29/03/2012 07:42 GMT+7

Nhiều tàu gặp nạn, cứu hộ khó khăn

HU.H. - D.THANH - N.TRẦN
HU.H. - D.THANH - N.TRẦN

TT - Ngay giữa “tháng ba bà già đi biển” nhưng tai nạn vẫn xảy ra với một tàu cá cùng 47 ngư dân tỉnh Quảng Nam, phải nhờ tàu SAR 27-01 ra cứu hộ (vào ngày 20-3).

Không chỉ khi thời tiết bất thường, mà gần đây tàu gặp nạn trên biển có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

FD7xLS4E.jpgPhóng to
Không phải lúc nào thời tiết cũng thuận lợi cho công tác cứu hộ. Trong ảnh: tàu SAR 27-01 cứu hộ tàu QNa 90019 TS thành công - Ảnh: Duy Thanh

Theo ông Trần Xuân Bình - phó giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 4, trong khu vực mà trạm này đảm trách (từ nam Bình Định đến nam Ninh Thuận), hai tháng đầu năm 2012 đã có 16 vụ tai nạn trên biển, bằng 64% so với năm ngoái, trong số đó có 11 vụ tai nạn liên quan đến tàu đánh cá của ngư dân.

Tàu nhỏ nhưng đánh bắt xa bờ

Hơn một tháng nay, ngư dân Bình Định vẫn còn hoang mang với vụ tàu cá do ông Trần Niêm Mạnh (ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng cùng 11 ngư dân gặp nạn ngày 18-2 và mất tích sau đó. Tàu này gặp nạn cách vùng biển Khánh Hòa 136 hải lý, do quá xa nên các tàu cá khác dù nhận được thông tin cứu nạn nhưng không đủ nhiên liệu và thời gian để đến cứu các ngư dân.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu - giám đốc Đài thông tin duyên hải Quy Nhơn - cho biết trong đợt thời tiết xấu bất ngờ từ ngày 18 đến 20-2, mỗi ngày nhận tin 4-5 tàu cá gặp nạn. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong hơn hai tháng qua, có ít nhất 17 ngư dân hai tỉnh Phú Yên và Bình Định - hai địa phương có số tàu đánh bắt cá ngừ đại dương lớn nhất nước - bị chết, mất tích do các tai nạn trên biển.

Ông Nguyễn Duy Lâm - trưởng phòng quản lý khai thác và thông tin thủy sản (Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định) - cho rằng nguyên nhân tàu cá Bình Định gặp nạn phần lớn do tàu có công suất nhỏ nhưng lại đánh bắt xa bờ nên mỗi khi xảy ra áp thấp nhiệt đới, bão, không kịp tìm nơi trú ẩn.

Còn theo ông La Trần Quang - trưởng phòng phối hợp tìm kiếm cứu nạn thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 4, có tới 60% các vụ tàu cá bị nạn là do hỏng máy. “Tàu chết máy, gãy trục, bể hộp số, rơi chân vịt, hỏng bánh lái... là những tai nạn phổ biến. Tất cả các tàu đi đánh bắt xa bờ đều được đăng kiểm mỗi năm một lần.

Tuy nhiên sau mỗi chuyến biển dài cả tháng trời, nếu chủ tàu chủ quan không kiểm tra, chăm sóc máy móc thì tai nạn do hỏng máy xảy ra không chỉ là do rủi ro mà còn vì chủ quan” - ông Quang nói. Ông Lê Văn Bảy - trưởng phòng an toàn và thanh tra hàng hải thuộc Cảng vụ Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) - cho rằng ngư dân còn chủ quan, nhiều chủ tàu bàng quan với kiến thức về tìm kiếm cứu nạn trên biển nên khi có sự cố không biết gọi cho ai, không treo các tín hiệu để tàu khác nhận biết...

Thiếu phương tiện hiện đại

Vài năm trở lại đây, với sự hoạt động hiệu quả của Đài thông tin duyên hải Nam Trung bộ và hệ thống bộ đàm của bộ đội biên phòng, của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 4, thông tin về các vụ tai nạn trên biển ở khu vực Nam Trung bộ nhanh chóng được thông báo đến các tàu thuyền hoạt động gần nơi tàu bị nạn để ứng cứu. Tuy nhiên, việc ngư dân tự cứu nhau trong hoạn nạn không phải là giải pháp căn cơ, nhất là khi hầu hết tàu cá đều chỉ có công suất đủ để tự hành, khi kéo tàu khác có thể dẫn đến nguy hiểm cho cả hai tàu.

Trong khi đó, theo đại tá Nguyễn Viết Châu - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Bình Định, phương tiện của lực lượng cứu hộ cứu nạn chỉ là tàu có công suất nhỏ chưa thể vươn ra khơi xa, nhất là khi biển động mạnh. Đại tá Nguyễn Văn Minh - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên - cũng cho biết lực lượng biên phòng Phú Yên chỉ có một chiếc tàu sắt của hải đội 2 đã cũ, chỉ vận hành được trong điều kiện gió tối đa cấp 5.

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 4 mới được trang bị tàu cứu nạn duy nhất là chiếc SAR 27-01 vào đầu năm 2012. Tuy nhiên theo ông Trần Xuân Bình, tàu SAR 27-01 chỉ có chức năng cứu nạn chứ không có chức năng cứu hộ, vận tốc tối đa của tàu chỉ 16 hải lý/giờ trong điều kiện thời tiết bình thường và tầm hoạt động khoảng 150 hải lý. Để trạm đảm đương được nhiệm vụ cần phải trang bị thêm phương tiện lớn, hiện đại hơn chiếc SAR 27-01.

Đại tá Nguyễn Văn Minh cho rằng với tình hình thiên tai trên biển diễn biến phức tạp những năm gần đây, để ngư dân yên tâm bám những ngư trường xa khai thác tiềm năng kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trung ương cần sớm đầu tư, trang bị các phương tiện cứu hộ cứu nạn đủ sức chịu đựng sóng gió lớn, tầm hoạt động xa. Những tàu này cần đưa vào các tỉnh trọng điểm để khi cần có thể cơ động nhanh chóng đi ứng cứu, xử lý sự cố, tai nạn trên biển.

Khó thực hiện “4 tại chỗ”

Theo ông Nguyễn Anh Vũ - tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, chiều dài bờ biển Việt Nam gần 3.200km, diện tích vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế biển của nước ta hơn 1 triệu km2, nhưng lại chỉ có bảy tàu cứu nạn mà là tàu nhỏ, sức chịu sóng kém; chỉ có bốn cơ sở hậu cần phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn là quá mỏng. Do đó, có thể nói phương án “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) đối với tìm kiếm, cứu nạn trên biển là rất khó khăn đối với lực lượng cứu nạn chuyên trách.

HU.H. - D.THANH - N.TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên