Là phó phi đội trưởng trẻ tuổi của một trung đoàn không quân phía Nam, đại úy phi công Nguyễn Quang Sáng gây thiện cảm bởi sự điềm đạm, khiêm nhường và đam mê bay.

Phó phi đội trưởng 30 tuổi của chiến đấu cơ Su-30MK2 - Ảnh 1.

Đại úy, phi công Nguyễn Quang Sáng là phó phi đội trưởng Phi đội 1 của Trung đoàn Không quân 935 (Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân). Ở tuổi 30, đại úy Nguyễn Quang Sáng là một trong những phó phi đội trưởng trẻ nhất hiện nay của Trung đoàn 935 - một trung đoàn chiến đấu thành tích lẫy lừng đã được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1979. Đây là trung đoàn không quân đầu tiên sở hữu tiêm kích Su-30MK2 và hiện đang là căn cứ đào tạo phi công Su-30MK2 cho Quân chủng Phòng không - Không quân.

Tháng 11-2018, khi mới 29 tuổi, đại úy Nguyễn Quang Sáng đã được bổ nhiệm vị trí phó phi đội trưởng Phi đội 1. 

Phó phi đội trưởng 30 tuổi của chiến đấu cơ Su-30MK2 - Ảnh 2.

Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Không quân tháng 12-2012 với hàm trung úy, Nguyễn Quang Sáng là 1 trong 6 phi công trẻ về Trung đoàn 935. Và đó là lứa phi công đầu tiên mà Quân chủng Phòng không - Không quân quyết định thử nghiệm: không đào tạo chuyển loại từ máy bay Mig-21 hay Su-22 lên Su-30MK2 nữa, mà từ chuyển loại thẳng từ máy bay huấn luyện L-39 trong nhà trường lên Su-30MK2.

Trước đây, các phi công vừa tốt nghiệp sẽ phải học chuyển loại sang máy bay Mig-21 hoặc Su-22 rồi mới học chuyển loại tiếp lên Su-30MK2. Với phép thử này, Quân chủng Phòng không - Không quân muốn xem sự thay đổi trong cách huấn luyện đó có hiệu quả hay không để tính toán tiếp phương án cho học viên các khóa sau này.

Tất nhiên, với các phi công vừa tốt nghiệp, thử nghiệm này là thử thách kép. Vì Su-30MK2 là loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Quân chủng, hệ thống máy móc, trang thiết bị rất phức tạp. Thuật lái của Su-30MK2 có một số điểm khác các máy bay khác, nhiều tính năng hoàn toàn mới. Không có thời gian học để làm quen với các máy bay chiến đấu phức tạp hơn L-39 như Su-22 mà học ngay Su-30MK2 là thử thách với các phi công trẻ.

Không những thế, màn hình hiển thị và phát âm thanh của Su-30MK2 hoàn toàn bằng tiếng Nga. Trong khi học ở trường, học viên chỉ học tiếng Nga cơ bản,  không có tiếng Nga kỹ thuật. "Khi lên máy bay, mọi thứ chỉ tính bằng giây, không có thời gian để chần chừ dịch nghĩa. Máy nói mình phải hiểu, máy hiển thị mình phải biết. Muốn vậy chỉ có cách tự mình trau dồi tiếng Nga", đại úy Nguyễn Quang Sáng kể.

Phó phi đội trưởng 30 tuổi của chiến đấu cơ Su-30MK2 - Ảnh 4.

Thời điểm đó, Trung đoàn 935 rất hy vọng vào lứa phi công trẻ này. Muốn bay được thì khi học dưới mặt đất phải tốt. Sáu phi công chuyển loại căng mình học, nỗ lực hết sức và đều được tốt nghiệp dưới mặt đất. Là trung đoàn chiến đấu, khi lên trời bay huấn luyện, mỗi chuyến bay đều có thời gian đã được quy định, lại phải bay theo tiến độ, nên các giáo viên yêu cầu học viên phải tiếp thu thật nhanh, dạy đến đâu lĩnh hội được ngay đến đó. 

Vừa học hết chương trình chuyển loại, chuyển sang bay đề cao ngay, học viên không có thời gian bay đi bay lại hay thực hiện lại những chuyến làm không tốt. Chưa kể khi lên một thiết bị hiện đại, có hàng trăm nút ấn mới, nếu thao tác sai thì máy móc dẫn dắt sẽ bị hỏng, lại khiến đội ngũ kỹ thuật thêm vất vả.

Những khó khăn đó khiến các phi công học chuyển loại phải nỗ lực vượt qua từng bài học, từng lần được lên máy bay. Bục giảng của họ là máy bay. Lớp học chính là bầu trời. Không được phép thao tác sai, chỉ được làm đúng. "Tụi mình bị áp lực chứ. Nhưng áp lực lại là động lực để tụi mình phấn đấu", đại úy Nguyễn Quang Sáng chia sẻ.

Phó phi đội trưởng 30 tuổi của chiến đấu cơ Su-30MK2 - Ảnh 5.

Khoảng thời gian đó giống như nói theo trend bây giờ là "dành cả thanh xuân để học". Cứ có thời gian rảnh rỗi, anh lấy sách ra đọc, không dám chơi. Ngoài thời gian học theo quy định, ăn cơm tối, xem thời sự xong, 19h30 chàng phi công trẻ lại đọc tài liệu. Buổi sáng, anh chàng dậy từ 4h để học. 

"Mình dành hết thời gian để đọc sách, nghiên cứu. Mình đặt những câu hỏi tại sao. Câu nào không trả lời được thì ghi ra giấy, hôm sau hỏi các giáo viên trong phi đội. Hồi đó mình chỉ lo học, không dám yêu đương. Cả 6 đứa không ai đi phép, đi tranh thủ, chỉ tập trung học để bay thành công", đại úy Nguyễn Quang Sáng kể.

Những nỗ lực của Nguyễn Quang Sáng đã được đền đáp khi anh lần lượt vượt qua các bài học, các bài kiểm tra. Tháng 3-2016, Nguyễn Quang Sáng là một trong những phi công trẻ nhất được tham gia bắn ném do Sư đoàn 370 tổ chức. Cuối năm 2016, dù mới bay trên Su-30MK2, nhưng Nguyễn Quang Sáng đã được tin tưởng cho tham gia nhiệm vụ bay cùng  đoàn cấp cao của Bộ Quốc phòng ra thăm và động viên, chúc Tết quân dân trên quần đảo Trường Sa.

"Chuyến đó, lần đầu tiên mình được làm đội trưởng, bay số 1, đi cùng anh Lê Văn Hợi (lúc là phó chính ủy Trung đoàn 935), được anh Hợi hướng dẫn, chỉ bảo. Máy bay mình giảm độ cao xuống cách đảo chỉ 300m, lượn mấy vòng chào, thấy bà con đứng xếp hàng vẫy tay chào, xúc động lắm. Ngày bé nghe Trường Sa chứ có biết như thế nào đâu. Bay ra đó thấy hừng hực khí thế, biết thế nào là biển đảo quê hương".

Tính đến nay, "tài sản" của chàng phi công 30 tuổi này không chỉ là mấy chục chuyến bay huấn luyện với nhiều bài bay khó mà còn có gần 10 chuyến bay tuần tiễu, bay che đầu ra Trường Sa, những lần được tham gia bắn ném, diễn tập do Sư đoàn tổ chức, bay bắn thử nghiệm tên lửa do Quân chủng tổ chức.

Phó phi đội trưởng 30 tuổi của chiến đấu cơ Su-30MK2 - Ảnh 6.

Tháng 8-2019, khi Quân chủng tổ chức cho Sư đoàn 370 bay diễn tập hiệp đồng có một phần thực binh, phi công Nguyễn Quang Sáng tiếp tục được chọn tham gia. Ban đầu, nhiệm vụ của Sáng chỉ thực hiện 1 bài chặn kích rồi vòng về. Nhưng khi lên trời, chỉ huy bất ngờ ra đến 4 bài để kiểm tra trình độ phi công đến đâu. Cả 4 bài, Nguyễn Quang Sáng đều hoàn thành xuất sắc.

Phó phi đội trưởng 30 tuổi của chiến đấu cơ Su-30MK2 - Ảnh 7.

Từng được những người thầy nhiều kinh nghiệm nhất của trung đoàn dìu dắt những ngày đầu mới học chuyển loại sang Su-30MK2, bây giờ, với vai trò là phó phi đội trưởng phụ trách huấn luyện, đại úy Nguyễn Quang Sáng lại là người dạy cho các phi công đàn em vừa tốt nghiệp. Anh đã hoàn thành nhiều bài bay huấn luyện khó, và khi học bay cao cấp, Sáng thích nhất bài bay biên đội 4 chiếc. 

"Bài nào càng khó thì càng thích - đại úy Nguyễn Quang Sáng mỉm cười bảo - Đó là bài khó nhất mà mình được học, đến thời điểm này. Bay một chiếc thì rất dễ, nhưng khi bay đội hình, nếu là đội trưởng thì không chỉ bay cho mình mà  còn phải tính toán số liệu cho đội viên bay cùng mình. Nếu là đội viên bám theo đội trưởng, mình phải tính toán điều khiển máy bay sao cho đứng đúng vị trí trong đội hình chiến đấu. Dù đội trưởng cơ động mạnh thế nào cũng phải theo kịp".

Anh chia sẻ: "May mắn của mình là được các thầy là những phi công dày dạn kinh nghiệm dạy từ những ngày mới về đơn vị. Ở các thầy, các anh luôn sục sôi nhiệt huyết, luôn "máu lửa" với bầu trời tổ quốc. Kể cả ngày mai nghỉ hưu hoặc chuyển đơn vị, hôm nay các anh vẫn muốn cống hiến, vẫn nhiệt tình chỉ cho đàn em. Có anh hết tuổi bay khi gặp vẫn hỏi xem mình bay thế nào, vẫn chia sẻ kinh nghiệm. Thế hệ đi trước là tấm gương cho mình học hỏi. Các anh không bao giờ từ chối nhiệm vụ nào, không ngại khó, ngại vất vả".

Phó phi đội trưởng 30 tuổi của chiến đấu cơ Su-30MK2 - Ảnh 8.

Nói về những người thầy của mình, vốn là những phi công cấp 1,  đại úy Nguyễn Quang Sáng bảo: "Mình luôn nhớ lời các thầy, các anh: Có an toàn là có tất cả. Muốn có được an toàn thì phải học, phải trau dồi và tích lũy kiến thức từ dưới mặt đất chứ không phải cứ ngồi chơi mà có. Cái nghiệp phi công muốn suôn sẻ cả quãng đời thì phải học, phải rèn luyện sức khỏe, ý chí, tinh thần, bản lĩnh. Muốn vậy thì phải nghiêm khắc với bản thân ngay từ dưới mặt đất".

Trung tá Đặng Đức Công, Chính trị viên Phi đội 1, nhận xét: "Hiện nay đại úy Nguyễn Quang Sáng là phó phi đội trưởng phụ trách công tác huấn luyện, trọng trách rất lớn. Đại úy Nguyễn Quang Sáng là phi công trẻ, chịu khó học hỏi, có năng lực, trình độ bay tốt, rất nhiệt tình trong công việc và được nhiều anh em đồng đội quý mến vì tính cách khiêm tốn, hòa đồng".

Lãnh đạo Phi đội 1 đang làm đề nghị trong năm sau sẽ thăng hàm từ đại úy lên thiếu tá cho phi công Nguyễn Quang Sáng. Anh chàng vừa thi lên phi công cấp 1 xong và đang đợi kết quả. Nếu đủ điều kiện thì tháng 3-2020, Nguyễn Quang Sáng sẽ lên phi công cấp 1 - cấp cao nhất của phi công quân sự. Được trở thành phi công cấp 1 ở tuổi 31 sẽ là điều mà không phải phi công trẻ nào cũng làm được.

"Mình luôn luôn suy nghĩ sẽ cống hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc - đại úy Nguyễn Quang Sáng nói -  Vợ mình đang có thai hơn 1 tháng. Vợ hỏi khi em đi đẻ anh có đưa em đi được không, mình bảo: nhỡ  khi đó Tổ quốc gọi tên anh thì sao? Vợ mình lại buồn, nằm khóc. Mình phải lựa lời khuyên nhủ: khi Tổ quốc cần anh thì em phải chấp nhận để anh được phục vụ cái lớn lao của đất  nước. Thà mình hy sinh hạnh phúc nhỏ của mình để phục vụ đất nước chứ không thể để cả đất nước hy sinh vì mình".

Phó phi đội trưởng 30 tuổi của chiến đấu cơ Su-30MK2 - Ảnh 10.

MY LĂNG
Nhân vật cung cấp
Kiều Nhi
Bảo SuZu
22-12-2019
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0