22/03/2017 09:45 GMT+7

Nhiều quận thu xếp chỗ cho người bán hàng rong

Q.KHẢI - L.PHAN - T.ĐỨC
Q.KHẢI - L.PHAN - T.ĐỨC

TTO - Bên cạnh việc kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình lấn chiếm lòng lề đường, nhiều quận huyện ở TP.HCM đang tìm cách bố trí, sắp xếp khu vực cho những người bán hàng rong.

Quận 8 dự kiến bố trí người bán hàng rong vào chợ Rạch Ông (P.2, Q.8) - Ảnh: Tâm Đức
Quận 8 dự kiến bố trí người bán hàng rong vào chợ Rạch Ông (P.2, Q.8) - Ảnh: Tâm Đức

Ngoài ra, nhiều quận huyện cũng kẻ vạch sơn trên vỉa hè rộng cho người dân được sử dụng một phần, theo tinh thần chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến tại cuộc họp ngày 20-3.

Quận 10 khảo sát để làm khu ẩm thực, phố hàng rong

Ông Nguyễn Tấn Mỹ, trưởng Phòng quản lý đô thị quận 10, cho biết qua hơn một tuần toàn quận ra quân kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt, tình hình trật tự vỉa hè trên địa bàn quận đã chuyển biến khá tốt.

Quận quán triệt các lực lượng ra quân với tinh thần kiên quyết, nhưng cũng tạo điều kiện để người dân tự giác, chấp hành tháo dỡ các vật dụng công trình lấn chiếm.

Song song với giải pháp chấn chỉnh vỉa hè, đại diện quận 10 cho biết đã tính tới các phương án giải quyết cho người bán hàng rong trên địa bàn được ổn định nơi buôn bán.

Cụ thể, quận đã chỉ đạo các phường khảo sát số hộ dân bán hàng rong để phân loại ngành nghề.

Còn các phòng, ban của quận đi khảo sát tại các chợ còn sạp trống để bố trí những hộ dân trên vào buôn bán.

Cụ thể hơn, ông Mỹ cho biết các ban ngành quận 10 đang khảo sát các tuyến đường như: Tô Hiến Thành, Bắc Hải, một số vị trí đất trống trên đường Nguyễn Giản Thanh, khu lô A, lô R chung cư Ngô Gia Tự, công viên Lê Thị Riêng và một số tuyến đường có vỉa hè rộng trên 6m để có phương án trình lên UBND TP phê duyệt cho quận thí điểm thành các khu phố ẩm thực, phố hàng rong có quy hoạch.

Những khu vực này sẽ được đồng nhất về kiểu sạp, ngành nghề và có chỗ để xe cho khách. Còn khu vực công viên Lê Thị Riêng sẽ được quy hoạch theo hướng chợ phiên vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.

“Trong thời gian chờ đề án trên được thực hiện, quận sẽ sắp xếp những hộ buôn bán hàng rong vào các con hẻm lớn và đường nhỏ để buôn bán, với điều kiện được người dân khu vực đồng ý và buôn bán trong vạch kẻ được quy định.

Nhưng đây chỉ là phương án tạm thời, vì sắp xếp như vậy rất dễ tạo điều kiện để người dân tái lấn chiếm vỉa hè” - ông Mỹ nói.

Quận 8 đưa người bán hàng rong vào chợ

Theo ông Lê Huỳnh Đài - phó chủ tịch UBND quận 8, quận sẽ sắp xếp cho những người mua bán lấn chiếm lòng lề đường, mua bán hàng rong vào các chợ trên địa bàn.

Hiện số lượng quầy sạp tại các chợ còn trống trên địa bàn quận 8 lên đến 950 chỗ.

Đại diện Phòng kinh tế quận 8 cho biết qua thống kê ban đầu, trên địa bàn quận có tới 1.389 hộ buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, trong đó có cả người bán hàng rong.

Hiện UBND quận 8 yêu cầu các phường tổ chức phân loại theo ngành nghề, nguyện vọng... của người dân để bố trí vào các chợ cho phù hợp.

Cũng theo vị này, đối tượng được ưu tiên sắp xếp vào chợ buôn bán trước tiên là những hộ nghèo, cận nghèo của quận. Những hộ này sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, giảm tiền thuê sạp, phí...

Còn những trường hợp là người dân địa phương khác, quận sẽ vận động bà con trở về địa phương để hưởng chính sách hỗ trợ của địa phương.

Trường hợp những hộ có hoàn cảnh khó khăn, có nguyện vọng chuyển đổi ngành nghề sẽ được quận tạo điều kiện học nghề.

“Sớm nhất là trong tuần tới, các phường sẽ báo cáo tiến độ cụ thể để triển khai kế hoạch trên” - đại diện Phòng kinh tế quận 8 cho biết.

Liên quan đến việc này, ông Huỳnh Thanh Khiết - phó chủ tịch UBND quận 2 - cho biết cơ quan chức năng quận chọn một khu đất khoảng 10.000m2 gần cầu Rạch Chiếc (P.An Phú) để xây dựng chợ.

Chợ này dự kiến bố trí người bán hàng rong, người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường vào buôn bán.

Còn ông Đậu An Phúc, phó chủ tịch UBND quận 12, cho rằng tuy đất đai trên địa bàn quận rộng, nhưng không phải nơi nào cũng bố trí cho người bán hàng rong vào buôn bán được.

Hiểu được câu chuyện “buôn có bạn, bán có phường”, ông Phúc cho biết: “Quận đang rà soát những nơi phù hợp, chứ lập ra khu bán hàng rong mà bà con mua bán không được thì càng khổ hơn”.

Theo ông Phúc, cuối tháng 3 các phường trên địa bàn quận sẽ báo cáo cụ thể các khu vực có thể tổ chức khu bán hàng rong.

Chủ tịch phường đi vận động dân từ 5h sáng

Đó là trường hợp bà Lê Thị Ngọc Dung - bí thư, chủ tịch UBND phường An Lạc A, quận Bình Tân.

Theo bà Dung, hiện phường đang tập trung vận động những hộ dân lấn chiếm vỉa hè trên tuyến đường Nguyễn Thức Tự, Nguyễn Thức Đường sắp xếp, trả lại vỉa hè.

Do trên những tuyến đường này có những hộ dân mua bán hàng ăn bày biện từ rất sớm, nên từ 5h sáng bà Dung cùng đoàn thể phường đến từng nhà vận động bà con không lấn chiếm vỉa hè.

Nhờ vận động kiên trì nhiều ngày, đến nay hơn 50% người dân tự tháo dỡ các vật dụng lấn vỉa hè và các trường hợp bày bán hàng ăn cũng không lấn ra vỉa hè như trước.

Bà Dung cho biết sau khi tập trung hoàn tất sắp xếp lại vỉa hè tại hai tuyến đường trên sẽ chuyển sang hai tuyến đường khác là Kinh Dương Vương và Tên Lửa.

“Tinh thần là phường vận động để người dân tháo dỡ là chính, những trường hợp cố tình vi phạm mới cưỡng chế” - bà Dung nói.

Q.KHẢI - L.PHAN - T.ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên