Tỉ lệ thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) đạt thấp. Trong ảnh: dây chuyền súc rửa chai của Habeco - Ảnh: Trung Hà |
Có việc ngại trách nhiệm. Những thứ trưởng làm trưởng ban chỉ đạo khi ký là run, nên gửi nhiều văn bản hỏi cho yên tâm... Đề nghị các bộ, ngành và các tỉnh tăng cường chịu trách nhiệm lên |
Ông TRẦN VĂN HIẾU (Thứ trưởng Bộ Tài chính) |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu khẳng định như trên. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định tới đây sẽ yêu cầu truy trách nhiệm, xử lý nếu để chậm trễ trong việc đổi mới, sắp xếp DNNN.
Vẫn chậm, vẫn nhiều rắc rối
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ sáng 11-7, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết theo kế hoạch, giai đoạn 2017 - 2020 sẽ cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước.
Mục tiêu của riêng năm 2017 sẽ cổ phần hóa 45 doanh nghiệp, tuy nhiên, 6 tháng đầu năm mới thực hiện được... 6 doanh nghiệp.
Dự kiến trong cả năm 2017 chỉ cổ phần hóa được 40/45 doanh nghiệp theo kế hoạch.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo đánh giá tỉ lệ thoái vốn đạt thấp, đặc biệt tại các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Habeco, Sabeco.
Việc đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán thực hiện chưa nghiêm túc, nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch.
TP.HCM là một trong những địa phương được “điểm tên” do trong 6 tháng đầu năm chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết vướng mắc hiện nay là nghị định sửa đổi nghị định 59/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần chưa được ban hành, nên các đơn vị có tư tưởng “chờ để thực hiện”.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cũng đưa ra những khó khăn.
Chẳng hạn như với Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam hiện đã hoàn thành xong quyết toán thuế, dự kiến hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp trong tháng 10-2017 và cổ phần hóa trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Hải cho biết có khó khăn là doanh nghiệp này sở hữu nhiều đất đai nên cần phải... làm kỹ lưỡng để tránh thất thoát tài sản vốn nhà nước.
Đồng thời, theo ông Hải, vẫn còn thiếu cơ chế để ưu đãi người lao động, đặc biệt là nhân lực trình độ cao mua cổ phần của doanh nghiệp và gắn bó sau cổ phần hóa...
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công nhận việc cổ phần hóa, thoái vốn với các doanh nghiệp thuộc bộ còn chậm.
Nguyên nhân là hiện các văn bản quy định liên quan đang trong quá trình sửa đổi, điều chỉnh nên các đơn vị làm thận trọng...
Sợ trách nhiệm, đẩy việc lên Chính phủ
Không đồng tình với quan điểm chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước do vướng các quy định của luật và chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, ông Trần Văn Hiếu cho rằng đó không phải là nguyên nhân chính.
Vấn đề là do các lãnh đạo “ngại trách nhiệm”, lo khi phê duyệt hoặc thực hiện phương án cổ phần hóa có thể xác định không đúng giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là đất đai, hoặc làm thất thoát vốn nhà nước.
Ông Hiếu khẳng định quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong 6 tháng đầu năm rất chậm trễ, mới thu về được 4.300 tỉ đồng, trong khi dự kiến năm 2017 thu ngân sách từ cổ phần hóa, thoái vốn lên tới 60.000 tỉ đồng.
Đặc biệt, ông Hiếu thẳng thắn “có việc ngại trách nhiệm” khi chỉ ra có thứ trưởng làm trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của bộ ngành nhưng khi ký là run, nên gửi nhiều văn bản hỏi cho yên tâm, yêu cầu Bộ Tài chính trả lời.
“Đề nghị các bộ, ngành và các tỉnh tăng cường chịu trách nhiệm lên. Còn hiện vẫn có tư tưởng sắp thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước nên chờ đợi, trì hoãn, tránh rủi ro” - ông Hiếu nói và khẳng định theo chỉ đạo của Phó thủ tướng là không chờ ban hành văn bản mà phải thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa theo đúng kế hoạch.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần nhìn nhận nguyên nhân chính khiến việc cổ phần hóa, thoái vốn chậm trễ chủ yếu do chủ quan khi các bộ, ngành và địa phương chưa thật quyết liệt trong chỉ đạo, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
“Vẫn còn tâm lý thận trọng, chờ đợi, e ngại một số vụ việc trước đây bị thanh tra, kiểm tra nên có chuyện đùn đẩy, hỏi ý kiến lên tận Chính phủ. Có những việc thẩm quyền của bộ, địa phương nhưng không dám quyết, để cho an toàn thì đẩy lên Chính phủ hoặc bộ chuyên ngành. Nhưng Chính phủ quyết lại không đúng luật. Có nơi ngại không muốn làm, sợ sai phạm, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chưa thường xuyên, kịp thời” - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty để chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp DN và thoái vốn theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ...
Ông Huệ cũng yêu cầu Bộ Tài chính công khai việc xử lý các doanh nghiệp sau cổ phần hóa không niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận