Trưa 25-9, gia đình tiễn biệt và đưa linh cữu nhạc sĩ Quốc Dũng về nơi an nghỉ cuối cùng.
Vợ ông, danh ca Bảo Yến, chỉ nói mấy chữ "đang rất buồn" mà không thể nói gì thêm.
Nhạc sĩ để lại hàng loạt ca khúc đi vào thời thanh xuân rực rỡ nhất của nhạc trẻ Sài Gòn một thời: Em đã thấy mùa xuân chưa, Mai, Bài ca tết cho em...
Sau này, loạt sáng tác bolero của ông cũng nhận được sự đón chào của công chúng: Đường xưa, Chuyện ba người, Chuyện hợp tan, Nỗi đau ngọt ngào...
"Bạn bè cùng lứa gọi Dũng là thiên tài"
Nhạc sĩ Bảo Chấn và nhạc sĩ Quốc Dũng là đôi bạn học cùng năm, cùng khóa tại Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn (1965 - 1972), nay là Nhạc viện TP.HCM. Cả hai đều chơi nhạc từ rất sớm.
Từ năm 1965, Quốc Dũng đã tham gia chương trình nhạc thiếu nhi ở Đài phát thanh Sài Gòn và rất nổi tiếng.
Hồi tưởng chuyện ngày xưa, nhạc sĩ Bảo Chấn nhớ nhất những lần cả hai phóng xe lòng vòng, chạy loăng quăng phố xá hoặc những lần đi biểu diễn ở vùng sâu vùng xa...
Theo nhạc sĩ Bảo Chấn, trước năm 1975, ngoài ban nhạc Phượng Hoàng thì chính Quốc Dũng, Đức Huy... là những người đã tiên phong khai sáng ca khúc cho giới trẻ ở Sài Gòn.
Điều khiến Bảo Chấn nể nhất ở bạn mình là ông đã bắt đúng mạch tự tình dân tộc khi tung ra loạt ca khúc thành công sau năm 1980.
"Thời đó, bạn bè cùng lứa gọi Dũng là thiên tài", nhạc sĩ Bảo Chấn nhớ lại. Tuy nổi tiếng sớm nhưng ai cũng thích tính tình rất mực khiêm tốn của ông.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện và nhạc sĩ Quốc Dũng theo đuổi hai con đường âm nhạc khác nhau. Mối quan hệ của hai ông chỉ dừng lại chỗ cả hai đều là hội viên của Hội Âm nhạc TP.HCM.
Tuy nhiên, nói về người đồng nghiệp cùng thời, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện dành những cảm tình tốt đẹp.
"Thỉnh thoảng, Dũng lên hội có việc, anh em gặp nhau cũng chỉ trao đổi vui vẻ vài ba câu cho phải phép. Sau đó, Dũng ra quán cà phê ngồi một mình. Tính Dũng ít nói, cũng không hay đưa chuyện của người khác. Sống và làm việc hết mình vì âm nhạc. Đó là một con người hiền lành hết mực. Tôi không thân nhưng quý mến", nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Tác giả ca khúc Ơi cuộc sống mến thương tự nhận ông chỉ là một nhạc sĩ nghiệp dư, còn nếu nói nhạc sĩ chuyên nghiệp phải kể tới những người như Quốc Dũng.
Trước năm 1975, Quốc Dũng viết nhiều ca khúc nhạc trẻ (hay còn gọi là nhạc mới). Cùng với Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà, Quốc Dũng là một trong những nhạc sĩ tiên phong cho phong trào Việt hóa nhạc trẻ, mang lại sinh khí mới cho nhạc Việt.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Quốc Dũng chuyển qua sáng tác nhạc quê hương (sau này được gọi là nhạc bolero) và cũng rất thành công.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ bolero của Quốc Dũng tiếp nối bolero cũ trước năm 1975 nhưng có một điều rất đặc biệt, thứ bolero đó dù có những nét buồn nhưng không gây cảm giác bi lụy. Ông thích khá nhiều bài hát của nhạc sĩ Quốc Dũng, chẳng hạn ca khúc Đường xưa...
Người làm sản xuất, phát hành thượng thừa
Theo nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, nhạc sĩ Quốc Dũng không chỉ có tài trong lĩnh vực sáng tác, ông còn có khiếu về sản xuất, phát hành.
Vào giai đoạn nửa cuối thập niên 1980, chính băng nhạc Mẹ Gò Công do Quốc Dũng sản xuất đã đưa cái tên Bảo Yến đi xa hơn.
Cũng thời điểm đó, ở Hà Nội chỉ có một đơn vị phát hành băng đĩa duy nhất là Hãng DIHAVINA, còn Sài Gòn chỉ có hai hãng là Sài Gòn Audio - tiếp quản từ Hãng đĩa ASIA trước đây và Hãng VAFACO. Không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nhớ lại chính Quốc Dũng đã nghĩ ra một cách phát hành độc đáo, có một không hai thời điểm ấy. Đó là phát hành băng đĩa đến công chúng thông qua con đường các xe kẹo kéo rong ruổi khắp nơi.
Mãi đến khoảng những năm cuối 1980 đầu những năm 1990, các hãng phát hành băng đĩa mới xuất hiện ở các quận như Audio - Video, Thùy Dương, Phương Nam Phim, Trùng Dương...
Đến năm 17 tuổi, ông hoàn chỉnh bản nhạc đó thành ca khúc đầu tay và lấy tên là Em đã thấy mùa xuân chưa.
Đây được xem là bản tình ca bất hủ, được nhiều ca sĩ thể hiện: Ngọc Lan, Tuấn Ngọc, Quang Dũng, Mỹ Tâm, Nguyên Khang...
Ông qua đời ngày 24-9 tại TP.HCM ở tuổi 72.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận