Khách mời trò chuyện với người trẻ về bảo tồn động vật - Ảnh: V.THỦY
"Ở nước ngoài, khi bạn kể ở đây có nhím, có hươu, nai, có gà lôi..., họ sẽ hỏi những con vật đó trông thế nào, sống ở đâu, ăn gì. Còn điều đầu tiên mà nhiều người Việt Nam hỏi là con đó ăn có ngon không".
Đó là một đoạn chia sẻ của Mzung - một cô gái đầy nhiệt huyết với hoạt động bảo tồn động vật hoang dã - tại triển lãm mini mang tên Scream - Tiếng gọi nơi hoang dã tổ chức tại TP.HCM cuối tháng 4.
Đây là những điều họ chia sẻ với nhau: Sudan - con tê giác đực trắng phương bắc cuối cùng trên thế giới đã chết tại khu bảo tồn tại Kenya ngày 20-3, mới đây Việt Nam đã phải công bố hổ đã không còn, hay chuyện một con voi ở vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) đang trong tình trạng khẩn cấp khi bị hoại tử chân, mất 2/3 vòi, ngà...
Và rất nhiều lời cảnh báo cho sự tồn vong của một thế giới hoang dã đã có mặt trên Trái đất trước khi con người hiện diện: tới năm 2020, số lượng loài thú có vú, chim, cá, bò sát và nhiều loài động vật khác sẽ giảm khoảng 2/3.
Tỉ lệ tuyệt chủng hiện tại của động vật nhanh hơn 100 lần so với trung bình. Con số này lớn hơn rất nhiều so với năm cuộc đại tuyệt chủng từng diễn ra trong lịch sử Trái đất. Mỗi ngày có 3-4 con tê giác, 96 con voi bị giết ở châu Phi...
Nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn với rất nhiều dự án bảo tồn động vật đã đặt chân đến hàng loạt vườn quốc gia, khu bảo tồn ở Nam Phi, Kenya..., đạo diễn trẻ Mzung với những thước phim về động vật, về tương tác, kết nối của con người ở cả thành thị lẫn những nơi xung quanh các khu bảo tồn với thế giới động vật và công việc tình nguyện tại nhiều khu bảo tồn trên thế giới, họa sĩ không chuyên Đào Văn Hoàng đã có mặt ở 25 quốc gia, tiếp cận những loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng để vẽ tranh về chúng.
"Săn bắn, buôn bán, sử dụng động vật hoang dã, trong cuộc sống nhiều người đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan. Bởi vì người ta săn bắn, giết chóc động vật ở châu Phi lấy ngà, lấy sừng, lấy lông hay ngâm rượu do có những người dùng, khách hàng tiêu thụ ở Việt Nam, châu Á" - Trang Nguyễn bảo.
Mzung thì chỉ ra rằng có những quan niệm trong văn hóa ăn uống, y học cần phải thay đổi. Người Việt luôn nghĩ đến sự ăn, chọn lựa cho việc ăn khi mà nhiều người cho rằng ăn những con vật trong rừng hay chạy nhảy, ăn cây lá trong rừng thì thịt ngon, nhiều dưỡng chất...
"Nhiều người sẵn sàng đổ tiền ra mua sừng tê, mật gấu, mua trăn, rắn... Thay đổi suy nghĩ đó rất khó. Trong khi đó những người tiên phong ở lĩnh vực bảo tồn còn ít quá bởi công việc của nhà bảo tồn không có gì hào nhoáng, không được người ta khen ngợi..." - Mzung chia sẻ. Cả Trang Nguyễn và Mzung đều có những dự án dành cho trẻ em "để có một thế hệ yêu thương và ý thức bảo vệ thiên nhiên".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận