Từ đó, nhiều hộ kinh doanh càng muốn “né” tối đa việc “lên” doanh nghiệp, dù họ có đầy đủ điều kiện để chuyển đổi.
Cao gấp đôi so với ASEAN
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN, nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, hiện hầu như các hộ kinh doanh chưa đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), khi chuyển lên doanh nghiệp phải thực hiện đóng góp các khoản bảo hiểm bắt buộc (BHBB) theo quy định và cũng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2016, tỉ suất thuế và bảo hiểm bắt buộc mà doanh nghiệp VN phải đóng góp lên đến 39,34%, trong đó tỉ suất thuế 14,53%, tỉ suất BHXH rất cao, đến 24,81%.
Bà Cúc cho rằng, BHXH là yếu tố nhân văn, tính đến an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế xã hội của VN còn khó khăn, người lao động chỉ lo có được thu nhập đủ sống trước mắt, nhưng tổng bảo hiểm bắt buộc lên đến 32,5% lương và phụ cấp, trong đó người lao động đóng góp từ tiền lương-tiền công hết 10,5%, phần còn lại do doanh nghiệp “gánh” (gồm BHXH 18%, BHYT 3% và BHTN 1%).
“Nhưng nếu so sánh thì tỉ suất bảo hiểm bắt buộc trên thu nhập của doanh nghiệp VN hiện cao hơn 2 lần so với ASEAN 6, với tỉ lệ 24,8%/11%”, bà Cúc khẳng định.
Còn nếu xét theo tỉ lệ đóng góp thực tế của doanh nghiệp về các khoản đóng góp BHXH, bà Cúc khẳng định “VN cũng là quốc gia cao nhất”, khi VN đóng đến 22% nhưng Malaysia chỉ 13%, Philipines 10%; Indonesia 8% và Thái Lan chỉ 5%.
Chính vì vậy, không thể phủ nhận gánh nặng BHXH đã và đang gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Điều này không chỉ làm tăng chi phí nhân công, góp phần làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tại VN, mà còn làm giảm đi động lực phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là hộ kinh doanh mới chuyển lên doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chồng chất khó khăn
Là một trong những ngành nghề sử dụng lao động nhiều nhất hiện nay, ông Trương Văn Cẩm, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, cho biết các doanh nghiệp dệt may hiện đang rất khó khăn khi vừa phải áp dụng lộ trình tăng lương tối thiểu vùng, vừa đóng BHXH theo quy định mới.
“Nếu không thể giãn lộ trình tăng lương thiểu, thì cũng chưa nên áp dụng thực hiện đóng BHXH theo quy định mới. Đằng này, hai cái khó nhất, tăng nhiều chi phí nhất cho doanh nghiệp lại tiến hành song song cùng lúc”, ông Cẩm bày tỏ.
Vì lẽ đó, Vitas đã từng kiến nghị không sử dụng lương tối thiểu làm căn cứ khởi điểm để xây dựng hệ thống thang, bảng lương và làm căn cứ đóng các khoản bảo hiểm. Còn nếu đã áp dụng lộ trình tăng lương tố thiểu vùng, thì cho doanh nghiệp dệt may quay trở về mức đóng BHXH cũ, chỉ 18% thay vì 22%.
Còn với Luật BHXH 2014 có hiệu lực từ 1-1-2016, quy định mức đóng các khoản kể trên đến hết năm 2017 sẽ căn cứ trên mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động. Từ 1-1-2018 trở đi được sẽ tính trên mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, ông Cẩm ước tính, nếu đóng theo cách tính mới này, chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên thêm khoảng 30% so với hiện nay.
“Điều này sẽ làm cho các doanh nghiệp khó lòng cạnh tranh, nhất là các DN nhỏ và vừa đang trong giai đoạn khởi nghiệp”, ông Cẩm khẳng định.
Đồng quan điểm, ông N.L.V, phó tổng giám đốc Công ty CP giày H.Đ (Bình Dương), cho hay với quy mô 10.000 công nhân, công ty ông ước tính nếu áp dụng mức đóng BHXH dựa trên lương, phụ cấp và khoản bổ sung khác như quy định từ 1-2018 thì chi phí tăng thêm ít nhất vài chục tỉ đồng/năm.
Theo vị này, hiện tại, với mức lương và phụ cấp ghi trên hợp đồng lao động, lương công nhân tại công ty trung bình 5,5-6 triệu đồng/người thì mức BHXH hàng năm doanh nghiệp đóng đã hơn 135 tỉ đồng/năm. Nếu chuyển qua cách tính của năm 2018 thì lương thực tế của người lao động phải ghi để đóng BHXH lên đến hơn 7 triệu đồng/tháng, và doanh nghiệp phải tăng thêm chi phí đóng theo mức mới thêm hơn 54 tỉ đồng/năm.
“Đây là một chi phí vô cùng lớn với doanh nghiệp khi thị trường xuất khẩu lẫn nội địa đều đang hết sức khăn. Nhà mua hàng liên tục đòi giảm giá bán, trong khi chi phí sản xuất đầu vào cứ tăng cao như vậy thì sức đâu doanh nghiệp chịu nổi?”, ông N.L.N âu lo nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận