29/09/2020 15:41 GMT+7

Nhiều tổ chức quốc tế nhận định triển vọng tích cực về Việt Nam

N.AN
N.AN

TTO - Mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 khiến kinh tế tăng trưởng chỉ đạt mức thấp song nhiều tổ chức quốc tế vẫn nhận định tích cực về triển vọng của Việt Nam trong tương lai.

Nhiều tổ chức quốc tế nhận định triển vọng tích cực về Việt Nam - Ảnh 1.

Mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực - Ảnh: N.KH.

Theo Báo cáo Cập nhật triển vọng và phát triển châu Á 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 1,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 và dự kiến sẽ tăng 6,3% trong năm 2021.

Đây là nhận định mang tính lạc quan trong bối cảnh đại dịch tác động tới hầu hết các nền kinh tế lớn. Trong đó, ADB dự báo tổng sản phẩm (GDP) các nước khu vực châu Á đang phát triển sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020, với khoảng 3/4 các nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020 đến khi bật tăng trở lại vào năm 2021 với 6,8%.

Đáng chú ý, báo cáo đánh giá Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác; triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực. Các nền tảng kinh tế vẫn chưa bị suy giảm và Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay.

Nhận định này đưa ra cũng phù hợp với các nghiên cứu được WB công bố trước đó. Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức 2,8% vào năm 2020 và phục hồi lại mức 6,7% vào năm 2021, Việt Nam sẽ là quốc gia có mức tăng trưởng đứng thứ 5 thế giới mặc dù trạng thái phục hồi vẫn còn rất mong manh.

Trong báo cáo "Chỉ số vốn nhân lực 2020" - HCI cũng được WB vừa công bố, đã đánh giá tình hình sức khỏe và giáo dục trẻ em trước đại dịch COVID-19 của 174 quốc gia chiếm 98% tổng dân số thế giới. Theo đó, chỉ số HCI của Việt Nam tăng từ 0,66 vào năm 2010 lên đến 0,69 điểm trong năm 2020.

Báo cáo nhận định con số này có nghĩa là một đứa trẻ sinh tại Việt Nam trong năm nay có thể phát triển được tới 69% tiềm năng của mình trong điều kiện đứa trẻ đó được tiếp cận đầy đủ về giáo dục và y tế. Chỉ số này cao hơn 56% mức trung bình của các quốc gia có cùng mức thu nhập.

Cũng theo công bố mới đây của tạp chí The Economist, Việt Nam đứng trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, nhiều triển vọng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Một số định chế tài chính lớn nhận định nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3%.

Tạp chí The Diplomat (trụ sở tại Mỹ) ngày 18-9 có bài nhận định, đánh giá cao vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh kinh tế. Song, nhấn mạnh Việt Nam cần phải tìm được sự cân bằng giữa sức khỏe cộng đồng và tăng trưởng kinh tế, cần tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng và cải cách các quy tắc và tiêu chuẩn kinh tế của mình.

Hàng ngàn doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ rời thị trường Hàng ngàn doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ rời thị trường

TTO - Trong quý 2-2020, lệnh giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19 khiến hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trong ngành bán lẻ đã tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên