Quang cảnh diễn đàn Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp sáng 26-4 - Ảnh: Quang Định |
Diễn đàn Chuyển đổi hộ kinh doanh thành nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 26-4 tại TP.HCM.
Theo bà Lan, hiện ở TP.HCM, Hà Nội có những hộ kinh doanh có doanh thu hàng trăm tỉ đồng/năm và số lượng sử dụng hóa đơn gấp nhiều lần doanh nghiệp (DN). Đó chính là đối tượng mà cơ quan thuế nhắm đến trong đợt vận động chuyển đổi thành DN.
Tới đây, cơ quan thuế sẽ áp dụng khai thuế điện tử nhằm tránh tình trạng cá nhân “núp bóng” hộ kinh doanh để lợi dụng như thời gian qua.
Bà Lan cho rằng, hộ kinh doanh không muốn chuyển lên DN có hai nhóm: kinh doanh chân chính ngại lên DN vì sợ thủ tục, nhóm thứ 2 là núp bóng, lợi dụng thuế khoán để xuất hóa đơn bất hợp pháp.
“Tới đây cơ quan thuế sẽ áp dụng quản lý điện tử với hộ kinh doanh khi đó sẽ không còn toàn bộ là khoán theo cách buông lỏng như hiện nay mà sẽ quản lý điện tử, khai điện tử, nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là những hộ kinh doanh lớn”, bà Lan khẳng định.
Theo bà Lan, hiện 1 năm có thêm từ 5.000-6.000 hộ kinh doanh thành lập mới.
Ưu đãi nào cho hộ kinh doanh lên DN?
Tuy cơ quan thuế kỳ vọng như vậy nhưng trao đổi tại hội nghị, nhiều hộ kinh doanh đưa ra rất nhiều băn khoăn khiến họ ngán ngại khi chuyển đổi thành DN. Một DN băn khoăn hồ sơ phải lưu trữ trong vòng bao lâu? Thanh kiểm tra, xử phạt thế nào?
Ông Lê Minh, hộ kinh doanh cá thể quận Tân Bình, băn khoăn khi chi phí chuyển đổi lên doanh nghiệp quá nhiều.
“Cơ quan thuế có thể 'khuyến mãi', giảm nộp thuế trong 3-5 năm để hộ kinh doanh có động lực chuyển đổi không?”, ông Minh đặt câu hỏi.
Ông Huỳnh Tấn Cường, một kinh doanh tại quận Bình Tân cũng nói hộ cá nhân không trốn tránh nhiệm nộp thuế. Ngành thế cần có chính sách ưu đãi thuế cho hộ kinh doanh ít nhất 3 năm để DN có điều kiện để đáp ứng các yêu cầu quản lý.
Về lo lắng của DN về thanh kiểm tra, bà Nguyễn Thị Cúc - hủ tịch Hội tư vấn thuế VN cho biết theo quy định hiện nay DN chỉ bị thanh kiểm tra tối đa 1 năm/lần. Về kiểm tra chồng chéo bà Cúc cho biết hiện Chính phủ đã có Nghị quyết 19 cho các cơ quan sử dụng kết quả của nhau để bớt chồng chéo.
Ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp VN DN nói hiện DN siêu nhỏ đã trở thành trung tâm, thành động lực của nhiều nền kinh tế.
Theo ông Lộc, tình trạng chung chi diễn ra phổ biến hiện nay giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh dẫn đến cán bộ thuế lợi và hộ kinh doanh lợi nhưng nhà nước thiệt.
“Nên đưa ra mức thuế gần với mức thuế mà hiện nay hộ kinh doanh đang nộp, nhưng tất nhiên cao hơn, khi đó nhà nước được lợi vì thu được nhiều hơn, hộ kinh doanh cũng không bị sốc, còn phần của cán bộ thuế không còn nữa”, ông Lộc đề nghị.
Các diễn giả trong phần thảo luận Tháo gỡ những nút thắt về chính sách thuế hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Tiếp tục hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi của hộ kinh doanh
Theo phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ, các ý kiến đặt ra tại diễn đàn cho thấy khá rõ về những ưu điểm khi chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, đó là thêm nhiều cơ hội cho các hộ cá thể nâng vị thế của mình trên thương trường, mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh...
Vấn đề lớn nhất khiến các hộ kinh doanh ngán ngại chưa muốn lên doanh nghiệp là những quy định làm khó cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ chính sách thuế cho đến quản lý thuế, báo cáo tài chính.
Theo ông Chữ, với vai trò là cơ quan truyền thông, báo Tuổi Trẻ sẵn sàng làm cầu nối giữa hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ với cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ nhanh nhất những vướng mắc về mặt thủ tục, cơ chế cũng như chính sách hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi của hộ kinh doanh.
Hoan nghênh nỗ lực của Tuổi Trẻ trong vai trò kết nối, ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp VN (VCCI) cũng cho rằng, thuế, tài chính, chế độ kế toán vẫn là những nút thắt cần được tháo gỡ cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp theo mô hình siêu nhỏ.
Các thành phần kinh tế này, theo ông Lộc, cần có được môi trường kinh doanh an toàn, ít rủi ro, được tôn trọng với chính sách hoạt động đầy thuận lợi, cùng một chi phí thấp nhất để tạo ra được lợi nhuận một cách an toàn.
Ông Lộc cũng đề xuất, cần thúc đẩy dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh, trong đó Nhà nước không nên “giẫm chân”, mà nên chuyển giao các dịch vụ công sang các doanh nghiệp, hiệp hội đang hoạt động trong lĩnh vực này, để thành phần các hộ kinh doanh khi có ý định chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp có thể tiếp cận được một môi trường tư vấn thoải mái, dễ dàng, với chi phí thấp nhất.
“Hộ kinh doanh có vẻ như đang đứng trước 'ngã ba đường', lưỡng lự không biết có nên chuyển đổi lên doanh nghiệp hay không. Điều này, tùy thuộc rất lớn vào những chính sách mà Nhà nước bắt buộc phải thiết kế cho phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của 5 triệu hộ kinh doanh, vốn rất tiềm năng để trở nên lớn mạnh trong tương lai”, ông Lộc nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận