08/04/2025 17:11 GMT+7

Nhiều 'hố tử thần' xuất hiện ở Thái Lan sau động đất Myanmar

Sáu 'hố tử thần' xuất hiện ở tỉnh Mae Hong Son, Thái Lan sau trận động đất mạnh 7,7 độ ở Myanmar vừa qua. Tính đến nay, gần 100 dư chấn đã được ghi nhận sau động đất.

myanmar - Ảnh 1.

Nhiều 'hố tử thần' được phát hiện ở tỉnh Mae Hong Son, Thái Lan do dư chấn của trận động đất kinh hoàng ở Myanmar ngày 28-3 - Ảnh: THE NATION

Theo tờ Nation ngày 8-4, dư chấn động đất ở Myanmar khiến sáu “hố tử thần” xuất hiện ở tỉnh Mae Hong Son, Thái Lan.

Các hố này được phát hiện trong thời gian từ ngày 29 đến 30-3, có đường kính dao động từ 2m đến 30m và vẫn đang tiếp tục lún sâu.

Khuyến cáo dân tránh xa “hố tử thần”

Theo Văn phòng Tài nguyên Khoáng sản khu vực 1, các “hố tử thần” này nằm dọc theo đứt gãy đang hoạt động ở Mae Hong Son theo hướng bắc - nam.

Đất trong hố là đất sét pha cát khiến nước đọng có màu đục. Miệng hố hình nón cho thấy các lớp đất đã sụp xuống các khoảng trống ngầm bên dưới.

Nguyên nhân được xác định là do rung chấn từ động đất Myanmar vừa qua gây ra, khiến mực nước ngầm biến động mạnh, gây thay đổi áp suất trong lòng đất và làm xói mòn lớp đất.

myanmar - Ảnh 2.
myanmar - Ảnh 3.

Nhiều "hố tử thần" được phát hiện ở tỉnh Mae Hong Son, Thái Lan do dư chấn của trận động đất kinh hoàng ở Myanmar ngày 28-3 - Ảnh: THE NATION

Khi các khoảng trống mở rộng và phần mái của chúng trở nên mỏng đi, không còn đủ sức chống đỡ trọng lượng đất phía trên, phần mái đã sụp đổ và hình thành hố sụt.

Các quan chức địa phương cùng Thống đốc Ekwit Meepian đã khảo sát các hố sụt và đưa ra các khuyến nghị an toàn cho người dân, bao gồm rào chắn lại khu vực và lắp biển cảnh báo. Người dân địa phương cũng sẽ được tuyên truyền về nguyên nhân và cách phòng tránh.

Cũng trong ngày 8-4, Cục Khí tượng và Thủy văn Myanmar công bố báo cáo cho biết có 98 dư chấn đã xảy ra ở nước này kể từ trận động đất 7,7 độ ngày 28-3. Các dư chấn có độ lớn dao động từ 2,8 đến 7,5.

Chính quyền quân sự Myanmar bị tố cản trở viện trợ quốc tế

Hiện cộng đồng quốc tế đang nỗ lực hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả sau động đất. Tuy nhiên, theo tờ The New York Times ngày 7-4, công tác cứu trợ của các tổ chức quốc tế gặp nhiều rào cản do chính quyền quân sự nước này kiểm soát chặt chẽ và thiếu năng lực trong việc điều phối cứu trợ, trong khi hàng ngàn người dân tuyệt vọng chờ viện trợ.

myanmar - Ảnh 4.

Người dân xếp hàng chờ nhận lương thực tại một điểm phân phát ở Sagaing, Myanmar, ngày 3-4. Các tổ chức cứu trợ đổ lỗi cho chính quyền quân sự Myanmar chậm trễ trong việc đưa viện trợ đến tay những người sống sót sau động đất - Ảnh: AFP

Trước đó, chính quyền quân sự Myanmar khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ khi kêu gọi viện trợ và tuyên bố lệnh ngừng bắn tạm thời với các lực lượng nổi dậy trong nước. Tuy nhiên, các tình nguyện viên quốc tế nói họ bị cản trở khi bị giữ lại tại sân bay hoặc chặn lại tại các trạm kiểm soát.

Đơn cử trường hợp của một nhóm người Pháp mang theo thiết bị dò tìm người sống sót, họ bị giữ hơn một ngày tại sân bay Yangon. Họ sau đó được phép vào Myanmar, nhưng một ngày sau, chính quyền tuyên bố kết thúc chiến dịch tìm kiếm cứu nạn, khiến họ trở về mà không tìm thấy người sống sót nào.

Lý do chính khiến viện trợ bị đình trệ là do chính quyền quân sự yêu cầu tất cả hoạt động hỗ trợ phải do họ kiểm soát. Ngoài ra, bất chấp tuyên bố ngừng bắn, quân đội vẫn tiến hành không kích các khu vực nổi dậy, thậm chí nổ súng cảnh cáo đoàn cứu trợ.

Người dân Myanmar, vốn đã quá quen với các chế độ độc tài quân sự, vẫn cố gắng giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi lan rộng, khiến nhiều người e ngại hỗ trợ vì sợ bị bắt.

“Chúng tôi muốn giúp nhiều hơn, nhưng nỗi sợ đang níu chân chúng tôi”, anh Phoe Thar, tình nguyện viên địa phương ở Mandalay, chia sẻ. Anh nói mình đã làm ít việc vào ban đêm hơn sau khi nghe tin một người quen bị ép nhập ngũ.

Tổ chức nhân quyền Equality Myanmar cho biết họ đã ghi nhận gần 100 trường hợp cưỡng bức nhập ngũ kể từ sau trận động đất, cho rằng quân đội đang lợi dụng thảm họa này để tuyển thêm binh lính.

Trận động đất kinh hoàng ngày 28-3 đã tàn phá Myanmar, khiến hàng loạt công trình sụp đổ. Chính quyền nước này thông báo số người thiệt mạng đã vượt quá 3.600 người, nhưng các tờ báo địa phương, dựa trên nguồn tin riêng, cho biết con số thực tế có thể lên tới 5.330 người thiệt mạng và 7.108 người bị thương.

Chính quyền quân sự Myanmar cản trở viện trợ quốc tế - Ảnh 3.Đoàn công tác Bộ Công an kết thúc nhiệm vụ tại Myanmar, chuẩn bị về nước

Sau khoảng 1 tuần thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar, đoàn đã độc lập đưa được 7 thi thể nạn nhân bị mắc kẹt trong các tòa nhà bị đổ sập để bàn giao cho gia đình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên