Nhiều điểm mới đáng chú ý sẽ được áp dụng trong năm 2018 - Ảnh: TTXVN
Quy định "điểm sàn" cho ngành sư phạm
Không còn điểm sàn xét tuyển đại học, nhưng để nâng cao chất lượng đầu vào và đảm bảo chất lượng giáo dục, từ năm 2018, Bộ GD-ĐT sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) riêng đối với các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên. Và mức này dự kiến sẽ cao hơn điểm sàn chung.
Bộ GD-ĐT cũng sẽ rà soát, quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm; đổi mới phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với nhóm/ngành đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường. Theo đó, các trường có chất lượng cao, uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên.
Bộ cũng triển khai các giải pháp khác để nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp, bậc học. Đồng thời, nhiều chính sách đãi ngộ cũng sẽ được thực hiện đối với đội ngũ nhà giáo và những người học ngành sư phạm để tạo động lực và thu hút nhân tài hơn cho ngành này.
Bỏ "cấm thi" vào lớp 6
Từ năm học 2018 - 2019, các trường sẽ được phép thi tuyển, dựa vào học bạ và kết quả học tập các năm của học sinh.
Quy định này dự định thay thế quy định trước đó, trong Chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học năm 2014, Bộ GD-ĐT quy định các trường không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6 dưới mọi hình thức.
Theo đó, năm 2018, các trường có thể tổ chức những bài kiểm tra đánh giá năng lực bằng tiếng Anh và tự luận để việc xét tuyển dễ dàng hơn, tránh tình trạng đau đầu khi phải chọn lựa quá nhiều hồ sơ giống nhau.
Quy định mới này được nhận định sẽ tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh chất lượng và công bằng hơn.
Đây là một phương án tích cực và cũng phù hợp với việc tinh giảm các cuộc thi trước đó của Bộ GD-ĐT. Việc này sẽ giảm tải áp lực học hành cho học sinh và trả lại cho các em những mùa hè đúng nghĩa khi không phải lao vào luyện thi từ tấm bé. Chắc chắn giảm được áp lực luyện các cuộc thi, chuyện chạy giấy khen, chứng chỉ.
Qua đây, các trường được tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực học sinh là phù hợp.
Tuy vậy, nhiều trường lại rơi vào thế bí khi rất nhiều hồ sơ đẹp toàn diện mà chỉ tiêu tuyển sinh lại rất ít. Cùng với đó, các trường "điểm" tuyển sinh đầu cấp được dự báo sẽ có lượng hồ sơ đăng ký đầu vào cao hơn nhiều so với những năm trước và có thể tái diễn chuyện ôn thi, luyện thi.
Chốt phương án thi THPT quốc gia
Bộ GD-ĐT đã chốt phương án thi THPT quốc gia năm 2018. Theo đó, lộ trình tổ chức tuyển sinh vẫn giữ ổn định như năm 2017 nhưng cũng có một số đổi mới là cho phép học sinh thi trên máy thay vì làm bài thi trên giấy.
Một điểm mới nữa là đề thi của thí sinh sẽ không còn chỉ nằm trong chương trình lớp 12 mà có cả lớp 11.
Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ gồm 5 môn thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Trong đó, 3 bài thi là bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội.
Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn một trong các thứ tiếng là Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật.
Đối với hệ giáo dục thường xuyên sẽ phải trải qua 2 bài thi bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn và một bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận