20/06/2021 13:38 GMT+7

Nhiều người Mỹ thích ở nhà nhận trợ cấp thất nghiệp hơn đi làm

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Tình trạng thiếu người làm trong ngành dịch vụ diễn ra tại hầu khắp các bang ở nước Mỹ. Tờ The Hill cho rằng có một bộ phận người lao động đơn giản là không muốn làm việc.

Nhiều người Mỹ thích ở nhà nhận trợ cấp thất nghiệp hơn đi làm - Ảnh 1.

Bảng tuyển người trước nhà hàng Qdoba ở Louisville, Kentucky, Mỹ ngày 7-6-2021 - Ảnh: REUTERS

Gói cứu trợ được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký vào tháng 3-2021 gia hạn điều khoản thất nghiệp của Đạo luật CARES ban hành năm 2020 dưới thời chính quyền tổng thống Donald Trump đến ngày 6-9-2021.

Ngồi không vẫn có tiền

Trong lần gia hạn này, số tiền hỗ trợ thất nghiệp mỗi tuần của liên bang cho người Mỹ giảm từ 600 USD còn 300 USD, chưa kể trợ cấp của các bang.

Tờ The Hill nhận định các gói cứu trợ được Chính phủ Mỹ thông qua có nguy cơ thổi bùng thâm hụt ngân sách của Mỹ nhưng lại góp phần tạo ra một thế hệ những người lười biếng, thà ngồi nhà xem truyền hình thực tế còn hơn đi làm việc để kiếm tiền.

Tháng 4-2020, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 14,8%, cao nhất kể từ khi dữ liệu này được thu thập năm 1948.

Đến tháng 12-2020, tỉ lệ thất nghiệp giảm chỉ còn 6,7%. Nhưng nay, khi khoảng 53,2% người dân Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin (vaccine) và 44,9% đã tiêm đủ 2 liều, nhiều bang mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, tỉ lệ này là tròm trèm 6%. Rất nhiều người Mỹ không trở lại làm việc.

Đến hết ngày 1-5, mỗi tuần tổng số người thất nghiệp ở Mỹ nhận khoảng 10 tỉ USD tiền trợ cấp thất nghiệp từ chính quyền liên bang. 

Các công ty, đặc biệt là ngành dịch vụ, cho biết họ không tìm đâu ra người. Báo TeenVogue cho biết các biển báo với nội dung "Chúng tôi thiếu người. Vui lòng kiên nhẫn với các nhân viên" nhan nhản ở nhiều nhà hàng.

Áp lực tăng lương tối thiểu

Báo Wall Street Journal ghi nhận thực tế đúng là có nhiều người lao động muốn tiếp tục nhận tiền trợ cấp thất nghiệp nên không đi làm. Tuy nhiên, cũng có người không đi làm vì lý do khác như sợ bị nhiễm COVID-19 và phải trông con do dịch vụ giữ trẻ chưa hoạt động lại.

Tuy nhiên, bài phân tích trên báo New York Times cho rằng quy kết người lao động thích nhận trợ cấp của chính phủ hay lười biếng là kết luận vội vàng và sai lầm.

Đại đa số công việc khó tuyển dụng hiện nay là những công việc được trả lương thấp. Người lao động, hiện đang có nhiều sự lựa chọn, tạm "né" loại việc này dù bên thuê có hứa hẹn những lợi ích đi kèm hấp dẫn.

Công việc trả lương thấp chủ yếu ở lĩnh vực tư nhân, lương dưới 750 USD/tuần, thậm chí có việc dưới 500 USD/tuần do chỉ thuê vài ngày trong tuần. Nếu cộng gộp cả hỗ trợ từ liên bang và bang, một người không có việc làm sẽ nhận được khoảng 750 USD/tuần mà chẳng phải làm gì. Họ không muốn vội trở lại với công việc là rất hợp lẽ.

TeenVogue chỉ ra trong nhiều thập kỷ, lương của các giám đốc thì không ngừng tăng lên nhưng lương của người lao động, công nhân thì giậm chân tại chỗ trong bối cảnh chi phí sinh hoạt trung bình tăng khiến cuộc sống của họ gặp nhiều áp lực.

Đổ lỗi rằng người lao động lười biếng hay thiếu đạo đức thực chất là đang tranh luận lạc đề. Không ai có thể hối thúc họ quay lại những công việc được trả lương thấp, mà chúng ta cần làm cho những công việc này được trả công xứng đáng, đủ hấp dẫn.

Nếu tuyển không được người, có bao nhiêu doanh nghiệp sẵn sàng trả lương hấp dẫn hơn tiền trợ cấp từ chính phủ để người lao động thấy “ham đi làm". Đề xuất tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ của ông Biden hồi đầu năm bị phản đối kịch liệt từ các nhà lập pháp và các doanh nghiệp cho thấy điều này là không hề dễ dàng.

California là bang đầu tiên của Mỹ tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ California là bang đầu tiên của Mỹ tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ

TTO - California sẽ trở thành bang đầu tiên tại Mỹ nâng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ vào năm 2022, sau khi chính quyền địa phương ngày 31-3 thông qua dự luật này.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên