Thiếu úy Nguyễn Quang Minh Thức (ngồi) trao đổi công việc với thiếu tá Đoàn Hoàng Linh - trưởng Công an phường An Hải Bắc - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Nhật ký công tác cảm động của một công an phường ở TP Đà Nẵng đang được chia sẻ mạnh mẽ.
Đó là nhật ký công tác, ngày 11-11-2019: Đêm định mệnh, thanh xuân vĩnh viễn dừng lại ở tuổi đôi mươi!
Hiện trường vụ tai nạn giao thông - Ảnh: M.T.
Một ngày trực ở đơn vị như bao ngày bình thường khác, hôm nay việc nhiều hơn ngày thường nên uể oải cả người, trời mưa do đang ảnh hưởng bão.
Tôi đang nằm ngủ thì trực ban vào gọi dậy đi làm tai nạn giao thông. Trực ban bảo tai nạn trên đường Ngô Quyền, nghe đâu nặng lắm. Tôi chạy xe chở anh đồng nghiệp vội vàng đi, đi chừng 100m mưa lớn tát vô mặt làm tỉnh ngủ hẳn ra.
Tại hiện trường, người nằm giữa đường, xe văng hơn 12m, trời mưa nặng hạt. Có 4 người dân đứng xem. Đoạn đường vắng xe qua lại, nạn nhân đã chết, cấp cứu đã đến nhưng không còn cứu được nữa.
Vì là người dạn dĩ nhất nên tôi đến bên cạnh bạn ấy kiểm tra trong người có giấy tờ, điện thoại, thông tin gì để liên lạc với người thân thì thấy điện thoại và 1 bảo hiểm. Người còn rất ấm, máu chảy quyện với nước mưa sền sệt như nước mắt của đất trời ai oán. Thử mở điện thoại nhưng không được vì bạn ấy cài mật khẩu, vân tay không ăn.
Mọi thứ dường như vụt tắt thì tôi vô tình mở đúng mẫu hình và điện thoại mở được như 1 phép mầu giữa hỗn độn cảm xúc. Lướt vào danh bạ thì có số điện thoại mẹ, bà ngoại của nạn nhân. Vẫn còn mấy dòng tin nhắn và ảnh check in của bạn ấy cách đó một giờ nhưng người thì đã đi sang thế giới rất xa rồi.
Cậu ấy là bộ đội xuất ngũ chưa lâu, ở Đại Lộc - Quảng Nam, ra Đà Nẵng đi làm và ở cùng bà ngoại, trước khi mất có liên hoan với nhóm bạn làm cùng. Tai nạn tự gây, sơ bộ chẩn đoán đa chấn thương, chấn thương sọ não, mất máu dẫn đến tử vong.
Nhìn cậu ấy nằm dưới trời mưa to, nước mắt tôi rơi hoài không dứt, tiếc thay cho 1 kiếp người, tiếc thay cho 1 cuộc đời dừng lại mãi mãi ở cái tuổi đôi mươi.
Nén thương đau, tỏ ra bình tĩnh nhất để gọi cho ngoại cậu ấy. Điện thoại tít vài cái, rồi bên kia có người trả lời:
- Alo, ngoại có phải là người thân của em H.Q.T. không? Con là Công an phường An Hải Bắc, Đà Nẵng. Ngoại bình tĩnh nghe con nói thông tin này nghe!
- Đúng rồi con, cháu của ngoại nó bị gì à?
- Con nói chậm, ngoại bình tĩnh nghe nhé. Cháu của ngoại đi xe tự té, em đã mất rồi, trước số… đường Ngô Quyền. Ngoại bình tĩnh nói người thân ra gặp tụi con đưa em về!
- Thiệt không con?! Trời ơi, chết cháu tôi rồi, chết cháu của tôi rồi... T. ơi, con nói con về ngoại đợi con mà...
Lấy hết sức bình sinh để không được khóc, tôi tiếp tục trấn an.
- Ngoại bình tĩnh nghe con nói, bên cạnh ngoại có ai không? Hãy đưa điện thoại cho con nói chuyện, ngoại đang ở địa chỉ nào?
- Ngoại ở trọ với hắn con ơi, không có ai hết. Trời ơi cháu của ngoại, con ơi...
Tình thế cấp thiết nên tôi tiếp tục gọi cho số điện thoại của mẹ bạn ấy, với hi vọng người thân đến sớm để đưa cậu ấy về nhà cho ấm áp.
- Alo cô, con là Công an phường An Hải Bắc, Đà Nẵng. Cô có phải mẹ của em H.Q.T. không?
- Cô đây con, có gì không con? Sao con gọi khuya thế!
- Cô bình tĩnh nghe con nói nhé, con cô tai nạn tự gây đã mất, cô nói người nhà ra liên hệ với bọn con để làm thủ tục đưa về. Địa chỉ tai nạn là số… đường Ngô Quyền...
Đầu dây bên kia cô ấy khóc to, nấc nghẹn trong tiếng gọi con, chồng cô nắm điện thoại lên nghe máy. Tôi nói lại nội dung như trên. Nhưng dường như họ đã choáng với những gì nghe được, tiếng khóc, tiếng thét ngày càng to hơn, thảm khốc hơn, quặn đau hơn... không ai có thể nói gì với tôi.
Tôi giục họ trong tận sâu nỗi đau lớn nhất: "Chú mang điện thoại sang hàng xóm đi, để con nói chuyện". Chú ấy làm theo và bên kia đã nắm được thông tin tôi cần truyền đạt.
Sau đó, tôi gọi cho bạn của cậu ấy với những số liên lạc gần nhất để đến chở bà ngoại ra, nhưng họ cũng điếng người, chạy ra hiện trường mà quên chở ngoại. Tôi gọi lại ngoại thì biết ngoại đi bộ ra cầu sông Hàn, không biết đường đi, đường không có người để hỏi... với tiếng khóc và tiếng nấc giữa mưa lạnh.
Kết thúc cuộc gọi mà trong lòng tôi như chết lặng trước nỗi đau của gia đình mất con, nỗi đau của những người bạn mới gặp nhau giờ trước giờ sau đã xa nhau vạn dặm.
Tôi bảo bạn của cậu ấy quay lại chở ngoại và mua bó nhang thắp để mai gia đình ra biết chỗ để có gì sau này cúng. Nhóm bạn kịp mua bó nhang về đốt lên nhưng mưa làm tắt nguội, tôi cắm tạm để đánh dấu bên taluy đường.
Cùng lúc, xe của pháp y đến đưa xác về trung tâm, họ đến muộn vì có 3 vụ chết cùng lần. Tôi chắp tay cầu nguyện, ngẩng mặt lên trời trước hương linh người thanh niên còn quá trẻ, mong cậu ấy được siêu thoát.
Tôi hoàn thành nhiệm vụ dưới trời mưa rét, lòng bần thần trống rỗng, nước mắt cứ rơi đều và ám ảnh mãi tiếng khóc, tiếng ai oán của người thân cậu ấy. Ngẫm lại cuộc đời vô thường quá! Nghĩ đến đó mà tôi tự dặn phòng phải sống tốt hơn để sống cho thật ý nghĩa.
Có những người phút trước đang còn mặt đối mặt với mình nhưng phút sau đã vĩnh viễn ly biệt, để lại nỗi đau khốn cùng cho người ở lại.
Các bạn ngồi lên xe hãy nghĩ về người thân trước khi đề máy và xe lăn bánh. Hãy trân quý từng khoảnh khắc bên cạnh nhau, hãy sống hết mình như hôm nay là ngày cuối cùng.
Thiếu úy Nguyễn Quang Minh Thức với nhật ký công tác lay động cộng đồng mạng - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Góc khuất của nghề
Nhật ký lay động được viết bởi thiếu úy Nguyễn Quang Minh Thức (24 tuổi) - cảnh sát khu vực Công an phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
Thức tâm sự rằng vụ tai nạn xảy ra vào 2h ngày 11-11-2019, nhưng đến ngày 12-1 anh mới có thể viết bởi: "Viết vào thời điểm đó sẽ làm người thân của em T. thêm đau khổ". Thức nói rằng muốn viết ra để mọi người có thể hiểu được những góc khuất của nghề mà người ngoài ít ai biết được. Và cũng là mong mọi người hãy luôn cẩn thận để không ảnh hưởng đến mình và người thân.
Thiếu tá Đoàn Hoàng Linh - trưởng Công an phường An Hải Bắc - chia sẻ thêm hoàn cảnh thiếu úy Thức cũng rất đặc biệt. Ba của Thức cũng mất vì tai nạn giao thông, nên nỗi đau đớn ấy với Thức rất thấm thía. "Thức nói với tôi: Em hi vọng chút câu từ của em có thể lay động được nhiều người ủng hộ nghị định 100... Tôi nói em hãy viết đi" - thiếu tá Linh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận