27/12/2014 12:15 GMT+7

​Nhiều nơi thu phí xe máy đạt tỉ lệ thấp

C.QUỐC - X.LONG- B.SƠN - P.THÀNH ghi
C.QUỐC - X.LONG- B.SƠN - P.THÀNH ghi

TT - UBND TP.HCM đang đề xuất thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy từ ngày 1-1-2015 (gọi tắt là phí xe máy), trong khi thông tin từ nhiều địa phương cho biết việc thu phí đạt tỉ lệ rất thấp.

Cần Thơ: năm sau thu chưa bằng nửa năm trước

Ngày 26-12 ông Nguyễn Hoàng Tùng - chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ TP Cần Thơ - cho biết năm 2014 chỉ thu phí bảo trì đường bộ được 8,5 tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tổng số xe máy toàn địa bàn thành phố (570.000 chiếc) và đạt 43% so với kế hoạch thu đề ra (khoảng 20 tỉ đồng).

Trong khi đó năm 2013 Quỹ bảo trì đường bộ thu được khoảng 18 tỉ đồng, đạt 43% trên tổng số lượng xe toàn thành phố. Ông Tùng cho biết năm 2014 thành phố đặt chỉ tiêu thu cao hơn 10% so với năm trước đó nhưng thực tế thu được chưa bằng một nửa năm trước.

Theo ông Tùng, việc thu phí xe máy tại Cần Thơ do xã, phường tổ chức thu và xã, phường giao về cho ấp, khu vực thu. Nói về nguyên nhân thu phí xe máy đạt tỉ lệ thấp, ông Tùng nhận định chủ yếu do quy định về chế tài những trường hợp không nộp phí chưa được triển khai mạnh và các địa phương chưa quan tâm đúng mức việc thu phí này.

Về giải pháp, ông Tùng cho biết phó chủ tịch UBND TP kiêm chủ tịch hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ TP Cần Thơ Ðào Anh Dũng đã có chỉ đạo các lực lượng công an phối hợp với đơn vị thu phí (ấp, khu vực) ở các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền người dân đóng phí này.

Liệu việc thu phí xe máy mà dùng đến lực lượng công an là có “hình sự hóa” một việc dân sự không, ông Tùng cho rằng đây chỉ là giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thu phí mà thôi. Ông Tùng còn đưa ra dẫn chứng một địa phương lân cận TP Cần Thơ đã giao cho lực lượng công an xã, phường, thị trấn tổ chức thu phí xe máy đạt hiệu quả tốt.

Hà Nội: nghiên cứu khoán thu phí xe máy

Theo UBND TP Hà Nội, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy được thực hiện từ năm 2013. Trong năm này, TP dự kiến thu khoảng 261 tỉ đồng nhưng chỉ thu được 55 tỉ đồng (21%).

Trong năm 2014 Hà Nội dự kiến thu khoảng 250 tỉ đồng từ phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Linh, phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, số thu thực tế thấp hơn nhiều so với dự kiến.

Ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết ngoài việc điều chỉnh nguồn thu từ phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, để lại 100% phần thu này cho cấp xã để làm đường nông thôn, TP đã giao các ngành nghiên cứu việc khoán thu phí này để đạt hiệu quả cao hơn.

Theo đó, hình thức khoán thu có thể thay đổi theo hướng không giao bắt buộc cho tổ trưởng tổ dân phố thu như hiện nay mà khoán thu với những cá nhân, tổ chức nhận thu, trong đó sẽ dùng số tiền mà cấp địa phương được nhận để chi trả cho người nhận khoán.

Bình Dương: tỉ lệ thu cao do chưa tính xe của người nhập cư

Theo thống kê của Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh Bình Dương, tổng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy từ tháng 10-2013 (thời điểm bắt đầu thu phí) đến tháng 9-2014 trên địa bàn tỉnh là 40,6 tỉ đồng (đã trừ tỉ lệ chia cho các xã, phường), đạt 78,75%. Tuy nhiên, tỉ lệ thu này chỉ là tính so với kế hoạch chứ không phải tính trên số lượng xe thực tế trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh Bình Dương - giải thích: kế hoạch thu phí xe máy được xây dựng dựa trên số lượng xe máy đăng ký biển số tại Bình Dương do Phòng cảnh sát giao thông quản lý, chưa tính số xe máy vãng lai từ các tỉnh khác tới.

Trong khi trên thực tế Bình Dương là một tỉnh có rất đông người nhập cư (khoảng 800.000 công nhân - PV), những người này dù có biển số xe ở tỉnh khác nhưng vẫn có thể đóng quỹ bảo trì đường bộ tại Bình Dương.

Về cách thu, Bình Dương cũng áp dụng cách thu như nhiều địa phương khác là thông qua các xã, phường. Hiện nay, Bình Dương mới chỉ dùng các biện pháp tuyên truyền, vận động để người dân tự giác đóng phí xe máy chứ chưa có biện pháp chế tài nào.

Ðà Nẵng: sẽ xử phạt người không nộp phí

Chiều 26-12, ông Lê Văn Trung, giám đốc Sở GTVT Ðà Nẵng, cho biết việc thu phí đường bộ đối với xe máy ở Ðà Nẵng năm 2015 sẽ được bàn giao cho các quận, huyện quản lý. Theo đó, sẽ trích lại 20% cho bộ phận đi thu tiền để chi vào việc tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện, chi bồi dưỡng cho cán bộ trực tiếp thu phí, chi mua biên lai...

Phần còn lại 40% sẽ do các phường, xã quản lý nhằm chi sửa chữa nâng cấp các tuyến hẻm do phường xã quản lý và 40% chuyển lên cho các quận, huyện quản lý để chi sửa chữa đường sá, hẻm thuộc quận huyện quản lý.

Cũng theo ông Trung, do năm 2014 Ðà Nẵng thu phí xe máy chỉ đạt 19% nên Sở GTVT Ðà Nẵng đang soạn phương án đề nghị thành phố cùng các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, tuần tra và có hình thức xử phạt đối với những trường hợp không nộp phí xe máy.

Xe máy chen chúc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.
Xe máy chen chúc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

* Ông VÕ VĂN LUẬN (chánh văn phòng UBND TP.HCM):

TP.HCM phải làm theo quy định

Ông Võ Văn Luận đã trả lời như vậy trong buổi họp mặt thường kỳ với báo chí ngày 26-12 khi các phóng viên hỏi về đề xuất của UBND TP.HCM trong việc thu phí xe máy.

Ông Luận cho rằng hiện các tỉnh thành trên cả nước đều đã triển khai thu loại phí này, duy nhất TP.HCM chưa thu. Chủ trương thu phí này ngay từ đầu UBND TP cũng không mặn mà vì thấy người dân hiện đang đóng nhiều mức phí, thuế...

Ðến nay các tỉnh thành khác đã làm mà TP.HCM vẫn tiếp tục kéo dài thì có khả năng sẽ bị Chính phủ phê bình. Hơn nữa việc thu phí này đã được cụ thể hóa bằng quy định (nghị định 18 năm 2012 của Chính phủ - PV) nên TP.HCM phải thực hiện.

Cũng theo ông Luận, sau khi tờ trình được HÐND TP thông qua, việc thu phí xe máy với các giải pháp cụ thể sẽ được các quận huyện triển khai đến các phường xã. Nguồn thu này UBND TP xác định giao lại toàn bộ cho các quận huyện để chi cho việc duy tu bảo dưỡng hạ tầng giao thông.

Nhiều ý kiến cho rằng trong khi tỉ lệ thu phí xe máy tại các địa phương khác rất thấp, TP.HCM là địa phương thu sau nhưng giải pháp chưa cụ thể, tình hình thu phí cũng giống các tỉnh khác? Ông Luận cho rằng giải pháp hàng đầu và hiệu quả nhất vẫn là công tác tuyên truyền.

Cũng theo ông Luận, thời điểm đề xuất thu phí từ 1-1-2015 chỉ là mốc thời gian xác định, còn tùy tình hình từng quận huyện, việc thu phí này có thể được thực hiện trễ hơn, miễn là trong năm 2015.

* Ông PHẠM VĂN ĐÔNG (trưởng Ban Kinh tế và ngân sách HÐND TP):

Còn băn khoăn một số nội dung

Sau khi nhận được tờ trình lần này của UBND TP.HCM về việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, ngày 26-12 Ban Kinh tế và ngân sách HÐND TP đã họp để xây dựng báo cáo thẩm tra tờ trình này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ sau cuộc họp nói trên, ông Phạm Văn Ðông cho biết còn một số nội dung trong tờ trình của UBND TP khiến các đại biểu băn khoăn. Tờ trình của UBND TP đề xuất giao UBND phường, xã, thị trấn tổ chức thu phí, nhưng đại biểu HÐND TP thấy còn băn khoăn về khả năng bộ máy hành thu sẽ thực hiện như thế nào trên thực tế, cần được tiếp tục thảo luận.

Ðồng thời một băn khoăn khác cũng được đặt ra liệu bộ máy hành thu được giao cho cấp này tổ chức có kham nổi việc kiểm tra, áp dụng các biện pháp chế tài đối với những vi phạm nhằm đảm bảo công bằng trong thu phí hay không?

Ông Ðông cho biết về nội dung UBND TP đề xuất miễn thu phí xe máy đối với học sinh, sinh viên các trường đóng tại địa bàn TP.HCM, các thành viên Ban Kinh tế và ngân sách HÐND TP đề nghị UBND TP cần giải trình rõ hơn để dễ áp dụng trong thực tế.

Q.THANH - D.N.Hà - Q.KHẢI ghi

C.QUỐC - X.LONG- B.SƠN - P.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên