà vẫn không thể tự xướng âm hay ghi chép lại bản nhạc của ca khúc do mình sáng tác), hay cứ chép được nhạc vi tính hoặc sử dụng được một vài phần mềm liên quan đến “công nghệ âm nhạc” là có thể trở thành ca sĩ - nhạc sĩ được (?!).
Rất nhiều ca sĩ mới nổi lên không hiểu được hết sự lợi hại của truyền thông nên dễ ngộ nhận về sự nổi tiếng của mình qua con đường này. Chưa kể với công nghệ thông tin ngày nay, mọi hiện tượng sao chép hoặc bắt chước trong âm nhạc đều rất dễ bị cộng đồng mạng phát hiện và chỉ trích.
Thật ra, chúng ta không lạ gì tên tuổi những ca sĩ tuổi teen như Justin Drew Bieber, Miley Cyrus, Ariana Grande, Austin Mahone, Lorde và Greyson Chance đều là những nghệ sĩ trẻ trong làng nhạc thế giới, mỗi người mỗi vẻ tạo nên phong cách riêng của mình và với công chúng, khen chê cũng là lẽ thường tình.
Ca sĩ Sơn Tùng của Việt Nam cũng là một hiện tượng được chú ý của giới trẻ châu Á ngày nay, nhưng do công nghệ lăngxê quá đà, sự non nớt về nghề, tính hiếu thắng của tuổi trẻ và nhận thức không đầy đủ về đạo đức làm nghề nên mới có một “Sơn Tùng của ngày hôm nay”(?!).
Xin gửi tới ca sĩ Sơn Tùng - một đồng nghiệp trẻ - vài lời chân tình nhé:
“Hãy sống và làm nghề bằng cái tâm thiện và cái đầu có tri thức của mình. Nếu muốn thật sự tỏa sáng bằng tài năng của chính mình, hãy tập khổ luyện bằng cách đi học phối nhạc trên vi tính với những giáo viên là nhạc sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, để có thể tự làm được phần nhạc beat cho chính ca khúc của mình mà không phải vay mượn hay bắt chước nhạc beat của người khác”.
Hi vọng những “sóng gió trên công luận” vừa qua sẽ là những bài học hữu ích cho Sơn Tùng, giúp bạn có cơ hội nhìn nhận lại mình để có thể trở thành “Sơn Tùng của ngày mai” và của tương lai...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận