Nhưng như người đứng đầu Chính phủ đã nói “con đường dài nhất Việt Nam là từ lời nói đến hành động”, nói hay, nói giỏi nhưng không được làm và không làm được chủ yếu vẫn do chất lượng đội ngũ công chức hành chính - những người thiết kế, thực thi chính sách cho quốc gia.
Mới đây, tại phiên họp bàn về dự thảo đề án về “Một số chủ trương chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất thẳng thắn chỉ ra trong dự thảo đề án chưa “nói thẳng, nói thật” về những hạn chế yếu kém và đề nghị các đại biểu hết sức cởi mở, thẳng thắn góp ý nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách cho sự phát triển đất nước một cách bền vững.
Một Chính phủ kiến tạo đòi hỏi thành viên Chính phủ phải hết sức lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để xây dựng và điều chỉnh chính sách kịp thời vì lợi ích của người dân.
Một Chính phủ kiến tạo ở trung ương đòi hỏi phải kiến tạo được cơ cấu hệ thống vận hành nhịp nhàng phối hợp từ trung ương đến địa phương bởi những con người trong chính bộ máy đó, vì nhân tố con người là một trong ba trụ cột cho sự phát triển quốc gia.
Một Chính phủ kiến tạo rất cần sử dụng nguồn lực đầu tư công tiết kiệm và hiệu quả nói chung và trong phát triển nguồn nhân lực nói riêng.
Chỉ xét riêng lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc chia sẻ nguồn lực do thừa đầu mối quản lý nhà nước ở hai bộ GD-ĐT và LĐ-TB&XH khiến không thể quy hoạch vĩ mô cũng như vi mô trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực; sự lãng phí nguồn nhân lực trẻ mỗi năm hơn 200.000 học sinh có năng lực học tập hạn chế không thể phân luồng và liên thông trong giáo dục và bước vào thị trường lao động không có kỹ năng nghề nghiệp và dễ để lại những hậu quả xã hội khó lường nếu không được giáo dục đầy đủ.
Một hệ thống giáo dục - đào tạo, kể cả đào tạo nghề, hiện tại đang hết sức không ổn định, nguồn nhân lực mất cân đối về trình độ và ngành nghề nhưng trách nhiệm người đứng đầu chưa biết quy cho ai trong Chính phủ kiến tạo nếu cứ để hiện trạng như thế này.
Để góp phần xây dựng một Chính phủ kiến tạo, ngành giáo dục - đào tạo xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm là phải quy hoạch lại hệ thống để trên cơ sở đó sắp xếp, bố trí nguồn lực từ Nhà nước hay từ xã hội một cách hợp lý để có nguồn nhân lực chất lượng cao thì dường như đang bị cản trở bởi tâm lý “sân anh sân tôi”, “lịch sử” thuộc về tôi.
Thế mới biết ngành giáo dục và đào tạo chỉ là một lĩnh vực mà đã khó kiến tạo một cách hệ thống, thì việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo sẽ còn đầy thách thức và “cỗ máy kiến tạo” sẽ còn gặp thách thức nữa khi chuyển động lan truyền về các địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận