10/11/2017 11:08 GMT+7

Nhân chứng lở núi kể chuyện bé 16 tháng tuổi sống sót kì diệu

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Trong vụ lở núi làm chết 5 người ở trung tâm huyện Bắc Trà My, Quảng Nam đêm 5-11, một cháu bé 16 tháng tuổi trong khoảnh khắc kinh hoàng đã sống sót hi hữu.

Ông Đỗ Hạnh kể lại giây phút cháu mình được cứu ra từ lòng đất - Thực hiện: B.D

Chiều 9-11, ngôi nhà của ông Đỗ Hạnh chật kín người. Cha và vợ ông Hạnh đã tử nạn trong vụ lở núi vùi 5 người sẩm tối 5-11. 

Một chiếc bàn thờ đã được dọn ra để thắp hương, thăm viếng. Trên bàn thờ, bức ảnh chụp vợ ông là bà Nguyễn Thị Đắt. 

Trong ảnh bà Đắt cười tươi. Nhưng giờ đây, nụ cười ấy như xát muối vào lòng người thân. Bà Đắt đã ra đi trong một tình huống không một ai có thể tưởng tượng ra.

Sống sót hi hữu

Ông Đỗ Hạnh đang chịu tang vợ. Thế nhưng, mấy hôm nay tay ông giữ khư khư cháu bên ngực mình, ông không dám thả cháu ra như sợ may mắn sẽ không đến lần thứ hai với đứa cháu ruột của mình. 

Nhân chứng lở núi kể chuyện bé 16 tháng tuổi sống sót kì diệu - Ảnh 2.

Ông Đỗ Hạnh ôm đứa cháu 16 tháng tuổi của mình sống sót kì diệu sau vụ lở núi. Trên mặt của cháu bé là những vết thương sau khi ngọn núi đổ sập xuống. Ảnh: B.D

King – cháu của ông được đặt tên tục để gọi ở nhà là một trong ít nạn nhân sống sót đêm 5-11. 

Đi qua cõi chết, có lẽ King còn quá nhỏ để hình dung những gì vừa xảy ra với mình. Ông Hạnh đưa tay xoa nắn khắp cơ thể cháu mình, chỉ có một vài vết xước trên khuôn mặt, mí mắt – dấu tích để lại sau khi cháu bị lũ vùi.

Khoảng 19h đêm 5-11, ông Hạnh cùng cha mẹ, vợ con, cháu mình chạy qua nhà bà Hồ Thị Hồng ở gần đó để tránh lũ. 

Nhà của ông Hạnh đã bắt đầu rùng rùng phía sau lưng, những tiếng thình thịch to dần dưới mặt đất. 

Lúc này trong nhà bà Hồng còn có con trai cùng con dâu. Một tiếng nổ rền lên như sấm dưới lòng đất rồi ngay chốc lát, tất cả đã dập tắt toàn bộ ánh sáng.

Nhân chứng lở núi kể chuyện bé 16 tháng tuổi sống sót kì diệu - Ảnh 3.

Bạn đọc Tuổi Trẻ khẩn cấp cứu trợ cho gia đình ông Đỗ Hạnh chiều 9-11 - Ảnh: B.D

Ông Đỗ Hạnh bàng hoàng nhớ lại: "Tui bị đất đá đẩy ra xa, khi tỉnh dậy thì thấy mọi thứ lịm tắt cả. Im ắng hoàn toàn, chỉ có vài tiếng đá rơi lách cách. Tui gọi "Năm ơi", "Nguyệt ơi" (vợ và con gái ông Hạnh) nhưng không thấy ai trả lời. Tui lồm cồm bò lên, nhớ đến thằng King nên tui hét lên "King ơi, King ơi"... Hét được mấy tiếng thì thấy tiếng nó khóc the thé rồi ré lên, ho sặc sụa trong bùn đất".

Ông Hạnh lao tới, người ông bê bết bùn. Mặt cũng không còn chỗ sạch sẽ nào. Ông bò tới tiếng cháu khóc thì thấy toàn bộ thân thể đứa cháu 16 tháng tuổi của mình bị bùn dồn chẹn cứng ở bức tường. 

Tui đào cháu lên nhưng đất chôn sâu quá. Tui la hét chạy trong đêm và một lúc sau thì thấy bà con tới, rồi công an bộ đội tới. Họ xịt nước, hò nhau kéo cháu tui lên. Con gái tui cũng được lôi lên, còn sống nhưng đứt hẳn một cái chân. Còn vợ tui, cha tui thì chết trong đất....

Ông Đỗ Hạnh

Như một phép màu, bùn tràn lên đến miệng cháu bé rồi đứng lại. Khoảng trống thần kì đó đã cứu cháu bé và sống sót cho tới lúc nghe tiếng ông gọi.


Ông Hạnh kể lại giây phút kinh hoàng đêm lở núi 5-11 - Thực hiện: B.D

Mất mát đau buồn chồng chất

Gần 1 tuần từ ngày lũ về khiến cả quả đồi vùi lấp đi vợ, mẹ và người em ruột, anh Nguyễn Thanh Bình – tổ Đồng Bộ (thị trấn Bắc Trà My) vẫn ngồi thẫn thờ trong túp lều nhỏ. 

Nỗi đau một lúc mất ba người thân làm anh như tê dại.

Bà Nguyễn Thị Thế - thôn Dương Trung (Trà Đông, Bắc Trà My). Thực hiện: B.D

Lúc ngọn núi đổ sập vợ anh Bình là chị Hồ Thị Ái cùng mẹ chồng là bà Võ Thị Hồng và Nguyễn Đình Phương – con bà Hồng trú bão trong căn nhà của bà Hồng. 

Núi đổ sập xuống vùi hẳn cả ba người. Đứa con duy nhất của anh Bình và vợ may mắn sống sót vì được gửi về người thân trước đó. 

Xót xa hơn, lúc núi đổ sập xuống anh Bình lại đang cùng anh em cán bộ chiến sĩ dân quân thị trấn đi trực bão giữ dân cách đó mấy chục cây số. 

Mãi tới chiều hôm sau, khi thi thể vợ, mẹ và em đang được bộ đội đào bới dưới đồng đổ nát thì anh Bình mới hay biết. 

Chiều 9-11, khi nhà đã mất, ba người thân đã mất, anh Bình được bà con chòm xóm dựng một túp lều tạm căng bằng bạt bên khu đất ở nhà mẹ vợ để tá túc qua ngày. 

Cảnh màn trời chiếu đất của người dân Trà Đông, Bắc Trà My những ngày sau lũ. Thực hiện: B.D

Túp lều nghi ngút khói hương, ba bát nhang đặt cạnh sát nhau, anh nhìn mặt vợ mình, em mình và người mẹ 64 tuổi nằm sau bàn thờ mà khóc không thành tiếng.

Tuyến đường vào xã Trà Đông, Trà Giang, Trà Dương... đâu cũng là cảnh người dân đứng run run trong lạnh, bận những bộ đồ ướt sũng và bê bết bùn đất để dọn dẹp nhà cửa. 

Bí thư Đảng uỷ Trà Giang nói rằng đến nay số hộ thiệt hại trong lũ xã vẫn chưa thể đếm hết, số người bị thương nhiều và một người đến nay vẫn bặt tăm tích.

Dọc suối Ron đoạn qua các thôn nằm dọc xã Trà Đông, người dân tập trung kê giường chiếu, đem những bộ quần áo lấm lem bùn đất ra phơi để lấy cái mặc. 

Trong từng gia đình, mùi gà heo chết trộn trong mùi bùn non dậy lên. 94 hộ gia đình ở Trà Đông đã mất sạch tài sản – khi lũ về và dâng nhanh như nước trong một chiêc bể, tất cả số dân này chỉ kịp chạy lên núi tháo thân và lúc nước rút họ trở về trong cảnh tay trắng. 

Đó là thông tin đau đớn mà bà Đoàn Thị Hiếu – cán bộ xã Trà Đông nói khi đưa đoàn công tác báo Tuổi Trẻ và Tỉnh đoàn Quảng Nam đi cứu trợ bà con chiều 9-11.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên