24/11/2013 07:30 GMT+7

Nhiều lần bụng to rồi xẹp

TRẦN NGHĨA
TRẦN NGHĨA

TT - Từ đầu năm đến nay, tôi đã hai lần nhập viện chuyên khoa để điều trị bệnh xơ gan với chi phí trên 100 triệu đồng, trong đó lần mới đây nhất ra viện đã gần bốn tháng.

eXMQIcbS.jpgPhóng to

Từng mắc bệnh ngoài da mãn tính, thuốc thang liên miên đã trên chục năm, mắt có hiện tượng hơi vàng, nhiều năm gần đây tôi thường đến một bệnh viện đa khoa gần nhà (theo bảo hiểm y tế) để khám tổng quát mỗi năm một, hai lần nhằm đề phòng “phản ứng phụ” của các loại thuốc đã qua sử dụng.

Ám ảnh xơ gan cổ trướng

Tháng 5-2012, bác sĩ nơi đây kết luận sức khỏe tôi rất bình thường, gan vẫn “bờ đều và bóng” nên tôi yên tâm lao theo công việc. Không ngờ lần đi Đắk Lắk cận Tết Quý Tỵ, triệu chứng đau bụng lâm râm từ mấy tháng trước bỗng chuyển thành đau dữ dội, phải đi cấp cứu. Các bác sĩ ở một bệnh viện tại Buôn Ma Thuột kết luận nguyên nhân đau bao tử là do tôi bị xơ gan. Thấy không yên lòng, về TP.HCM tôi liền đến nơi quen thuộc của mình để kiểm tra lại thì lập tức được yêu cầu nhập viện. Nằm viện qua tuần thứ hai, thấy đã “tạm ổn”, bác sĩ trực tiếp điều trị cho tôi ra viện để về ăn tết kèm theo mỗi ngày ba liều thuốc Tây uống trong hai tuần.

Ăn tết chưa đến một tuần thì bệnh xơ gan bắt đầu giở chứng. Không rõ lý do nhưng kết quả điều trị lần nhập viện tiếp theo không hề cải thiện phần nào sức khỏe cho tôi mà lại kém đi, bụng to quá mức. Tôi xin về và chỉ mấy ngày sau, tôi tìm gặp một thầy thuốc đông y vốn rất nổi tiếng về tài điều trị bệnh gan. Được chỉ dẫn uống thuốc chống đau bao tử, thuốc lợi tiểu, thuốc sắc... từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 4-2013, tôi thấy bụng mình nhỏ lại, chạy xe dễ dàng. Theo lương y này, ngoài bia, rượu, chẳng cần kiêng cữ gì nên tôi chỉ thuốc thang đều đặn, còn ăn uống thì không “cảnh giác”. Có lẽ vì vậy, ngoài bụng bớt to ra nhờ mỗi ngày hai viên lợi tiểu, tôi vẫn thường bị sốt, ngủ nhiều cả ngày lẫn đêm và rất khổ sở vì đau bao tử, phải vào bệnh viện đa khoa nói trên thêm lần thứ ba vào cuối tháng 4. Tuy vậy, bảy ngày sau khi bác sĩ nội soi có kết luận sung huyết bao tử, các cơn đau quặn thắt trước đó được điều trị giảm dần thì bụng lại trướng nước lên đến mức khó thở khiến tôi quyết định tìm nơi điều trị chuyên khoa.

Thử dùng vì viện phí cao

Phải nói nơi tôi điều trị chuyên khoa hai lần vừa qua là một bệnh viện không lớn nhưng bác sĩ có người rất giỏi. Ngoài mỗi ngày một thang thuốc nam, một số thuốc Tây đặc trị cần thiết như thuốc chống xuất huyết bao tử, sát trùng ổ bụng, lợi tiểu, các bác sĩ còn yêu cầu truyền mỗi ngày hai chai albumin (huyết tương), một chai Morihepamin (đạm chống suy gan)... Chỉ 10 ngày sau, tôi xả ra được tổng cộng trên 30 lít nước tiểu (3 lít/ngày), bụng dần dần xẹp và đến ngày thứ 19 thì khá khỏe khoắn, được cho về nhà.

Dù đã ăn uống như bác sĩ tại đây hướng dẫn, thuốc men đều đặn, nhưng chưa đầy hai tháng sau đó, tôi buộc phải quay lại chỗ vừa được cho về vì bị bí tiểu, sốt nhiều, ngủ liên miên, bụng dần to. Với các loại thuốc lẫn dịch truyền như trước, cộng thêm các thuốc khác..., sau 21 ngày tôi lại khỏe khoắn, bụng xẹp và được ra viện nhưng đầy lo lắng. Vì ngán thuốc, tôi tìm đọc một số sách liên quan và gặp được một cuốn chuyên hướng dẫn ăn gạo lứt muối mè theo phương pháp dưỡng sinh của Ohsawa (Nhật Bản) để chữa bệnh gan các loại. Tuy không tin lắm (do phải kiêng tuyệt đối đường, sữa, thức ăn động vật...) nhưng nghĩ đến viện phí đã trả của mình có ngày đến 3,2 triệu đồng nên tôi bắt đầu thử dùng.

Tuy không tuân thủ tuyệt đối như được hướng dẫn (chỉ kiêng đường sữa, thức ăn động vật), nhưng dùng được một tháng tôi thấy bụng nhỏ gọn, đầu óc tỉnh táo, làm việc trở lại gần như bình thường.

Lạm dụng sẽ gây suy dinh dưỡng

Xơ gan có thể dẫn đến nhiều biến chứng như tràn dịch ổ bụng, hạ đường huyết, hôn mê, rối loạn đông máu, giảm tiết dịch mật, xuất huyết tiêu hóa và ung thư.

Người bệnh cần ăn chế độ cân đối và đầy đủ dưỡng chất, bao gồm: trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đạm thích hợp và với số lượng hợp lý. Cần hạn chế chất béo vì khả năng tiết mật của gan bị suy giảm, nên ăn nhiều chất béo có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Nên dùng chất béo từ các loại hạt, trái bơ, cá và dầu thực vật, tránh dùng mỡ động vật. Không được uống rượu bia vì chất cồn sẽ làm tổn thương gan. Tùy theo biến chứng xuất hiện mà điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp. Ba biến chứng tương đối phổ biến là cổ trướng, hạ đường huyết và bệnh não.

Tràn dịch ổ bụng hay cổ trướng là sự tích lũy một lượng lớn chất dịch trong ổ bụng do tăng áp lực tĩnh mạch cửa và giảm albumin máu, bị trầm trọng hơn nếu chế độ ăn có nhiều muối. Vì vậy các bác sĩ thường yêu cầu một chế độ ăn uống ít muối nghiêm ngặt đối với xơ gan cổ trướng.

Hạ đường huyết có thể xảy ra ở người xơ gan vì gan mất khả năng dự trữ chất đường dạng glycogen để làm năng lượng. Phòng ngừa hạ đường huyết bằng cách chia ra nhiều bữa ăn nhỏ, nên chọn ăn loại carbohydrate phức như các loại ngũ cốc nguyên hạt, mì và gạo. Gạo lứt tốt hơn gạo chà xát vì giúp đường huyết ổn định và có nhiều dưỡng chất hơn.

Bệnh não do gan, vì gan bị suy nên không thể xử lý được chất đạm một cách bình thường. Chất đạm được cung cấp từ chế độ ăn uống trong sản phẩm động vật như thịt và trứng, và từ thực vật như các loại đậu. Khi ăn quá nhiều chất đạm, một biến chứng nghiêm trọng gọi là bệnh não do gan có thể xảy ra do tăng ammoniac máu. Ammoniac là sản phẩm phụ từ quá trình chuyển hóa chất đạm, rất độc đối với não và gây hôn mê. Hôn mê gan là tình trạng nguy hiểm, đe dọa tính mạng ở người xơ gan, có thể phòng ngừa được bằng cách ăn hạn chế chất đạm, chỉ nên dùng một lượng nhỏ chất đạm nguồn gốc từ thực vật.

Thành phần của gạo lứt gồm có: chất bột; chất đạm; chất béo; chất xơ cùng các vitamin B1, B2, B3, B6; các acid như pantotenic, para-aminobenzoic; canxi, sắt, magiê, selen, glutathion, kali và natri... Mè (vừng) chứa nhiều vitamin H, E, K, tiền vitamin A, các chất photpho, chất béo chưa bão hòa.

Selen có khả năng ngăn ngừa mầm ung thư, glutathion phòng nhiễm bụi phóng xạ. Acid pantotenic giúp tăng chức năng của vỏ não, chống viêm da, u bướu ác tính.

Khoa học ngày nay đã chứng minh việc ăn ngũ cốc nguyên hạt là tốt cho sức khỏe, trong đó có gạo lứt. Còn các loại acid béo chưa no có trong mè có tác dụng phòng ngừa bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, việc ăn nhiều muối là không tốt cho sức khỏe, nhất là những người bị tăng huyết áp, người bị phù do bệnh lý tim, gan và thận.

Gạo lứt muối mè chỉ có thể xem là thực phẩm chức năng tốt cho một vài khía cạnh sức khỏe chứ không có tính năng chữa bệnh vì không phải là thuốc. Việc lạm dụng chế độ ăn toàn gạo lứt muối mè trong thời gian dài sẽ dẫn đến rối loạn dinh dưỡng.

BS.CK1 NGUYỄN THANH HẢI (Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương)

TRẦN NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên