23/03/2016 09:03 GMT+7

Nhận trách nhiệm trước những tồn tại của đất nước

LÊ KIÊN (lekien@tuoitre.com.vn)
LÊ KIÊN (lekien@tuoitre.com.vn)

TT O - Ba bản báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ được trình bày trước Quốc hội ngày 22-3 có điểm chung là đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và nhận trách nhiệm.

(Từ trái sang phải) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Cả ba báo cáo đều đề cập đến bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; ở trong nước có những thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước.

Phục vụ dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội

“Việc thường xuyên phải điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được khắc phục. Việc chuẩn bị một số dự án luật chưa bảo đảm tiến độ và chất lượng trình Quốc hội. Không ít quy định của luật còn nặng về nguyên tắc chung, thiếu tính ổn định, chưa xác định được nguồn lực để triển khai thực hiện.

Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành vẫn là một khâu yếu, làm cho pháp luật chậm đi vào cuộc sống, chưa phát huy đầy đủ tác dụng điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ.

Ảnh: Việt Dũng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: Việt Dũng

“Không ít quy định của luật còn nặng về nguyên tắc chung, thiếu tính ổn định, chưa xác định được nguồn lực để triển khai thực hiện 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Đồng thời, ông Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định: “Quốc hội nhận rõ phần trách nhiệm trước những tồn tại, yếu kém của đất nước.

Đó là: chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng; tái cơ cấu kinh tế chậm; ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là những vấn đề bức xúc; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm; tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo tiếp tục đứng trước những thách thức mới...”.

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội đã rút ra 8 bài học kinh nghiệm, trong đó bài học thứ nhất là “đoàn kết, đổi mới mạnh mẽ, dân chủ thật sự, công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động. Với Quốc hội, đoàn kết, đổi mới, trí tuệ và trách nhiệm là yêu cầu thường xuyên, liên tục, là động lực tạo nên sức mạnh, sự năng động, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến bài học “lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân, phục vụ dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội. Gắn bó chặt chẽ, mật thiết với cử tri và nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân góp phần tạo ra sức mạnh cho Quốc hội, bảo đảm để Quốc hội bám sát sự vận động của đời sống kinh tế - xã hội, có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sát thực tiễn, hợp lòng dân”.

Cuối cùng, báo cáo cho rằng “việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Quốc hội tạo ra không khí dân chủ, cởi mở, phát huy trí tuệ của đại biểu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động Quốc hội”.

“Chủ tịch nước chưa thực hiện quyền yêu cầu Chính phủ họp”

Là nguyên thủ quốc gia, trong báo cáo của mình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã thẳng thắn thừa nhận: “Chủ tịch nước có phần trách nhiệm trước những hạn chế, yếu kém của đất nước hiện nay. Là trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, Chủ tịch nước có trách nhiệm trước thực trạng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của một số cán bộ tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu, một bộ phận cán bộ tư pháp nhũng nhiễu, tiêu cực”.

Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước chưa thực hiện quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn những vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết, theo quy định của Hiến pháp 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Đồng thời, Chủ tịch nước thấy rằng “trước một số vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng và bức xúc, Chủ tịch nước chưa thực hiện quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn những vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết, theo quy định của Hiến pháp”.

Kiểm điểm lại công việc, Chủ tịch nước khẳng định đã tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội và tiếp xúc cử tri, thẳng thắn tự phê bình và phê bình những yếu kém của đất nước, khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí... Ông cũng thường xuyên đi công tác địa phương để nắm thực tiễn về các vấn đề dân sinh bức xúc.

Thiếu tầm nhìn dài hạn

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày cho thấy bên cạnh việc điều hành kinh tế - xã hội thì trong nhiệm kỳ vừa qua có điểm nhấn, đó là “trước tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định rõ lập trường và chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, được đồng bào, cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ”.

Ảnh: Việt Dũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: Việt Dũng

“Năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa phù hợp

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận: “Năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa phù hợp; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời.

Sự phối hợp chính sách và chỉ đạo điều hành trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế chưa thật đồng bộ, có mặt hiệu quả chưa cao. Việc bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước có mặt còn hạn chế, chậm khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và những bất hợp lý trong cơ cấu chi ngân sách, quản lý một số khoản chi chưa chặt chẽ, vẫn còn nhiều lãng phí.

Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu quả, khắc phục còn chậm. Thiếu nguồn lực và cơ chế chính sách hiệu quả để xử lý nhanh hơn nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng...”.

Chính phủ rút ra 5 bài học kinh nghiệm, đặt lên đầu tiên là bài học về việc “phải quán triệt, thể chế hóa kịp thời, phù hợp chủ trương đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; sáng tạo trong tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững”.

Chính phủ cũng nhấn mạnh “phải bám sát chức năng nhiệm vụ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường đoàn kết thống nhất, phát huy vai trò của tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.

Đặc biệt chú trọng đánh giá đúng tình hình, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, gắn trước mắt với cơ bản lâu dài và ứng phó kịp thời với diễn biến mới của tình hình.

Bám sát thực tiễn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay. Đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu. Lấy kết quả thực hiện để đánh giá tính đúng đắn của chính sách và năng lực quản lý điều hành”.

Không luật hóa việc xóa nợ thuế cho doanh nghiệp nhà nước

Dự kiến tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.

Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định về xóa nợ thuế cho các công ty thuộc danh sách cổ phần hóa, giao bán, sáp nhập, sắp xếp lại là nội dung mang tính cá biệt nên không thể quy định trong luật. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội cho phép bỏ nội dung này trong dự thảo luật.

Việc có hay không xóa nợ thuế sẽ được Quốc hội xem xét từng trường hợp cụ thể khi có đề nghị của Chính phủ. Dự án luật này đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 10, nên tại phiên thảo luận sáng 22-3 chỉ có ba ý kiến phát biểu.

Ý kiến đại biểu

* Đại biểu BÙI THỊ AN (Hà Nội):

Ảnh: V.D.
Đại biểu BÙI THỊ AN - Ảnh: V.D.

Lấy phiếu tín nhiệm là bước đi đột phá

Tôi cho rằng sự kiện lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua là bước đi có tính đột phá, thể hiện hiệu quả rất rõ rệt, khiến hoạt động của một số ngành có những chuyển biến tích cực, đồng thời giúp các vị bộ trưởng, trưởng ngành nhìn nhận những hạn chế, yếu kém của mình qua sự đánh giá bằng lá phiếu của các đại biểu Quốc hội.

* Đại biểu LÊ NHƯ TIẾN (Quảng Trị):

Ảnh: V.D.
Đại biểu LÊ NHƯ TIẾN - Ảnh: V.D.

Có những “món nợ” chung

Tôi thấy các bản báo cáo của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ đều đề cập khá toàn diện về hoạt động của bộ máy nhà nước. Nhưng điều tôi quan tâm nhất qua một nhiệm kỳ thì bài học rút ra là gì và bài học đó để lại cho nhiệm kỳ sau những gì, đặc biệt là đối với tồn tại, yếu kém, bức xúc dài ngày, là “món nợ” trước nhân dân.

L.K. ghi

Chưa phản ánh hết tình trạng tham nhũng, trách nhiệm nợ công

Đó là những nội dung đáng chú ý trong báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Trình bày báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói rằng “cần đánh giá kỹ hơn về việc tổ chức triển khai những chính sách, biện pháp và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người nước ngoài đóng góp tích cực về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Đồng thời đánh giá về tái cơ cấu nền kinh tế; vấn đề nợ công; nguyên nhân và trách nhiệm của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành để tình trạng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ vượt giới hạn quy định, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp”.

Báo cáo thẩm tra cũng cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua. Việc đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không những chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu. Tình trạng lãng phí còn xảy ra khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

LÊ KIÊN (lekien@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên