09/04/2020 12:26 GMT+7

Nhiều lý do không nên tổ chức thi THPT quốc gia

HOÀNG CHƯƠNG - THANH TUẤN - THÁI HOÀNG
HOÀNG CHƯƠNG - THANH TUẤN - THÁI HOÀNG

TTO - Bạn đọc là giáo viên, lãnh đạo nhà trường đã gởi đến Tuổi Trẻ Online phân tích nhiều lý do không nên tổ chức thi THPT quốc gia năm nay.

Nhiều lý do không nên tổ chức thi THPT quốc gia - Ảnh 1.

Thí sinh TP.HCM dự thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG (LÂM ĐỒNG):

Tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT không tổ chức thi THPT quốc gia 2020 vì những lý do sau:

Bài toán thời gian: Diễn biến dịch bệnh phức tạp hiện nay chưa nói trước được khi nào học sinh trở lại trường. Khi ấy tiếp tục dời tổ chức thi THPT quốc gia được không? Khai trường năm học 2020 – 2021 tính làm sao, bồi dưỡng giáo viên, tuyển sinh, đánh giá công chức – viên chức, tu sửa cơ sở vật chất và nhiều công việc khác nữa?

Dạy học từ xa: Hiện nay nhiều trường thực hiện dạy học từ xa hoặc phát tài liệu hướng dẫn học tập cho học sinh. Qua thực tế, mặt tích cực có giúp các em không bị dừng học. Còn chất lượng ra sao? Kỹ năng của thầy cô, thiết bị bổ trợ, thói quen dạy - học, tính tự giác, sự phối hợp của phụ huynh, công tác quản lý chỉ ở mức…tập dượt là chủ yếu. 

Phương tiện để dạy học trực tuyến, nhà trường cùng thầy trò tự lo. Có thầy có, có cô không; học sinh này được phụ huynh trang bị, học sinh kia chờ…Chông chênh như thế, lúc trở lại trường, ôn dăm tiết rồi kiểm tra định kỳ – chỉ là đối phó, hình thức, vô hình trung tạo áp lực.  

Cồng kềnh, tốn kém: Khoảng một triệu thí sinh, bình quân mỗi học sinh đi thi, phụ huynh tốn 200.000 đồng, vị chi là mất 200 tỷ đồng. Ngần ấy thí sinh cần khoảng 42.000 phòng thi. Cán bộ coi thi, giám sát, lãnh đạo điểm thi, thanh tra…ra quân rầm rộ; công tác phí, chi trả cho thực hiện nghiệp vụ thi ngót nghét 200 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến việc ra đề, sao in, vận chuyển đề thi, rất tốn kém. 

Hậu COVID-19, chúng ta đương đầu với khó khăn, ngân sách eo hẹp, thu nhập gia đình giảm. Không tổ chức thi THPT quốc gia, ngân sách quốc gia và mỗi gia đình được tiết kiệm, phục vụ cho các công việc khác cần kíp hơn.

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

Thầy trò cùng khó: Thầy cô, học sinh lúc trở lại dạy – học, cần thời gian khởi động. Có ý kiến đi học lại thì tổ chức học bù, học thứ bảy, chủ nhật, tôi cho không khả thi. Thầy cô khó nhưng vì học sinh có thể sắp xếp việc riêng để lên lớp, còn việc học của các em không thể dồn ép. Các em cần có thời gian học hợp lý để tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng, các kỹ năng sống khác và cả nghỉ ngơi, giải trí. Không tổ chức thi THPT quốc gia, 50% học sinh tập trung vào tổ hợp môn xét tuyển vào đại học, thời gian này các em tập trung cho việc đó và tiếp sau, tốt cho các em.

Nhiều lý do không nên tổ chức thi THPT quốc gia - Ảnh 3.

Thí sinh dự THPT quốc gia 2019 - Ảnh: DUYÊN PHAN

*Giáo viên TRẦM THANH TUẤN (Trường THPT Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh):

Chưa biết khi nào học sinh trở lại trường 

Tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp cả trong nước và thế giới. Chưa ai có thể ấn định được thời gian chính xác học sinh có thể trở lại trường học mà quỹ thời gian của năm học hiện tại đang cạn dần. Vậy nên nếu Bộ Giáo dục và đào tạo vẫn cương quyết giữ kỳ thi THPT quốc gia năm nay (Bởi đây là quy định trong Luật giáo dục) thì bộ cần phải tính toán đến những vấn đề sau:

- Thứ nhất, thời gian học của học sinh lớp 12 không đồng đều ở các tỉnh thành. Bởi trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra thực tế không phải địa phương nào cũng cho học sinh 12 nghỉ học hẳn từ sau Tết Nguyên đán. Do đó, sẽ không có sự công bằng khi học sinh phải thi chung một đề thi mà thời gian học tập lại không đồng đều.

- Thứ hai, dẫu đã có sự tinh giản chương trình nhưng khối 12, kiến thức thuộc về học kỳ hai vẫn còn khá nhiều. Học sinh 12 của những năm học trước, để đáp ứng kỳ thi quốc gia các em thường phải "chạy nước rút" cho hết chương trình để tiến hành ôn tập. Thế nhưng trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp như thế này, các trường học có dám "tăng tiết" giúp học sinh ôn tập như mọi năm hay không?

- Thứ ba, dẫu biết rằng việc chỉ đạo học trực tuyến đã được thông suốt từ trung ương đến địa phương nhưng thực tế giảng dạy của giáo viên và tình hình học tập của học sinh lại không diễn ra như kỳ vọng. Bởi cơ sở hạ tầng và điều kiện học tập của mỗi vùng khác nhau. 

Trình độ tiếp cận hình thức dạy học trực tuyến của giáo viên và học sinh cũng khác nhau. Thế nên dạy học trực tuyến hiện tại chỉ có thể xem là giải pháp tình thế chứ chưa thể thay thế hình thức dạy học truyền thống được.

Giáo viên TRẦM THANH TUẤN

*Giáo viên Thái Hoàng (TP.HCM)

Nên xét tốt nghiệp THPT

Việc tinh giản chương trình học kỳ II các cấp học và đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã được Bộ GD-ĐT công bố giúp nhà trường, phụ huynh và học sinh yên tâm phần nào.

Thế nhưng diễn biến của dịch diễn biến phức tạp và chưa biết thời gian nào học sinh mới trở lại trường nhập học. Việc học trực tuyến đối với học sinh nói chung và học sinh lớp 12 nói riêng đã thực hiện vài tháng nay nhưng hiệu quả không đồng đều ở các địa phương, chất lượng cũng hạn chế rất nhiều so với học tập trung tại trường ...

Bộ GD-ĐT quyết định kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ được tổ chức như năm 2019 và có những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh của dịch COVID-19 (đã giảm tải chương trình, định hướng tổ chức dạy học và ôn tập...). Tuy nhiên, việc tổ chức kỳ thi này trong những năm qua cho thấy mất nhiều hơn được. Vì thế, việc tạm thay bằng hình thức thi bằng xét tốt nghiệp.

Thăm dò ý kiến

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19, có ý kiến đề xuất bỏ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Có thể bỏ kỳ thi THPT quốc gia do dịch bệnh? Có thể bỏ kỳ thi THPT quốc gia do dịch bệnh?

TTO - Một số ý kiến của các nhà giáo dục cho rằng với tình hình dịch COVID-19 khó lường hiện nay, Bộ Giáo dục - đào tạo phải tính đến phương án xấu nhất là bỏ kỳ thi THPT quốc gia.

HOÀNG CHƯƠNG - THANH TUẤN - THÁI HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên