22/01/2014 00:24 GMT+7

Nhiều thách thức toàn cầu

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Hôm nay 22-1, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chính thức khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ) để tìm giải pháp đối với những thách thức lớn của nền kinh tế toàn cầu.

Theo trang web webforum.org, khoảng 2.500 lãnh đạo chính trị, doanh nhân, chuyên gia, ngôi sao giải trí... sẽ có mặt tại Davos. Chủ đề của WEF năm nay là “Tái thiết thế giới: hậu quả đối với xã hội, chính trị và kinh doanh”. Trước thềm Davos, WEF đã công bố Báo cáo nguy cơ toàn cầu 2013, liệt kê và phân tích 50 mối nguy cơ toàn cầu mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt.

Oxfam cáo buộc tầng lớp giàu nhất thế giới “đã hủy hoại tiến trình dân chủ và thúc đẩy các chính sách đem lại lợi ích cho họ nhưng gây thiệt hại cho tất cả mọi người”. Oxfam kêu gọi WEF phải hành động khẩn cấp để lấp bớt hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo. Điều trớ trêu là không ít trong số các đại biểu dự WEF là các chủ doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư... thuộc tầng lớp 1% siêu giàu đó.

Bản báo cáo do 700 chuyên gia thực hiện, khẳng định khoảng cách giàu nghèo, kéo theo đó là bất ổn xã hội, là mối đe dọa lớn nhất, có thể làm tổn thương nghiêm trọng nền kinh tế thế giới trong 10 năm tới. Tiếp theo đó là biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan và cuộc khủng hoảng nợ công mà rất nhiều quốc gia phát triển đang phải trải qua.

Từ ngày 22 đến 25-1, các đại biểu dự WEF cũng sẽ thảo luận về rất nhiều vấn đề nóng bỏng khác của thế giới. Theo báo USA Today, người sáng lập WEF Klaus Schwab cho biết diễn đàn sẽ đòi hỏi câu trả lời từ những bộ óc thông thái nhất của thế giới. “Từ xung đột ở Trung Đông, chương trình kích thích kinh tế của Cục Dự trữ liên bang Mỹ tới căng thẳng trên biển Đông và việc 75 triệu người trẻ thất nghiệp, chúng ta đang phải đối mặt với một thế giới có rất nhiều điểm nóng” - ông Schwab khẳng định.

Theo ông Schwab, những gì WEF muốn đạt được ở Davos năm nay là “nhấn nút tái khởi động thế giới”. Nhà kinh tế Nariman Behravesh thuộc Hãng tư vấn IHS, một khách quen của WEF, cho biết tại Davos, các nhà lãnh đạo sẽ không công bố gì nhiều trong những bài phát biểu chính thức. “Tuy nhiên những cuộc họp kín giữa họ thú vị hơn nhiều và bao gồm những cuộc thảo luận rất tích cực” - chuyên gia Behravesh tiết lộ.

Tạp chí Time dẫn lời một số chuyên gia kinh tế đánh giá tại Davos, các nhà lãnh đạo và chuyên gia sẽ phải trả lời một số câu hỏi khó. Thứ nhất, tác động chính trị của tình trạng bất bình đẳng. Thứ hai, liệu nền kinh tế Mỹ có thật sự phục hồi hay tăng trưởng một cách chậm chạp. Thứ ba, liệu nền kinh tế Trung Quốc có “hạ cánh cứng”, tăng trưởng sụt giảm như dự báo và những biến động của kinh tế Trung Quốc sẽ tác động đến nền kinh tế thế giới như thế nào.

Mỗi năm WEF tại Davos đều đưa ra những chủ đề và mục tiêu lớn. Nhưng việc thực hiện sau đó như thế nào là một câu hỏi để ngỏ. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy thế giới cũng không nên đòi hỏi nhiều từ “sô diễn” này.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên