06/05/2021 08:00 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chen chân vào siêu thị

HOÀI AN
HOÀI AN

Chinh phục được khâu kiểm duyệt gắt gao, nhiều doanh nghiệp Việt vừa và nhỏ đã chen được chân vào buôn bán rộn ràng trong siêu thị Co.opmart, đặt sản phẩm kế bên các mặt hàng của doanh nghiệp lớn, thương hiệu toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chen chân vào siêu thị - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đưa được hàng vào bán tại siêu thị Co.opmart - Ảnh: HOÀI AN

Với quy mô hơn 100 siêu thị trải dài trên mọi miền đất nước, có tới 1 triệu lượt khách hàng mua sắm mỗi ngày, chưa kể vào ngày lễ con số này còn tăng gấp đôi, vì vậy đưa sản phẩm vào siêu thị Co.opmart là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nỗ lực để được vào bán trong siêu thị

Trở thành nơi mua sắm quen thuộc của hàng triệu người Việt, hiện nay Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) - đơn vị chủ quản của chuỗi siêu thị Co.opmart đang làm việc với hơn 2.000 nhà cung cấp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau để mang đến các sản phẩm chất lượng, an toàn, đa dạng, bán với giá cả hấp dẫn.

Trong đó có khoảng 300 nhà cung cấp địa phương được phát triển thông qua chương trình kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh/thành, đặc biệt không ít doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa cũng được gia nhập.

Nhớ lại khoảng thời gian gần 5 năm trước, chị Trần Thanh Ngân - Giám đốc Công ty TNHH TMDV Văn Phong Phú - không thể nào quên cảm giác vừa hạnh phúc vừa tự hào khi cuối cùng cũng đưa được sản phẩm "Giá đậu xanh Hạnh Phúc" vào bán trong siêu thị Co.opmart.

Thời điểm đó trong khi mọi người thường đặt giá đỗ vào rổ để bán thì công ty chị lại đóng vào gói, vừa mới lạ vừa tiện lợi. Sau khi lên website của siêu thị Co.opmart, chị quyết định mạnh dạn gửi hồ sơ chào hàng đến siêu thị. Vì giá đỗ này được sản xuất bằng phương pháp truyền thống kết hợp dây chuyền công nghệ hiện đại khép kín, sử dụng phân vi sinh, sạch, an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, nên dù trải qua nhiều quy trình kiểm định chặt chẽ thì sản phẩm vẫn vượt qua và được duyệt bán.

Ban đầu chỉ bán giá đỗ, đến nay mỗi ngày công ty chị cung cấp cho siêu thị khoảng 400kg nông sản gồm giá đỗ, cải xanh, đậu cove...

"Co.opmart là hệ thống siêu thị lớn, đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe trong quá trình kiểm duyệt, nên khi sản phẩm được bán trong đó rồi thì sẽ giúp khẳng định thương hiệu, sau này làm việc với các đối tác khác cũng dễ hơn. Đưa hàng vào siêu thị sẽ giúp ổn định đầu ra, giúp doanh nghiệp dám sản xuất, mạnh dạn đầu tư chi phí đất đai, vườn ươm...", chị Ngân chia sẻ và nhận định siêu thị đang trở thành kênh bán hàng chủ lực của công ty.

Hiện nay bước vào siêu thị không khó bắt gặp hình ảnh sản phẩm doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng cạnh tranh công bằng trên kệ hàng với các doanh nghiệp lớn. Chẳng hạn trên kệ gia vị, đứng kế nước mắm Nam Ngư/Chinsu của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (doanh nghiệp có vốn điều lệ gần 7.268 tỉ đồng), là hàng loạt sản phẩm đến từ các thương hiệu khác như nước mắm cốt nhỉ truyền thống Hồng Hạnh, nước mắm Phú Quốc Ông Kỳ, nước mắm cá cơm nhỉ Hưng Thịnh...

Sản phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ đang góp phần tạo sự đa dạng và giúp siêu thị trở nên thân thuộc, gần gũi. Từ trái cây, rau xanh, gạo, các loại nước uống đậm vị quê hương như nước mủ trôm nha đam, sữa bắp, xoài chua ngọt, mắm cà pháo... đến quần áo, giày dép, chăn ga, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm... đều có sự gia nhập của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Muốn vào siêu thị, đầu tiên sản phẩm phải chất lượng

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chen chân vào siêu thị - Ảnh 2.

Đưa được hàng vào bán tại siêu thị Co.opmart giúp nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển kinh doanh và khẳng định thương hiệu - Ảnh: HOÀI AN

Thực tế để được vào các hệ thống Saigon Co.op, đặc biệt là vào hệ thống siêu thị Co.opmart, hàng hóa cần phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn gắt gao.

Bà Hồ Thị Hồng Đào - Phó giám đốc Marketing Saigon Co.op - cho biết điều quan trọng nhất là doanh nghiệp cần có sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Đối với sản phẩm nông nghiệp, nhà bán lẻ này đòi hỏi các nhà cung cấp phải bảo đảm quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và công nghệ xử lý sau thu hoạch để có sản phẩm đạt chất lượng tốt, có giá trị dinh dưỡng cao và tốt cho sức khỏe.

Saigon Co.op luôn chào đón những sản phẩm Việt có chất lượng tốt nhất, từ đó đưa hàng Việt đi khắp mọi miền đất nước cũng như phục vụ xuất khẩu. Chính sách thu mua của Saigon Co.op luôn đặt yêu cầu chất lượng lên hàng đầu, còn yếu tố giá thì linh động điều chỉnh phù hợp theo từng thời điểm để nhà cung cấp không bị thiệt.

Ông Đỗ Quốc Huy (Giám đốc Kinh doanh Saigon Co.op)


An toàn vệ sinh là điều rất được chú trọng đối với ngành hàng thực phẩm, đồ uống. Vì vậy tất cả sản phẩm kinh doanh tại các điểm bán thuộc Saigon Co.op được kiểm tra an toàn thực phẩm định kỳ hoặc đột xuất từ nguồn nguyên liệu sản xuất trước khi giao hàng đến siêu thị, người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nhà cung cấp cũng cần cải tiến bao bì mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Giá cả cạnh tranh cũng là điều cần được lưu tâm.

Song song đó, Saigon Co.op còn triển khai nhiều chương trình để hỗ trợ các nhà cung cấp đạt được các tiêu chí đặt ra, thúc đẩy quá trình đưa hàng hóa vào siêu thị nhanh hơn.

Nhiều năm qua, nhà bán lẻ này cũng tăng cường các chính sách hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp sản xuất hàng tại Việt Nam như ưu tiên chính sách mua hàng, diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mãi...

Theo tìm hiểu, hàng Việt được phân phối tại các hệ thống của Saigon Co.op đạt tỉ lệ hơn 90%, bình quân mỗi tháng đưa 1.700 mặt hàng mới lên kệ. Riêng Co.opmart mỗi ngày đang kinh doanh hơn 30.000 mặt hàng, giúp hàng ngàn nhà cung cấp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ ăn nên làm ra.

Siêu thị "đỡ đầu" nhà cung cấp vay vốn

Liên minh ba bên gồm Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) - Báo Sài Gòn Giải Phóng và Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) vừa ký kết hợp tác chiến lược toàn diện hỗ trợ vốn, thương hiệu, thị phần cho các doanh nghiệp đang cung ứng trong hệ thống Saigon Co.op. Đây là giải pháp hỗ trợ "kiềng ba chân" giúp doanh nghiệp trong nước trụ vững hơn trước những diễn biến phức tạp trên thị trường hiện tại và trong thời gian tới.

Theo đó, ba bên thống nhất hợp tác chiến lược nội dung bao gồm: Thiết lập kênh thông tin nhằm tiếp nhận, hỗ trợ giải quyết khó khăn, nhu cầu của các bên về nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển thị phần và xây dựng thương hiệu, cùng hướng đến mục tiêu chung là "Nâng cao vị thế hàng Việt".

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op - cho biết trong vai trò là nhà bán lẻ, Saigon Co.op sẽ thực hiện rà soát, đánh giá năng lực và chọn lọc danh sách doanh nghiệp Việt hiện đang là đối tác cung cấp hàng hóa cho hệ thống siêu thị. Đây sẽ là cơ sở để Saigon Co.op đề cử doanh nghiệp tham gia chương trình và được hỗ trợ toàn diện về vốn, thương hiệu và thị phần.

Đặc biệt, Saigon Co.op cũng sẽ phối hợp với các đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến, kết nối doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tạo cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị phần, tạo cơ sở mở rộng hoạt động sản xuất, từng bước hình thành những doanh nghiệp Việt có quy mô sản xuất lớn và trở thành những doanh nghiệp dẫn dắt.

HOÀI AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Saigon Co.op Co.op Mart