Nguyễn Minh Kiên (đứng, thứ hai từ phải) cùng nhóm phát triển “Cô nhân viên ảo Hana” Ảnh: Hà Bình |
“Trí thông minh nhân tạo là lĩnh vực chúng ta có thể nghiên cứu và chạy đua cùng thế giới nếu được đầu tư một cách căn bản và hệ thống. Quan trọng hơn nữa, đây là phần mềm trí tuệ Việt do người Việt triển khai... |
Ông Vũ Tuấn Anh (trưởng dự án khởi nghiệp cộng đồngHoa Sen Group) |
“Chúng tôi mong muốn dùng công nghệ để nâng cao năng suất lao động của người Việt” - anh Nguyễn Minh Kiên, một trong những người sáng lập “Cô trợ lý ảo Hana”, quả quyết.
Làm thay nhân viên tư vấn
“Xin chào!” - một thí sinh nói ở trang tư vấn tuyển sinh trực tuyến trên điện thoại di động của một trường đại học. “Xin chào! Mình có thể giúp gì cho bạn?” - nhân viên tư vấn tuyển sinh trả lời qua cửa sổ chat (tán gẫu) và những dòng này phát ra giọng nói nữ.
“Trường đào tạo những ngành nào?” - thí sinh hỏi. “Trường đào tạo ngành hóa, sinh học, CNTT... Bạn muốn tìm hiểu ngành nào?”.
Cuộc trò chuyện tiếp tục diễn ra với những câu hỏi của thí sinh và câu trả lời của nhân viên về điểm chuẩn, học phí, cơ hội trúng tuyển vào trường, chương trình học, cơ sở vật chất, giảng viên của trường...
Điều ngạc nhiên là thí sinh đang trò chuyện với Hana - tên của cô nhân viên ảo do nhóm của Nguyễn Minh Kiên tạo ra. Chi phí trường trả cho “nhân viên Hana” là 500.000 đồng/tháng để tư vấn 24/24 giờ mỗi ngày.
“Ngoài tư vấn tuyển sinh, nhóm cũng chuẩn bị bàn giao Hana cho một doanh nghiệp bất động sản và một công ty bán thiết bị điện thoại di động” - Kiên cho biết.
Theo anh chàng 8X này, khi doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng Hana, nhóm sẽ đến trao đổi cùng nhân viên tư vấn của doanh nghiệp.
Khi ấy, nhóm sẽ lập chi tiết một danh sách các câu hỏi khách hàng nhờ nhân viên tư vấn và cả câu trả lời của nhân viên.
“Có dữ liệu của doanh nghiệp rồi, chúng tôi mang về và huấn luyện cho Hana. Thông thường mỗi doanh nghiệp có khoảng vài trăm câu hỏi tư vấn cho khách hàng. Hana sẽ nhận diện câu hỏi của khách hàng qua giọng nói và chat để trả lời bằng những câu trả lời được lập trình trước” - Kiên chia sẻ.
Nhóm bạn trẻ cũng giải thích Hana là tên gọi chung của “cô nhân viên tư vấn ảo” do nhóm đặt. Khi sử dụng, doanh nghiệp có thể đặt lại tên cho nhân viên ảo này. “Có khảo sát cho thấy thời điểm 19g-21g hằng ngày là lúc người dùng vào mạng nhiều nhất.
Nhưng thông thường, lúc này nhân viên làm việc hành chính của công ty đã về nên không thể tư vấn cho khách hàng khi họ có câu hỏi. Đây là một trong những lý do nhóm tạo ra Hana để hỗ trợ doanh nghiệp tư vấn được 24/24 giờ” - Hiếu, một thành viên của nhóm, nói thêm.
Giấc mơ trí tuệ nhân tạo Việt
Căn phòng hơn 20m2 được thuê trên lầu 2 một căn nhà trên đường Đào Duy Anh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) một năm qua là nơi làm việc của nhóm bạn trẻ gồm tám thành viên đam mê trí tuệ nhân tạo “Made in VN”.
Tốt nghiệp Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông ở Hà Nội, sau một thời gian làm đến chức vụ trưởng phòng của hai tập đoàn công nghệ lớn, Nguyễn Minh Kiên đã tìm một lối đi cho riêng mình. Còn Hiếu hiện đang học thạc sĩ về trí tuệ nhân tạo tại ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Sau quá trình nghiên cứu và lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, Kiên bảo những đơn vị như trường học, trung tâm tiếng Anh, doanh nghiệp bất động sản, ẩm thực, quán ăn, ngân hàng... đều có thể nhờ nhân viên ảo gánh vác thay phần tư vấn cho khách hàng.
“Nếu như trước đây doanh nghiệp trả lương cho nhân viên để tư vấn khách hàng gọi đến mỗi ngày thì nay Hana có thể thay nhân viên làm việc đó 24/24 giờ với giá thành chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Do những câu trả lời được lập trình sẵn nên Hana có thể trả lời nhanh hơn nhân viên tư vấn” - Kiên nói thêm.
Về ý tưởng chế tạo Hana, anh bạn từng có thời gian nghiên cứu trí tuệ nhân tạo cùng các chuyên gia Nhật Bản nói rằng do “xu hướng, nền tảng và nhu cầu doanh nghiệp. Xu hướng thế giới đang bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhưng ở Việt Nam còn khá mới mẻ.
Còn nền tảng là những thành viên của nhóm có kiến thức, đam mê về hướng nghiên cứu này. Khi thấy doanh nghiệp có nhu cầu, nhóm bắt tay nghiên cứu và cải tiến dần để cho ra Hana hôm nay.
Ước mơ của nhóm không chỉ giúp doanh nghiệp trong nước mà có thể đưa Hana phục vụ doanh nghiệp ở Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản...” - Kiên tâm sự.
Ông Vũ Tuấn Anh - trưởng dự án khởi nghiệp cộng đồng Hoa Sen Group - đánh giá nhân viên tư vấn ảo Hana “rất phù hợp với xu thế khi sử dụng công nghệ thay thế cho con người nâng cao năng suất, chất lượng và dịch vụ”.
“Sản phẩm trí thông minh nhân tạo này sẽ giúp doanh nghiệp Việt nâng cao tính đáp ứng và giảm giá thành. Ngoài ra, sản phẩm còn áp dụng được trong nhiều lĩnh vực như dạy học, hướng dẫn sử dụng sản phẩm và dịch vụ nên tính ứng dụng rất cao trong thực tiễn” - ông Tuấn Anh nói.
Tiết kiệm cho doanh nghiệp
Ông Cao Trung Hiếu - sáng lập và điều hành DantriSoft - nói ông theo dõi dự án “Cô trợ lý ảo Hana” từ đầu nên biết khá rõ về dự án. “Cái hay của Hana là làm thay được việc của nhân viên chăm sóc khách hàng online cho doanh nghiệp 24/24 giờ. Do đó doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí khi không phải thuê nhân viên tư vấn. Ngoài ra, Hana có hệ thống quản trị, thu thập dữ liệu đưa về cho doanh nghiệp phân tích nhu cầu của khách hàng khá hay” - ông Hiếu đánh giá. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận