18/12/2024 15:52 GMT+7

Nhật Bản lại thất bại khi phóng tên lửa Kairos mang vệ tinh vào không gian

Chỉ 10 phút sau khi phóng, tên lửa Kairos của Space One đã phải hủy bỏ hành trình bay, đánh dấu lần thất bại thứ hai và tiếp tục gây áp lực lên ngành công nghiệp vũ trụ Nhật Bản.

Tên lửa Kairos lại thất bại lần hai, thử thách ngành vũ trụ Nhật Bản - Ảnh 1.

Hình ảnh tên lửa Kairos được phóng vào ngày 18-12 nhưng đã gặp thất bại chỉ 10 phút sau đó - Ảnh: KYODO

Space One, công ty vũ trụ tư nhân Nhật Bản, đã hủy bỏ hành trình bay của tên lửa Kairos chỉ 10 phút sau khi phóng vào ngày 18-12, đánh dấu lần thất bại thứ hai của Space One trong vòng chín tháng qua, khi Space One nỗ lực trở thành công ty đầu tiên của Nhật Bản đưa vệ tinh vào không gian.

Theo Hãng tin Reuters, lần bay này của tên lửa Kairos chỉ kéo dài trong vòng 10 phút và sau đó bị hủy vì "khó đạt được mục tiêu mà nhiệm vụ đề ra".

Hình ảnh trực tiếp từ chính quyền tỉnh Wakayama (Nhật Bản) cho thấy Kairos là tên lửa dài 18m, sử dụng nhiên liệu rắn, được phóng từ Cảng vũ trụ Kii ở phía tây Nhật Bản vào lúc 11h (giờ địa phương).

Tên lửa mang theo năm vệ tinh nhỏ, trong đó có một vệ tinh từ Cơ quan vũ trụ Đài Loan, được phóng lên quỹ đạo đồng bộ với Mặt trời, cách bề mặt Trái đất khoảng 500km.

Trong quá trình bay, Kairos đã mất ổn định và khiến quỹ đạo bay bị lệch.

Trước đó trong chuyến bay ra mắt vào tháng 3 năm nay, Kairos đã mang theo một vệ tinh thử nghiệm của Chính phủ Nhật Bản và phát nổ chỉ sau năm giây kể từ khi phóng.

Space One sau đó giải thích nguyên nhân sự cố là do các cài đặt không phù hợp đã kích hoạt hệ thống tự hủy của tên lửa, mặc dù không có vấn đề gì với phần cứng của nó.

Lần thất bại mới nhất này của Space One tiếp tục giáng một đòn mạnh vào nỗ lực phát triển ngành tên lửa và công nghiệp vũ trụ của Nhật Bản, trong khi nước này đề ra mục tiêu thực hiện 30 lần phóng tên lửa mỗi năm vào đầu những năm 2030.

Các dự án tên lửa khác của Nhật Bản gần đây đang gặp phải những khó khăn. Cơ quan vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã hoãn chuyến bay ra mắt của tên lửa nhiên liệu rắn Epsilon S, sau khi thử nghiệm động cơ của nó thất bại lần thứ hai vào tháng trước.

Tên lửa lớn hơn của JAXA, H3, cũng gặp thất bại trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào tháng 3-2023. Tuy nhiên, H3 đã thành công trong ba chuyến bay sau đó vào năm nay và nhận được đơn đặt hàng từ các khách hàng như Eutelsat - gã vệ tinh khổng lồ của Pháp.

Hiện tại, chính quyền Nhật Bản đang cố gắng biến quốc gia trở thành trung tâm vận tải vũ trụ của châu Á, với hy vọng ngành công nghiệp vũ trụ sẽ đạt giá trị lên đến 8.000 tỉ yen (tương đương 52 tỉ USD).

Công ty Space One có trụ sở tại Tokyo, được thành lập vào năm 2018 bởi các công ty Canon Electronics, IHI, Shimizu và một ngân hàng nhà nước.

Space One đặt mục tiêu phóng 20 tên lửa nhỏ mỗi năm vào năm 2029, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về việc phóng vệ tinh.

Tên lửa Kairos lại thất bại lần hai, thử thách ngành vũ trụ Nhật Bản - Ảnh 3.Nhật Bản phóng thành công tên lửa H3 thế hệ mới

Nhật Bản đã phóng thành công tên lửa H3 thế hệ mới, tái khẳng định quyết tâm trong lĩnh vực vệ tinh vũ trụ đầy cạnh tranh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên