15/04/2022 16:15 GMT+7

Nhiều sinh viên vẫn thích học kiểu truyền thống, thầy đọc trò chép

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Đây là một trong nhiều trở ngại khi các trường đại học áp dụng phương pháp giảng dạy qua dự án (Project-Based Learning), đặc biệt trong giai đoạn đầu triển khai.

Nhiều sinh viên vẫn thích học kiểu truyền thống, thầy đọc trò chép - Ảnh 1.

Diễn đàn có sự tham dự của gần 100 giáo viên từ nhiều trường đại học trên cả nước - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ngày 15-4, diễn đàn "Phương pháp giảng dạy dựa trên các vấn đề thực tiễn" diễn ra tại TP.HCM. Đây là một phần trong dự án BUILD-IT do Cơ quan Hợp tác quốc tế Mỹ (USAID) và Đại học Bang Arizona (Mỹ) tổ chức, nhằm nâng cao chất lượng giảng viên giảng dạy trong các lớp học thời 4.0.

Cần đa dạng hình thức đánh giá

Tiến sĩ Nguyễn Huy Phúc - trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - cho hay, cụm từ "Project-Based Learning" (Học qua dự án) là một phương pháp giảng dạy được đề cập rất nhiều trong môi trường đại học những năm gần đây.

Với phương pháp này, sinh viên sẽ không đơn thuần lên lớp tiếp nhận thông tin một chiều, mà cần tìm kiếm, sáng tạo tri thức cho mình.

Bài giảng, kiến thức cơ bản có thể được giảng viên gửi trước cho sinh viên dưới dạng video. Sinh viên phải chủ động tìm hiểu, đọc thêm sách vở, sao cho nắm được những nền tảng trước ở nhà.

Khi vào lớp, sinh viên cùng nhau đề xuất, thực hiện những dự án thực tế. Giảng viên là người định hướng, góp ý và song hành cùng các bạn trong những dự án đó.

Nhiều sinh viên vẫn thích học kiểu truyền thống, thầy đọc trò chép - Ảnh 2.

Cuộc thi thiết kế robot biết múa rối nước, một trong những hoạt động theo hướng "Project-Based Learning" của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Tuy nhiên, tiến sĩ Phúc thừa nhận trong quá trình triển khai, đặc biệt ở giai đoạn đầu, nhiều sinh viên khá sợ với hình thức học "Project-Based Learning". Không chỉ lo sẽ bỏ nhiều công sức hơn, sinh viên cũng sợ rằng sẽ phải làm hết dự án này đến dự án kia mà không được thêm điểm nào, nhất là khi cách thi cử, đánh giá vẫn thông qua các bài thi viết, trắc nghiệm.

"Nhiều sinh viên vẫn thích học theo kiểu truyền thống. Từ chỗ chỉ cần lên lớp nghe giảng, nay phải chủ động suy nghĩ, làm dự án, họ khá ngại thay đổi. Đó là một trong những bài toán nan giải nhất khi triển khai Project-Based Learning", tiến sĩ Phúc nói.

Để giải quyết vấn đề này, ông Phúc cho rằng trước hết các trường có thể mạnh dạn thay đổi hình thức đánh giá. Thi cuối kỳ không nhất thiết phải thi tập trung, giải bài tập, làm trắc nghiệm, mà có thể thông qua các buổi trình bày, thuyết trình dự án, qua hình thức vấn đáp hay bất cứ cách thức linh hoạt nào khác.

Ông Jeffrey Goss, phó hiệu trưởng điều hành các Chương trình Đông Nam Á, Đại học Bang Arizona, chia sẻ ở trường ông, gần như tất cả sinh viên học bằng hình thức Project-Based Learning ngay từ năm nhất để rèn tính chủ động và sự sáng tạo.

"Điều quan trọng cần lưu ý là các trường cần linh hoạt các hình thức triển khai Project-Based Learning. Đó có thể là một dự án thực tế, một cuộc tranh luận, buổi hội thảo, một cuộc thi,… Càng nhiều hình thức, sinh viên sẽ càng có cơ hội trải nghiệm", ông Jeffrey Goss nói.

Sinh viên tốt nghiệp phải biết làm việc nhóm

Tại diễn đàn, ông Ace Wilson - quyền tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam - cho biết các công ty lớn như Intel luôn đòi hỏi ở các ứng viên tuyển dụng không chỉ là các kiến thức học thuật đơn thuần. Ngoài một số năng lực cốt lõi, nhà tuyển dụng rất mong muốn có được những bạn trẻ có kinh nghiệm làm việc, đặc biệt từng làm trong các nhóm, dự án.

Ông lý giải ở những công ty công nghệ như Intel, gần như không có công việc nào độc lập. Các công việc đều đòi hỏi phải phối hợp với các nhóm để cùng giải quyết. Vì vậy, những ứng viên, đặc biệt là các sinh viên mới tốt nghiệp, luôn được đánh giá cao nếu có kinh nghiệm triển khai công việc từ trước.

Nhiều sinh viên vẫn thích học kiểu truyền thống, thầy đọc trò chép - Ảnh 3.

Ông Ace Wilson - quyền tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam - chia sẻ một số đòi hỏi với sinh viên tốt nghiệp từ góc nhìn của doanh nghiệp - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Theo ông Ace Wilson, kinh nghiệm không nhất thiết đòi hỏi sinh viên phải bước ra ngoài đi làm, mà có thể tích lũy ngay trong lúc học. Chẳng hạn trong những dự án của mô hình Project-Based Learning, sinh viên đã có thể có kinh nghiệm làm việc nhóm và giải quyết các vấn đề thực tiễn. Điều này giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể "nhảy ngay vào các nhóm làm việc".

Ông Nguyễn Bảo Quốc, phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, cho rằng việc cải tiến phương pháp giảng dạy đòi hỏi bản thân mỗi người đứng lớp phải luôn cập nhật kiến thức, thay đổi chính mình.

Qua đó, họ có thể đóng góp vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, tạo ra những sinh viên tốt, năng động, có kiến thức, kỹ năng, giải quyết được các vấn đề thực tiễn và đưa ra các giải pháp có giá trị cho sự phát triển của TP.HCM và Việt Nam.

Trong hơn 10 năm qua, BUILD-IT đã sáng tạo và triển khai chương trình phát triển tập huấn đào tạo giảng viên nguồn và khóa tập huấn của ngành công nghiệp 4.0.

Thông qua hiện đại hóa giáo dục đại học ngành công nghệ và kỹ thuật tại các trường đại học Việt Nam, chương trình BUILD-IT đang hỗ trợ các trường đại học Việt Nam nâng cao chất lượng đào tạo ra các sinh viên tốt nghiệp với những kỹ năng ngày càng phức tạp mà nền kinh tế đòi hỏi.

USAID Hoa Kỳ tặng thiết bị chẩn đoán lao trong 2 giờ và thuốc điều trị bệnh lao cho Việt Nam USAID Hoa Kỳ tặng thiết bị chẩn đoán lao trong 2 giờ và thuốc điều trị bệnh lao cho Việt Nam

TTO - Sáng 16-2, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trao tặng thiết bị phát hiện và chẩn đoán nhanh bệnh lao và thuốc điều trị lao với tổng trị giá khoảng 3 triệu đôla cho Bệnh viện Phổi trung ương.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên