TP.HCM kêu gọi tất cả người dân có sức khỏe tốt chia sẻ với người bệnh bằng cách hiến máu nhân đạo - Ảnh: CHÂU TUẤN
"Máu có thể chờ người bệnh, nhưng người bệnh không thể chờ máu" - TP.HCM kêu gọi tất cả người dân có sức khỏe tốt chia sẻ với người bệnh bằng cách hiến máu nhân đạo.
Cứu người nguy kịch, rất cần máu O
Trong lúc đang lái xe cứu thương đến nhà bệnh nhân để đưa đi cấp cứu vào chiều 29-7, tài xế 51 tuổi (cha bạn Trần Phan Phước Vy, 22 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) chẳng may xảy ra tai nạn với ôtô tại ngã tư đường Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp, TP.HCM).
Vụ tai nạn khiến cha của Vy bị thương rất nặng, mất máu nhiều, nguy kịch. Ngay sau đó, ông được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhưng bác sĩ tại đây thông báo ông thuộc nhóm máu O Rh- rất hiếm, bệnh viện chỉ còn hai đơn vị máu và đủ truyền đến sáng ngày hôm sau.
Gia đình Vy muốn hiến máu nhưng đều không tương thích với nhóm máu của ông. Cả nhà đã liên hệ nhiều nơi nhưng đều nhận thông tin đã hết nhóm máu O Rh-. Sau đó, Vy vào nhóm hiến máu tình nguyện đăng về hoàn cảnh của cha và kêu gọi mọi người ai có nhóm máu O Rh- cứu giúp.
Dù đang trong thời gian TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 nhưng gia đình Vy nhận rất nhiều sự ủng hộ của mọi người. Chỉ trong nửa ngày đã có đủ lượng máu để cha Vy điều trị trong một tuần tới.
Vy cho biết thêm hiện cha mình còn rất yếu, hôn mê sâu, đa chấn thương, thở máy nhưng đã đủ máu để tiếp tục điều trị. Số máu còn lại sẽ nhường các bệnh nhân khác.
Còn trường hợp bé N.Q.T. (8 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) phát hiện ung thư máu từ tháng 1-2021, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng trên địa bàn TP. Bé thuộc nhóm máu O nhưng những ngày qua bệnh viện không còn đủ máu để truyền cho bé.
Chị Kim Thị Ngọc Trinh - mẹ bé T. - chia sẻ một vài nhân viên y tế cùng nhóm máu bé sẵn sàng đến Bệnh viện Truyền máu và huyết học hiến máu cứu bé, đồng thời chị cũng lên mạng kêu gọi mọi người giúp đỡ.
Hôm 4-8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cùng lãnh đạo một số sở ngành và 80 tình nguyện viên có nhóm máu O đã tham gia hiến máu cứu người.
Ông Đức kêu gọi: "Máu có thể chờ người bệnh, nhưng người bệnh không thể chờ máu, chính vì thế công tác hiến máu nhân đạo phải luôn được thực hiện liên tục không ngừng nghỉ. Đây là lúc khó khăn nhất mà người bệnh đang cần, đặc biệt là những loại máu hiếm đang cần số lượng lớn".
Trên các fanpage hiến máu tình nguyện tại TP.HCM với mỗi fanpage hàng ngàn thành viên, có nhiều tài khoản cập nhật trạng thái cần máu gấp để cứu người thân.
Thiếu máu dự trữ
Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ - (khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng thành phố, TP.HCM) - cho biết bệnh viện đang gặp khó khăn máu dự trù cho các ca mổ khẩn, mổ cấp cứu và các bệnh lý truyền máu cấp cứu.
Bệnh viện đã chủ động liên hệ Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM để tổ chức cho cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện hiến máu để tăng thêm nguồn máu dự trữ cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân tại bệnh viện, trong đó có bệnh nhân COVID-19.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 5-8, ông Phù Chí Dũng - giám đốc Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM - cho biết lượng máu tiếp nhận trong 4 ngày qua tại thành phố có chút khả quan. Nếu như 4 ngày trước, tại điểm hiến máu Bệnh viện Truyền máu và huyết học chỉ tiếp nhận khoảng 30 - 50 túi máu/ngày thì đến nay đã tăng lên hơn 100 túi máu/ngày.
Số lượng máu dự trữ chỉ đạt 3.500 túi máu, trong khi túi máu cần có là khoảng 5.000. Trong những ngày tới, nếu không nhận được nguồn hiến máu nhân đạo từ các tình nguyện viên và người dân sẽ chạm đến ngưỡng báo động. "Lượng máu mỗi ngày thu được bằng lượng cấp ra, chứ chưa phục hồi được lượng máu cần dự trữ" - ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu máu cục bộ theo nhóm sẽ xảy ra nếu không kịp thời bổ sung lượng máu dự trữ, đặc biệt là nhóm máu O. "Nhóm máu O quan trọng nhất, có thể dự trữ trong thời gian lâu hơn và cũng thay thế được các nhóm máu khác.
Riêng nhóm máu O Rh- rất hiếm, 10.000 người thì chỉ có 4 người thuộc nhóm máu này. Bệnh viện cũng đã lưu lại danh sách người từng hiến có nhóm máu O Rh- để có người cần mà ngân hàng chưa có nhóm máu này thì kêu họ hiến máu" - bác sĩ Dũng chia sẻ.
Chuyển máu xuyên Việt
1.000 đơn vị máu từ Viện Huyết học và truyền máu trung ương chi viện về đến Bệnh viện Huyết học và truyền máu Cần Thơ - Ảnh: T.LŨY
Mới đây, anh P.Q.C. cầu cứu lên mạng xã hội, cha anh nhóm máu A, bị xơ gan, viêm phổi đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa hiện đang cần rất nhiều máu. Anh C. ở Hà Nội đang giãn cách xã hội không về được với cha.
Một tài khoản mạng xã hội ở Thái Nguyên chia sẻ gia đình có cháu gái 4 tuổi bị ung thư máu, gia đình rất thương cháu nhưng không thể làm gì được, cháu nhóm máu B, đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên và đang cần truyền tiểu cầu...
Chị Svetlana Nguyễn, một người Ukraine sống cùng người chồng Việt Nam ở Hà Nội, cho biết thời gian qua chồng chị bị liệt, bạn bè Việt Nam đã giúp đỡ gia đình rất nhiều.
"Gia đình chúng tôi cũng muốn giúp đỡ Việt Nam trong thời gian phức tạp này. Con trai cả của tôi có nhóm máu hiếm và ngày 5-8, con tôi đã đến hiến máu khi các ngân hàng máu đang thiếu máu nghiêm trọng vì dịch kéo dài" - chị Svetlana nói.
Với những tấm lòng như thế này, ngày 3-8 vừa qua Viện Huyết học và truyền máu trung ương đã thực hiện 40 chuyến xe, vận chuyển gần 3.000 đơn vị máu đến 10 tỉnh thành, đây là số máu kỷ lục được viện cấp trong mùa dịch trong 1 ngày. Trong 10 ngày gần đây, người dân ở Hà Nội, Sơn La, Nam Định, Hưng Yên, Lạng Sơn, Yên Bái đã tặng 11.000 đơn vị máu.
"Lượng máu dự trữ của viện đã có sự cải thiện rõ rệt, chúng tôi đã có thể cung ứng máu cho các tỉnh thành phía Bắc và cung cấp đáp ứng 100% dự trù của các bệnh viện" - ông Bạch Quốc Khánh, viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu trung ương, cho biết.
Nhất là lúc này kho máu Bệnh viện Huyết học và truyền máu Cần Thơ chỉ còn 830 đơn vị, trong đó chỉ có 72 đơn vị nhóm O, chưa kể các bệnh viện tại TP.HCM cũng đang cần máu do giãn cách kéo dài, người đi hiến máu có cả những người đã mắc COVID-19.
Ngày 30-7 đã có 1.000 đơn vị máu được chuyển tới TP.HCM, 1.000 đơn vị chuyển tới Cần Thơ, và ngày 5-8 lại có một chuyến máy bay chở máu tương tự, chở những "giọt máu đào" Hà Nội tiếp sức cho vùng dịch TP.HCM và Cần Thơ. Tất cả cho tuyến đầu để cứu sống những người đang cần máu.
LAN ANH
Cần Thơ sẵn sàng cử đội đến nhận máu hiến
Ngày 5-8, bác sĩ Nguyễn Xuân Việt - giám đốc Bệnh viện Huyết học và truyền máu Cần Thơ - cho biết tình hình dự trữ tại ngân hàng máu bệnh viện đã có trở lại, sau khi nhận chi viện 1.000 đơn vị từ trung ương điều phối về.
Trước đó, nguồn máu tại bệnh viện đã thiếu hụt trầm trọng. Có thời điểm chỉ còn khoảng 600 - 700 đơn vị máu. Theo bác sĩ Việt, bình thường ngân hàng máu phải dự trữ trên 4.000 đơn vị máu các loại, cung cấp cho khoảng 80 bệnh viện trong khu vực ĐBSCL sử dụng.
Bệnh viện Huyết học và truyền máu Cần Thơ đã nhiều lần gửi công văn khẩn đến Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, các sở y tế và các bệnh viện tăng cường chỉ đạo và tuyên truyền các hoạt động hiến máu tình nguyện.
Bệnh viện Huyết học và truyền máu cho biết chỉ cần có nơi nào vận động được 10 - 20 đơn vị máu, bệnh viện vẫn cử đội đến lấy máu, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.
T.LŨY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận