05/07/2024 11:10 GMT+7

Nhiều tỉnh lo bị ngắt dữ liệu đất đai: Vì sao chậm đàm phán thuê dịch vụ?

Nhiều tỉnh đã có các tính toán về thuê sử dụng dịch vụ dữ liệu đất đai. Và các địa phương 'cân nhắc' gì về đề nghị thuê dịch vụ của Viettel?

TP.HCM là địa phương chú trọng sử dụng dữ liệu đất đai phục vụ quản lý, cải cách thủ tục hành chính - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TP.HCM là địa phương chú trọng sử dụng dữ liệu đất đai phục vụ quản lý, cải cách thủ tục hành chính - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Gần đây nhiều tỉnh thành lo lắng dữ liệu đất đai bị ngắt gián đoạn, ảnh hưởng việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp khi nhận được thông báo từ Tập đoàn Viettel sẽ không thể cho sử dụng miễn phí mãi dịch vụ.

Phản hồi của nhiều địa phương cho thấy các địa phương có kế hoạch, phương án thuê dịch vụ vận hành hệ thống dữ liệu đất đai.

Nhiều nơi chưa chuẩn bị kịp

Phản hồi đến Viettel, UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định Hệ thống thông tin đất đai VBDLIS do Viettel vận hành đáp ứng được hầu hết các chức năng quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh; đảm bảo thủ tục hành chính về đất đai thực hiện 100% trên môi trường điện tử.

Tỉnh đã thống nhất chủ trương bố trí kinh phí thuê phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin vận hành cơ sở dữ liệu đất đai tại Đắk Lắk và giao Sở Tài nguyên - Môi trường triển khai từ tháng 9-2023. 

Hiện nay, đơn vị tư vấn thực hiện gói thầu thuê phần mềm, hạ tầng đang hoàn thiện để tổ chức thẩm định kỹ thuật, dự toán, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

"Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ mới, phức tạp, năng lực công nghệ thông tin địa phương còn yếu, mặt khác Bộ Tài nguyên - Môi trường chưa có văn bản hướng dẫn theo đề nghị của UBND tỉnh tại các công văn vào tháng 8-2023 và tháng 6-2024 nên tiến độ còn chậm. Tỉnh đang đôn đốc các đơn vị chức năng khẩn trương thực hiện", công văn UBND tỉnh nêu.

Cũng là một trong những tỉnh tham gia Dự án tăng cường quản lý đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai (VLIG), đến nay Cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh Hà Tĩnh đã được vận hành, khai thác hiệu quả thông qua Hệ thống VBDLIS của Viettel. 

"Hiện Sở Tài nguyên - Môi trường đang thực hiện thủ tục để lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin", công văn tỉnh thông tin.

Còn tỉnh Nghệ An phản hồi cần có thời gian để xem xét, phê duyệt, đưa vào kế hoạch bố trí kinh phí vận hành cơ sở dữ liệu đất đai theo đúng quy trình, quy định hiện hành. Thái Bình cũng phản hồi đang xem xét phê duyệt kế hoạch và dự toán kinh phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin để quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh này.

Thuê dịch vụ và trả kinh phí là đương nhiên

Hiện nay hệ thống thông tin đất đai VBDLIS do Tập đoàn Viettel triển khai, vận hành chính thức miễn phí cho 26 tỉnh thành cả nước thuộc dự án "Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai" (viết tắt VILG) và 6 tỉnh ngoài dự án VILG.

Dự án VILG được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự án bắt đầu triển khai năm 2017 và đã kết thúc năm 2022.

Hệ thống được kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin cơ quan thuế, hệ thống hành chính công, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết hiệu quả các thủ tục hành chính liên quan đất đai thời gian qua.

Bình luận về việc các tỉnh đang thực hiện thủ tục thuê dịch vụ vận hành cơ sở dữ liệu đất đai, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng dữ liệu đất đai rất quan trọng và kinh phí thuê là không hề nhỏ. 

Vì vậy các tỉnh sử dụng vốn đầu tư công và phải thực hiện theo trình tự thủ tục đấu thầu rất chặt chẽ và mất nhiều thời gian chứ không thể thuê chỉ định. Vì vậy theo quy định thì đơn vị cung cấp dịch vụ (Viettel) sẽ phải đấu thầu với các đơn vị cung cấp dịch vụ tương tự khác cho các tỉnh.

"Thời đại chuyển đổi số, các tỉnh bắt buộc sử dụng dữ liệu đất đai để vừa phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa cung cấp dịch vụ công giải quyết thủ tục hành chính liên quan đất đai cho người dân, doanh nghiệp. Và các tỉnh cũng thu được nguồn ngân sách lớn từ việc giải quyết thủ tục về đất đai.

Vì vậy từ yêu cầu hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân vừa mang lại nguồn thu quan trọng trong lĩnh vực đất đai thì các tỉnh cần nhanh chóng hoàn tất thủ tục để thuê sử dụng dịch vụ từ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công chứ không thể kéo dài việc sử dụng miễn phí...", luật sư Tuấn nói.

Thủ tướng: Lập cơ sở dữ liệu đất đai, chuyển đổi số, nhân dân đỡ phải đi lại, đỡ chi phíThủ tướng: Lập cơ sở dữ liệu đất đai, chuyển đổi số, nhân dân đỡ phải đi lại, đỡ chi phí

TTO - Chiều 17-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp xúc với 300 cử tri huyện Phong Điền, quận Cái Răng và quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) sau kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên