30/11/2014 10:04 GMT+7

​Ca sĩ Bảo Yến: Dấu ấn từ tri âm

TUẤN KHANH
TUẤN KHANH

TT - Tháng 12 năm nay, ca sĩ Bảo Yến kỷ niệm 30 năm ca hát của mình bằng một chương trình riêng, với những bài hát mà chị đã làm say mê nhiều thế hệ khán giả.

Từ phải qua: ca sĩ Bảo Yến, hai con trai Bảo Châu - Khải Ca và em trai - nhạc sĩ Kim Tuấn - Ảnh: Khánh Vy

Chặng đường dài 30 năm đó, với ca sĩ Bảo Yến, đầy những vinh quang và cũng đầy những muộn phiền mà chị từng tâm sự rằng lúc nào chị cũng bị thôi thúc bởi cảm giác nên rời bỏ.

“Giọng hát em còn hay lắm, em không nên bỏ rơi nó” - nhạc sĩ Quốc Dũng vẫn là người vỗ về và nâng đỡ tinh thần của Bảo Yến, có lẽ vì vậy mà đôi lần dứt bỏ, chị lại nghe lời người bạn đời của mình, trỗi dậy và cất lên tiếng hát.

Giọng ca độc đáo và sự kiện Chiều hạ vàng

Năm 1982, ở tuổi 24, Bảo Yến xuất hiện trên sân khấu chuyên nghiệp lần đầu tiên trong một chương trình do nhạc sĩ Dương Thụ biên tập.

Năm đó, khi vào Nam làm chương trình ở nhà hát Hòa Bình, nhạc sĩ Dương Thụ hỏi ý kiến nhạc sĩ Kim Tuấn về tình hình ca sĩ ở miền Nam.

“Ðừng nghĩ tôi quen biết rồi giới thiệu bừa, nhưng nếu anh có đủ hai giọng ca Nhã Phương, Bảo Yến thì anh sẽ có một chương trình hấp dẫn”, nhạc sĩ Kim Tuấn quả quyết.

Ðêm trình diễn đó ở nhà hát Hòa Bình, đôi ca sĩ nữ này đã đốt cháy sân khấu và làm điên đảo khán giả với một phong cách hiện đại và quyền năng. Ca sĩ Bảo Yến với những bài hát như Thành phố trẻ (Trần Tiến), Ngọn lửa trái tim (Nguyễn Ngọc Thiện)... đã sánh vai cùng với những tên tuổi lúc đó như Ngọc Yến, Kim Yến, Cẩm Vân, Họa Mi, Nhã Phương... trở thành những nữ hoàng của sân khấu thời kỳ âm nhạc Việt sau chiến tranh.

Kể từ ngày đó, truyền hình, đài phát thanh hay sân khấu... không có ngày nào thiếu vắng giọng ca của chị. Nhưng ngày mà giọng ca Bảo Yến trở thành hiện tượng, gây xôn xao ở mọi nơi là khi chị cất tiếng hát trong album Chiều hạ vàng của nhạc sĩ Hoàng Phương. Năm đó Bảo Yến 27 tuổi.

“Anh Hoàng Phương bất ngờ gõ cửa và tự giới thiệu, sau đó nhờ Yến hát giùm 10 bài mới sáng tác của anh” - Bảo Yến nhớ lại. Chị chỉ bắt đầu quen biết với tác giả Hoa sứ nhà nàng từ lúc đó và chấp nhận thể nghiệm loại nhạc bolero trong phòng thu của nhạc sĩ Quốc Dũng.

Toàn bộ album được thu cùng với sự ngẫu hứng về âm thanh, tạo thành dấu ấn độc đáo của bản ghi âm nhạc bolero đầu tiên trong nước với trống điện tử, được trích xuất từ cây đàn Yamaha nghiệp dư.

Bản master ghi âm này không đưa ra kinh doanh nhưng lại được chép ra, chuyền tay nhau nghe trong sự thích thú, rồi bất ngờ tràn ngập thị trường với sự đón nhận của khán giả khắp mọi miền.

Nhiều thập niên sau, dấu ấn của những bài hát này lớn đến mức cho đến hôm nay, khi nhắc đến Bảo Yến, nhiều khán giả vẫn còn tấm tắc nhắc về Chiều hạ vàng, Mẹ Gò Công, Chuyện tình hoa muống biển, Thương một người ở xa... Album Chiều hạ vàng cũng có thể coi là một sự kiện độc đáo trong lịch sử nhạc Việt hiện đại.

Ánh đèn màu mệt mỏi

Thành công nhanh trong cuộc đời, có được rất nhiều thứ, nhưng cũng từ đó ca sĩ Bảo Yến cảm nhận hết được mọi sự phức tạp của nghiệp sân khấu.

Xung quanh chị có cả sự ganh tị, có thị phi, có những vấp ngã... Ðó cũng là lý do sớm tạo nên một ca sĩ Bảo Yến mệt mỏi với ánh đèn màu.

Nhiều lần tâm sự với em gái là ca sĩ Nhã Phương, Bảo Yến nói mình muốn rút lui vào đời sống gia đình. Chị muốn ở cạnh chồng con và đọc sách Phật giáo như một cách để vượt qua mọi thứ.

Ngoài việc báo chí vẫn hay đăng tải những tin đồn không kiểm chứng, thế giới văn nghệ cũng đầy những chuyện thêu dệt mang tính bi kịch và hài hước về Bảo Yến khiến chị thấy mình muốn chọn cách lìa khỏi thế giới đó để được yên tĩnh.

Những người thân quen với ca sĩ Bảo Yến nói rằng chị luôn dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Và năm 31 tuổi, Bảo Yến quyết định từ chối mọi lời mời biểu diễn. Sân khấu vắng dần tiếng hát Bảo Yến cùng những lời đồn đãi đánh với theo, rằng chị “đã hết thời”.

Cũng có lời đồn rằng Bảo Yến đã quá giàu có nên sớm rút lui. Nhưng ít ai biết rằng những ngày quyết định ngưng hát đó, Bảo Yến và nhạc sĩ Quốc Dũng ở nhà thuê, tiền sinh sống vẫn là một nguồn thu thất thường không định trước được ngày mai.

Chín năm ngừng hát sân khấu, đổi lại việc ghi âm theo yêu cầu lại đến từ nhiều nơi. Nhiều nhà sản xuất, tác giả... tiếc nhớ giọng hát độc đáo này, cũng là một bước ngoặt khiến đôi nghệ sĩ Bảo Yến - Quốc Dũng có một cuộc sống khác, nghiêng về thể nghiệm nhiều hơn cũng như thanh thản hơn.

Nỗi niềm nghệ sĩ và khán giả tri âm

Năm 41 tuổi, ca sĩ Bảo Yến nhận lời quay lại sân khấu trong một chương trình đầy tính kỷ niệm: hai chị em Nhã Phương - Bảo Yến tái hợp với liên khúc nhạc trẻ Lê Hựu Hà - Nguyễn Trung Cang.

Âm nhạc cũng như ý nghĩa của sự trình diễn là động cơ lớn nhất khiến Bảo Yến nhận lời mời. Khi đó, chị nhận ra rằng dù không lên sân khấu trong suốt chín năm, tình yêu âm nhạc trong tim mình vẫn sôi sục như ngày mới 20.

Dè dặt quay lại sân khấu, người ca sĩ có giọng hát trầm ấm độc đáo này lại tiếp tục chinh phục khán giả. Tiếng hát trỗi lên như ánh bình minh từ những thành quách cổ lại thu hút lạ kỳ người nghe. Cho đến hôm nay, nhạc Việt không có ai sở hữu chất giọng độc đáo như Bảo Yến, giọng hát như nhung lụa, bọc kín trong đó những nỗi niềm.

Bảo Yến nói rằng bài hát mà chị thích nhất là bài Mắt lệ cho người của nhạc sĩ Từ Công Phụng. Giai điệu bài hát này như nói được nỗi lòng của một người nghệ sĩ đã đi qua mọi miền nhân gian. “Ðôi mắt em rất buồn, đôi chúng ta rất buồn, vạn câu tình cũ, xin gửi cho đời...”.

Ở một lúc nào đó, mỏi mệt, người nghệ sĩ vẫn muốn gửi lại một câu hát khẽ cho đời, mai sau. Sự mệt mỏi với thế giới sân khấu vẫn còn đó, nhưng Bảo Yến nghĩ mình sẽ phải nhận việc tham gia live show Dấu ấn như một kỷ niệm cuối. Nghe tin, từ nơi rất xa, ca sĩ Nhã Phương gọi điện về và hỏi: “Vẫn mệt như xưa hả chị?”. “Vẫn mệt như vậy, em à” - Bảo Yến nói.

Nhưng Bảo Yến kể rằng có một khán giả ở Tây Ninh viết thư cho chị đều đặn, kể từ ngày chị hát bài Nói chuyện với người trong tranh (Triều Dâng).

Cho đến tận bây giờ, người khán giả này không bỏ lỡ một bài hát nào hay một bài viết nào về ca sĩ Bảo Yến, nhưng tới nay chưa bao giờ chị được biết mặt người khán giả này. Có lẽ live show Dấu ấn này là dịp để cả hai tương ngộ.

“Ðây thật sự là một ấn tượng lớn trong cuộc đời ca hát của Yến” - Bảo Yến nói như thảng thốt, khi nhận ra. Kỳ thực, với một người nghệ sĩ, việc mình gây ấn tượng cho khán giả đôi khi không lớn bằng việc ngày nào đó nhận ra khán giả vẫn thầm lặng thưởng thức và dõi theo mình đã dài lâu biết bao.

Ðó thật sự là dấu ấn tri âm của sự nghiệp, mà chỉ có đời một nghệ sĩ chân thành mới có thể hạnh phúc tìm thấy.

Ca sĩ Bảo Yến - Ảnh: CTV

Ca sĩ biểu diễn chỉ là một bước đi hết sức ngẫu nhiên của cô sinh viên luật dang dở. Chỉ mong có một cuộc sống yên ả với đời công chức, năm 1980 Bảo Yến làm đơn xin việc ở đài truyền hình Cần Thơ, được phân cho công việc thư ký.

“Cả Yến và Phương không ai có ý hướng bước vào nghề ca hát hay trình diễn cả” - Bảo Yến kể.

Nhưng như một sở thích, gần như mọi loại âm nhạc đều được Bảo Yến tìm đến, từ dân ca đến bolero, từ nhạc rock đến jazz... Một lần ở nơi làm việc, Bảo Yến vô tình nghêu ngao hát, chất giọng cộng với vẻ đẹp lạnh lùng đã khiến đội văn nghệ bàng hoàng, nhất quyết phải kéo “nhân tố mới” vào tham gia cho được.

Cho đến ngày hôm nay, nhiều người tin rằng ca sĩ Bảo Yến là người thiên về phong cách hát dân ca hay bolero, nhưng thật ra nhạc trẻ mới chính là phong cách mà chị theo đuổi từ đầu. “Yến chỉ nghĩ đến những bài hát mạnh mẽ và sôi động, khởi đầu với âm nhạc của Yến là vậy” - Bảo Yến kể.

Những ai từng chứng kiến một ca sĩ Bảo Yến vào thập niên 1980 sẽ không thể quên được bài Hot stuff mà chị hay trình diễn trên sân khấu. Hình ảnh phần trình diễn của một nữ ca sĩ với vẻ đẹp sang trọng nhưng lạnh lùng trong nhịp điệu đầy kích động đã thật sự trở thành dấu ấn khó quên của một giai đoạn, một thế hệ.

 

Dấu ấn Bảo Yến!

Trong live show Dấu ấn tháng 12-2014 và cũng là live show cá nhân đầu tiên của Bảo Yến trong hơn 30 năm ca hát, Bảo Yến sẽ thể hiện những ca khúc đã trở thành “thương hiệu” của mình: Ở hai đầu nỗi nhớ, Thư tình cuối mùa thu, Chuyện hợp tan, Mưa trên phố Huế, Hoa sứ nhà nàng...

Bảo Yến cũng sẽ thể hiện nhiều dòng nhạc khác nhau, từ bolero, nhạc cách mạng, nhạc trẻ cho đến nhạc nước ngoài. Hai con trai của Bảo Yến là ca sĩ Khải Ca và Bảo Châu sẽ song ca cùng mẹ trong live show.

Nhạc sĩ Kim Tuấn - em trai của Bảo Yến - sẽ là người hòa âm các ca khúc của chị trong chương trình. Ngoại trừ em gái là ca sĩ Nhã Phương không thể tham gia vì lý do sức khỏe, nhạc sĩ Quốc Dũng (dù sức khỏe hạn chế) vẫn sẽ góp mặt trong live show của vợ. Bên cạnh đó là hai ca sĩ khách mời: Đức Tuấn và Hiền Thục.

Góc Dấu ấn ở sảnh nhà thi đấu Nguyễn Du cũng sẽ trưng bày nhiều kỷ vật trong sự nghiệp 30 năm ca hát của Bảo Yến. Nổi bật nhất là bộ áo dài nổi tiếng một thời và chiếc micro đã đi cùng chị suốt 20 năm qua. Dấu ấn - Bảo Yến sẽ diễn ra vào 20g ngày 6-12 tại nhà thi đấu Nguyễn Du (TP.HCM), truyền hình trực tiếp trên VTV9.

Q.N.

 

TUẤN KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên