14/10/2014 11:56 GMT+7

Dùng môn văn xét tuyển ngành y: Nhiều ý kiến trái chiều

TT -Nhiều độc giả đặt vấn đề trước bức xúc của xã hội đối với một bộ phận bác sĩ, cần thiết có thay đổi căn cơ trong đào tạo nhân lực ngành y tế.

Bộ trưởng Bộ y tế tâm đắc với đề xuất dùng môn văn xét tuyển ngành y - Ảnh: T.T

* BS ĐINH QUANG THANH (phó giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng - phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM):

Môn văn giúp bác sĩ bớt máy móc, khô cứng, vô cảm

Theo tôi, trong tuyển sinh ngành y nếu có thêm môn văn cũng tốt. Không phải ai giỏi văn là có nhân cách tốt, thương người... vì thực tế cũng có những người không giỏi văn vẫn rất đạo đức và ngược lại. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay trong ngành y, quan điểm của tôi là ủng hộ việc sử dụng môn văn trong tuyển sinh ngành y.

Nhìn chung môn văn góp phần giáo dục con người sống có tình cảm và nhân văn hơn. Từ đó giúp bác sĩ bớt máy móc, khô cứng, vô cảm trong đối xử với bệnh nhân. Việc đưa môn văn vào xét tuyển ngành y không thể làm thay đổi nhân cách con người ngay nhưng giúp định hướng người học coi trọng môn học này ngay từ nhỏ.

Nếu môn văn được coi trọng qua nhiều năm, tôi tin sẽ góp phần giáo dục đạo đức, giúp hình thành nhân cách tốt hơn cho học sinh.

Hiện nay những học sinh có ý định hoặc được định hướng theo ngành y cứ lao vô học ba môn khối B. Trong khi nhiều nước trên thế giới tuyển sinh ngành y không làm như kiểu chúng ta.

Ở các nước khi tuyển sinh ngành y, họ thường phỏng vấn thí sinh để biết được động cơ theo nghề y, qua đó cũng biết được thêm tính cách có phù hợp với nghề hay không. Những yếu tố này rất quan trọng đối với người chọn học ngành y và làm nghề y.

Nhiều giảng viên đánh giá sinh viên y khoa hiện nay khả năng hệ thống vấn đề, khả năng tự học kém... dù trúng tuyển ĐH với số điểm rất cao.

Việc này theo tôi là do cách tuyển sinh hiện nay theo kiểu luyện “gà chọi”. Muốn khắc phục việc này, khi tuyển sinh ngành y nhà trường phải tiếp xúc trực tiếp thí sinh bằng cách phỏng vấn để đánh giá năng lực, tìm hiểu động cơ theo nghề...

Như vậy trong tuyển sinh ngành y, bên cạnh ba môn thi truyền thống là toán - hóa - sinh vẫn phải giữ vì đây là nền kiến thức để học tốt chuyên môn, việc bổ sung môn văn là cần thiết nhưng đồng thời phải tính đến chuyện phỏng vấn để lựa chọn được những thí sinh tốt và phù hợp nhất.

* PGS.TS VÕ TAM (phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Huế):

Chưa cần thiết

Theo tôi, năm 2015 trong tuyển sinh cần xét tuyển dựa trên các môn thi như những năm trước vì học sinh đã chuẩn bị để thi ĐH mấy năm nay rồi, nếu thay đổi đột ngột sẽ gây xáo trộn cho thí sinh.

Khi tuyển sinh cần thêm môn gì cho ngành y tốt hơn cần phải tính toán, cân nhắc rất kỹ và hết sức thận trọng. Cần có những cuộc hội thảo của các trường y dược cùng bàn thảo về vấn đề này để đưa ra quyết định.

Nghề y gắn liền với sinh mạng con người nên đòi hỏi người làm nghề phải có y đức. Môn văn góp phần giáo dục hoàn thiện con người, nhưng với ngành y không đòi hỏi người chuyên văn. Lâu nay tuyển sinh ngành y qua thi tuyển các môn toán - hóa - sinh, qua quá trình đào tạo vẫn cung cấp cho xã hội những bác sĩ tốt về chuyên môn và đạo đức.

Những vụ tiêu cực trong ngành y, y đức xuống cấp đâu đó trong xã hội không phải đại diện cho tất cả người làm nghề y. Cho nên việc đề xuất đưa môn văn vào xét tuyển ngành y trong thời điểm này tôi nghĩ chưa cần thiết.

Việc giáo dục y đức, hình thành nhân cách tốt cho người học tùy từng trường trong quá trình đào tạo có những cách khác nhau. Thực tế tuyển sinh ngành y nhiều năm qua cho thấy chất lượng thí sinh đầu vào rất tốt, thể hiện qua điểm chuẩn rất cao.

Theo tôi, những thí sinh này đủ khả năng để học tốt ngành y rồi, không cần phải xét thêm môn nào nữa.

* N.T.M.N. (sinh viên năm cuối khoa y Trường ĐH Y dược TP.HCM):

Sinh viên y phải giỏi khối B

Nhiều năm nay thí sinh muốn vào ngành y đều phải thi khối B. Từ những thí sinh này, các trường vẫn đào tạo được không ít bác sĩ giỏi chuyên môn, y đức tốt. Thực tế phần lớn sinh viên y khoa dù không thi môn văn nhưng không phải họ dở môn học này.

Người có tâm hồn đẹp, đạo đức tốt không đồng nghĩa với việc điểm văn của họ phải đạt 9, 10, nhưng để trở thành sinh viên y khoa đòi hỏi thí sinh phải rất giỏi ba môn khối B.

Trong quá trình học, sinh viên y khoa cũng được học môn y đức, nhưng vấn đề đạo đức hay nhân cách của một người được hình thành từ cả một quá trình chứ không phải việc tuyển sinh đầu vào môn văn sẽ quyết định được nhân cách, đạo đức của họ.

Hồi học THPT chúng tôi chưa biết mình yêu thích ngành học nào, chưa hình dung được nghề y ra sao, phải chịu áp lực nào và đòi hỏi tố chất gì mà chỉ thấy mình học tốt các môn khối B thì đăng ký thi. Thực tế không ít bạn trẻ chọn thi ngành y vì vẻ hào nhoáng của một bác sĩ, nhưng khi vào học lại không chịu nổi áp lực học tập. Theo tôi, ngành giáo dục cần làm tốt công tác hướng nghiệp, trang bị cho học sinh sâu hơn về những nghề nghiệp để giúp họ định hướng được ngành nghề.

Nếu nói phải đổi mới tuyển sinh, góp phần nâng chất đầu vào ngành y vẫn cần phải xét ba môn toán - hóa - sinh tính hệ số 2, vì sinh viên y khoa phải giỏi những môn học này mới có thể học tốt chuyên môn, đồng thời xét thêm môn văn và ngoại ngữ hệ số 1. Ngoài ra, nên chăng cần có thêm phỏng vấn để đánh giá được thí sinh có yêu thích và đủ năng lực theo học ngành y hay không.

TRẦN HUỲNH ghi

Môn văn - sự đồng cảm và ngành y

Phát biểu trên Tuổi Trẻ ngày 11-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Tôi phải nói thật là môn văn rất cần. Trong quá trình làm việc, nhiều người viết báo cáo mà ngữ pháp sai rất nhiều, chưa nói đến lỗi chính tả. Viết sai thì tư duy cũng sai, nói cũng không tốt được... Không nói đâu xa, nhiều đồng chí chuyên viên ở bộ làm công văn vẫn sai ngữ pháp. Có lúc tôi nói vui: rất dễ đứt mạch máu não khi đọc nguyên bản những văn bản này”.

Xem ra việc dùng môn văn để xét tuyển ngành y có gì đó chưa ổn bởi vì ngành nào cũng cần các chuyên viên giúp việc lãnh đạo giỏi diễn đạt bằng ngôn ngữ viết và nói cả chứ đâu chỉ riêng ngành y!

Trong một lần giảng bài, tôi đặt câu hỏi: “Theo bạn, tố chất nào làm nên một bác sĩ được đông đảo bệnh nhân tin tưởng và yêu mến?”. Câu trả lời của học viên rất tập trung: đó là sự đồng cảm với bệnh nhân.

Một bác sĩ đồng cảm với bệnh nhân khi người đó biết thấu cảm và chia sẻ cảm xúc của bệnh nhân, luôn đặt mình vào vị trí bệnh nhân để cảm thông, từ đó tạo được cảm giác tin cậy ở bệnh nhân, làm cho bệnh nhân không cảm thấy cô đơn, sẵn sàng thổ lộ lòng mình vì được lắng nghe.

Thầy thuốc có sự đồng cảm còn là người biết lo cùng nỗi lo của gia đình bệnh nhân. Trái tim họ mở rộng để lắng nghe được xúc cảm của người bệnh và gia đình để có ứng xử phù hợp. Khi bệnh nhân và gia đình tìm được ở bác sĩ sự đồng cảm, họ hoàn toàn yên tâm phó thác sinh mệnh.

Do tầm quan trọng của sự đồng cảm đối với thầy thuốc nên nếu ngành y có cách phát hiện, chọn người có tố chất đồng cảm để tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng thì xã hội sẽ sớm có đội ngũ thầy thuốc được tin yêu. Việc nhìn ra, phát hiện các tố chất đồng cảm đó để đào tạo, phát huy, khai thác sử dụng chính là việc tìm ngọc trong đá.

Có thể môn văn với những kiệt tác mang đậm chủ nghĩa nhân đạo cao cả, những bài thơ, áng văn thấm đượm tính nhân văn sâu sắc sẽ góp phần hình thành tính đồng cảm của học sinh nên môn văn cần làm căn cứ xét tuyển ngành y.

Đó mới là lý do thật sự và là yêu cầu xã hội chứ không phải vì môn văn cho ra lò những bác sĩ viết báo cáo giỏi, đúng văn phạm!

NGUYỄN THIỆN

 

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên