14/12/2021 19:56 GMT+7

'Nhấp thêm ngụm cà phê đoàn viên, anh cảm nhận tình người lan tỏa'

TRƯỜNG ĐĂNG
TRƯỜNG ĐĂNG

TTO - Âm thanh của chiếc Vespa cổ rải từng tiếng rồi dừng hẳn trước cổng nhà, đó là dấu hiệu tôi nhận ra người bạn thân. Đã lâu rồi tôi chưa được nghe âm thanh của chiếc Vespa Acma 1953, chiếc xe rất quý mấy đời gia đình ảnh còn giữ lại.

Nhấp thêm ngụm cà phê đoàn viên, anh cảm nhận tình người lan tỏa - Ảnh 1.

Bạn tôi với Vespa - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Khi lần đầu tiên chiếc xe Vespa lăn bánh, ông Enrico Piaggio - người sáng lập ra Hãng Piagio - nhìn chiếc xe và nghe âm thanh của nó đã thốt lên: "Sembra una vespa" (dường như là con ong), từ đó tên xe Vespa ra đời. Với thiết kế mang đầy xúc cảm và nghệ thuật của chiếc Vespa đã làm thay đổi thế giới "on-the-road" những năm giữa thế kỷ XX. Cảm hứng của những người chơi Vespa là mang lại cái đẹp cho đời. Giờ mỗi lần nghe âm thanh ấy đi ngang nhà, tôi lại thốt lên: dường như là bạn tôi. Những tấm lòng cho đi đầy nghĩa tình và nghĩa cử cao đẹp trên chiếc xe Vespa Acma ấy đã chạm đến trái tim biết bao người.

Tác giả bài viết

Tôi vội chạy ra mở cửa đón khách. Có lẽ chưa bao giờ cái bắt tay, cái ôm nhau hạnh phúc như thế này. Hạnh phúc bởi lâu rồi chúng tôi mới được gặp nhau.

Kéo nhau ra một quán cà phê góc phố mới mở cửa trở lại, tôi và anh tìm một chỗ yên tĩnh để huyên thuyên cho thỏa những ngày giãn cách. Quán đã có vài nhóm bạn say sưa trò chuyện, hình như họ cũng như mình, lâu lắm mới ngồi cà phê với nhau. Chị chủ quán tận tay bưng nước đon đả chào: "Lâu lắm mới có cuộc đoàn viên với các chú".

Nghe "đoàn viên" có vẻ mỹ từ nhưng thấy chị cười tươi quá nên thấy cũng hay và ấm áp. Nụ cười tươi rói ấy lâu nay khô héo bởi quán phải đóng cửa thực hiện phòng chống dịch COVID. Anh bạn tôi bưng ly trà, đôi mắt cứ lóng lánh in trong làn khói thơm, tôi cảm nhận niềm hạnh phúc của cuộc gặp và câu chuyện sắp được kể.

TP.HCM giữa tâm dịch tháng 8-2021, hàng ngàn người mắc COVID-19, hàng trăm người không qua khỏi mỗi ngày. Áp lực y tế và đời sống mưu sinh đè lên những phận người tạo một sự dồn nén. Trong guồng xoáy của tiếng còi xe cứu thương, anh thu mình trong căn nhà trọ với một con nhỏ và vợ có mang 27 tháng ôm nỗi lo lắng tột cùng.

Nhấp thêm ngụm cà phê đoàn viên, anh cảm nhận tình người lan tỏa - Ảnh 3.

Một người bạn tôi với Vespa - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Tiền hết, lương thực cạn, lại không được ra ngoài, ngày vợ sinh thì đã gần tới. Nếu tình hình dịch không giảm, thành phố cứ lockdown thì làm gì để tồn tại? Có lúc anh gào lên nhưng tiếng kêu lọt thỏm giữa những tiếng gào.

Bỗng một ngày đẹp trời anh nhận một cuộc gọi của anh bạn đồng hương báo gia đình anh thuộc diện được xét về trong một chuyến bay của tỉnh thuê chở đồng bào mình về quê. Tiếng kêu của anh đã được hồi đáp. Bao nhiêu cảm xúc cứ lẫn lộn, anh không thể tả hết được.

Có sự vui mừng cho đứa bé còn trong bụng mẹ, có niềm hân hoan cho ngày sinh nở ở quê nhà, có sự trăn trở khi còn biết bao nhiêu người cần về mà chưa được về như anh, có sự xúc động cho nghĩa cử của tỉnh nhà. Nếu không có đứa con đầu lòng chuẩn bị chào đời, có lẽ anh đã không bước lên máy bay để nhường ghế cho bao nhiêu người mong về quê khác.

Có người gọi chuyến bay này là giải cứu vì người nào cũng có hoàn cảnh ngặt nghèo như phụ nữ có mang, người đi chữa bệnh mắc kẹt, người già, người có bệnh nền… Chuyến bay chở đầy tình thương yêu ấy cứ neo trong lòng anh.

May mắn về được tới quê an toàn, anh lại chứng kiến cảnh dòng người cứ nối nhau chạy xe máy về quê trong mỏi mệt. Họ rong ruổi chặng đường dài mà không có quán để dừng chân ăn uống, không có cửa hàng nào bán hàng, từng nhóm người vật vã nằm bất cứ chỗ nào để ngả lưng.

Nhấp thêm ngụm cà phê đoàn viên, anh cảm nhận tình người lan tỏa - Ảnh 4.

CLB Vespa Bình Định giao lưu, làm từ thiện với công nhân ở Khu công nghiệp Phú Tài - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Thấu cảm nỗi vất vả, anh lập nhóm bạn bè, kêu gọi quyên góp cùng đi tiếp sức, lập trạm tiếp tế lương khô, nước uống, xăng xe và các vật dụng thiết yếu.

Hằng ngày, anh chở thực phẩm trên chiếc Vespa chạy dọc theo dòng người để chuyển những gói mì, chai nước, áo mưa. Nơi nào có nhóm người ngồi hay nằm nghỉ, anh ghé lại hỗ trợ, chỉ dẫn.

Nhấm nháp ly cà phê, anh tâm sự: "Mình ở trong vùng dịch, đi về từ vùng dịch nên phần nào hiểu hoàn cảnh của mọi người. Cẩn thận trong tiếp xúc, học cách tự bảo vệ mình để giúp họ chứ xa lánh, kỳ thị thì họ sẽ rất khó khăn".

Anh kể, cũng có người nhìn mình với con mắt nghi ngờ, có người không dám nhận hàng, nhưng có người vui mừng như nắng hạn gặp mưa, như đi trên sa mạc mà tìm thấy nước.

Từ TP.HCM về đến quê anh ngót 700km, phải mất gần hai ngày họ mới tới được, nhưng có người chỉ mới nửa chặng đường. Thường ngày, vài trăm hay một nghìn kilômet không phải xa đối với người đi phượt, nhưng hôm nay chất trên mỗi chiếc xe máy là cả một gia đình. Họ chở theo vợ, con, chó, mèo, đồ đạc, cả những cái móc phơi đồ.

Trong dòng người ấy anh thấy có những người mẹ chuẩn bị đến ngày sinh, có những đứa bé chưa đợi ngày thôi nôi mệt lả nằm ngủ trên tay mẹ, có những người già còn cầm theo cây gậy chống, có những người bệnh chưa kịp chữa lành không đủ sức để tự đi…

Khó khăn lớn nhất đối với họ là sự sợ hãi của người dân sống dọc quốc lộ, có địa phương ra công văn cấm bán hàng hẳn hoi. Không ai dám bán hàng và tiếp xúc với những chuyến xe đã bị bụi bám đầy.

Nhấp thêm ngụm cà phê đoàn viên, anh cảm nhận tình người lan tỏa - Ảnh 5.

Bạn tôi với Vespa - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Ngày nắng, những tán cây dọc đường là chiếc ô; ngày mưa, hiếm hoi mới gặp mái hiên của ngôi nhà đóng chặt cửa để tá túc. Đêm thanh, gặp chỗ nào nằm cũng được nhưng mưa là nỗi ám ảnh.

Anh gặp nhiều gia đình co ro trong chiếc áo mưa đã rách tả tơi không đủ che, ướt sũng. Có lúc nước mắt anh đã chảy nhưng những giọt mưa đã kịp xua đi.

Có hai bạn trẻ chạy xe máy cũ kéo theo chiếc mót tự chế phía sau, có lẽ ở thành phố họ chở hàng thuê, đang chạy thì đâm xuống ruộng do mệt và buồn ngủ.

Nhiều người nhìn thấy nhưng sợ lây bệnh không ai dám lại gần, may là anh vừa tới kịp hỗ trợ sơ cứu và gọi nhờ xe cứu thương ở trung tâm y tế huyện. Họ bị thương không nặng, nhưng nếu không được giúp thì không biết tính mạng họ sẽ ra sao.

Cứ như thế, những câu chuyện xúc động cứ kéo anh đi, tiếng nổ giòn của pô xe Acma như âm thanh những con ong chăm chỉ. Anh nghĩ, nếu họ không cần tiếp sức về vật chất cũng cần những nụ cười, những cái vẫy tay trên suốt hành trình hạn chế tiếp xúc giữa người với người.

Nhấp thêm ngụm cà phê đoàn viên, anh cảm nhận tình người lan tỏa - Ảnh 6.

CLB Vespa Bình Định giao lưu, làm từ thiện với công nhân ở Khu công nghiệp Phú Tài - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Nụ cười, cái bắt tay thường ngày là đại sứ của sự thân thiện mà nhiều địa phương tận dụng để thu hút du lịch nhưng giờ thì lạnh lùng và né tránh. Bù lại, trên con đường trở về đoàn viên, những trạm tiếp sức mọc lên, có chị mang dép xẹp cầm xấp tiền mệnh giá 500.000 đồng dày cộm ra phát cho người đi đường…

Anh cũng lẫn trong những tấm lòng, dù không thấm vào đâu nhưng cũng đủ sưởi ấm một vài chuyến xe trên hành trình khó khăn mùa dịch.

Nhấp thêm ngụm cà phê mà chị chủ gọi là đoàn viên, anh cảm nhận tình người lan tỏa. Có người được anh tiếp sức kịp để trao đổi số điện thoại, khi về đến quê gọi cảm ơn và xin một lần nào đó được gặp lại để tri ân.

Những ngày hết giãn cách, được ngồi tự do bên ly cà phê anh nhận ra giá trị của sự bình yên, nhận ra bí mật của lòng biết ơn, sự cho đi và hồi đáp của cuộc sống. Trong khó khăn tình người nở hoa.

Nhấp thêm ngụm cà phê đoàn viên, anh cảm nhận tình người lan tỏa - Ảnh 7.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Mót lại mùi khoai nướng Mót lại mùi khoai nướng

TTO - Chớm đông, từng chiếc lá vàng chao nghiêng bay theo chiều gió rơi lả tả ngập lối đi. Chiều xuống chầm chậm, tiết trời se lạnh. Con hẻm nhỏ vốn nhộn nhịp thường nhật nhưng vài bữa nay bỗng vắng im bặt.

TRƯỜNG ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Vespa