08/05/2022 18:20 GMT+7

Nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã nhích lên từ 0,1 - 0,3%/năm trong những ngày đầu tháng 5. Tín dụng cải thiện khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay.

Nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động để hút vốn. Trong ảnh là biểu lãi suất huy động của Bac A Bank - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Sacombank vừa công bố biểu lãi suất huy động mới, theo đó lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,7%/năm, 6 tháng tăng lên 4,7%/năm. Ở kỳ hạn huy động 12 tháng, lãi suất tăng lên 5,8%/năm, và mức lãi suất huy động cao nhất là 6,3%/năm ở kỳ hạn 36 tháng.

Theo biểu lãi suất áp dụng từ ngày 9-5 tại Ngân hàng Nam Á, mức lãi suất huy động tiền gửi tại quầy kỳ hạn 3 tháng ở mức 3,95%/năm, kỳ hạn 6 và 9 tháng lần lượt ở mức 5,60%/năm và 5,9%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng lãi suất là 6,4%/năm và cao nhất là 6,7%/năm ở kỳ hạn từ 18 đến 23 tháng. 

Các kỳ hạn trên 24 tháng tại Ngân hàng Nam Á lãi suất lại giảm dần, và chỉ còn 5,9%/năm ở kỳ hạn 36 tháng. Ở biểu lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến tại ngân hàng này, dù chưa điều chỉnh nhưng lãi suất cao nhất lên đến 7,4%/năm ở các kỳ hạn từ 16 đến 36 tháng.

SHB cũng tăng mạnh lãi suất huy động thêm khoảng 0,2-0,4%/năm. Với kỳ hạn 36 tháng khi gửi tại quầy, lãi suất tăng 0,4%/năm lên 6,5-6,6%/năm. Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động của SHB tăng từ 5,7-5,8%/năm lên 6,1-6,2%/năm. 

Đối với hình thức gửi online, lãi suất cũng tăng khá mạnh.

Trước đó, Eximbank đã tăng lãi suất tiền gửi online lên cao nhất 6,5%/năm, tăng khoảng 0,2%/năm so với trước, áp dụng cho khách hàng gửi từ 15 tháng trở lên.

Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) cũng vừa tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất là 7%/năm ở kỳ hạn 24 tháng theo hình thức trực tuyến. Nếu gửi tại quầy, mức lãi suất ở kỳ hạn 24 tháng chỉ 6,8%/năm.

Giữa tháng 4, VPBank từng tăng lãi suất huy động thêm từ 0,3-0,6%/năm. ABBank cũng tăng lãi thêm 0,4-0,5%/năm cho các kỳ 6, 9 và 12 tháng.

Có nhiều lý do khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động. Theo phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect, lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp lịch sử do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc. Đồng thời, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm nay và sự cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn.

VnDirect kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,3-0,5% năm nay. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022, nhưng mức này vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, những tháng đầu năm nay, huy động vốn đang tăng chậm hơn cho vay. Tính đến cuối tháng 4-2022, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt trên 3 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối năm ngoái. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua.

Tuy nhiên, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chỉ ước tăng 2,74% so với cuối năm 2021, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tín dụng cải thiện khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay, do vậy lãi suất huy động đã nhích lên.

FED tăng lãi suất để chống lạm phát kỷ lục tại Mỹ FED tăng lãi suất để chống lạm phát kỷ lục tại Mỹ

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng phạm vi lãi suất cơ bản, triển khai lần đầu tiên trong số những biện pháp có thể về một loạt đợt tăng lãi suất nhằm chống lại lạm phát.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên