28/12/2019 09:22 GMT+7

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Khát vọng muốn làm dấu cộng nối con người với con người

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

TTO - Những bài hát của Nguyễn Văn Tý, từ Dư âm đến những bài hát thời đỉnh cao sung sức, cho thấy một khát vọng trọn đời muốn làm dấu cộng nối con người với con người.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Khát vọng muốn làm dấu cộng nối con người với con người - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và nhạc phẩm Dư âm - Ảnh: TLTT

Nếu chọn một ca khúc tiêu biểu của dòng nhạc lãng mạn phổ biến ở thành thị thế kỷ 20, người ta dễ dàng chọn Dư âm. Nếu chọn một bài hát xuất chúng về đề tài nông thôn Việt Nam, không thể bỏ qua Bài ca năm tấn.

Nguyễn Văn Tý (1924-2019) là một nhạc sĩ có nhiều câu chuyện bếp núc sáng tác được kể, thậm chí tới mức thành giai thoại về khả năng ứng tác thời sự.

Một mặt những câu chuyện ấy cho thấy sự dồi dào và đa dạng của các sáng tác của ông, mặt khác chúng tiết lộ rằng tác giả những ca khúc lừng danh ấy rất chân thật và cởi mở.

Bóng đất nước trùm lên bóng dáng con tôi

Nếu chọn một ca khúc tiêu biểu của dòng nhạc lãng mạn phổ biến ở thành thị thế kỷ 20, người ta dễ dàng chọn Dư âm (1950). Nếu chọn một bài hát xuất chúng về đề tài nông thôn Việt Nam, không thể bỏ qua Bài ca năm tấn (1967).

Tác giả của chúng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, cho thấy khả năng thích ứng của người Việt trước hoàn cảnh, trong nhiều trường hợp, biết cách tạo ra sự tác động và lan tỏa lớn trong cộng đồng.

Nghe ca khúc Mẹ yêu con của Nguyễn Văn Tý do Anh Thơ hát

Trong một lần phỏng vấn NSƯT Tuyết Thanh, người đã thể hiện thành công ca khúc Bài ca phụ nữ Việt Nam (1970) của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tôi có thắc mắc vì sao các nhạc sĩ và các nghệ sĩ vốn là những người thành phố, nhưng đã xâm nhập thực tế quần chúng sâu sắc và thể hiện những bài hát đề tài nông thôn chinh phục nhiều thế hệ người nghe khắp mọi miền.

Câu trả lời là "lúc ấy ai chả thế!". Quả là một sự thật hiển nhiên: "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với quần chúng) là một yêu cầu không ai chối từ. Những bài hát của Nguyễn Văn Tý suốt từ những năm kháng chiến chống Pháp cho đến thời kỳ "năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ" thể hiện mẫu mực khả năng "ba cùng" đó.

Kháng chiến đã giành đất nước về cho đời/ Bóng đất nước trùm lên bóng dáng con tôi/ Ôm con ra mái hiên, nhìn đàn chim rộn ràng hót giữa mùa xuân/ Mừng con sẽ góp phần, tương lai con đẹp lắm/ Mẹ hát muôn lần, à ru hời a hời ru...

Dường như câu ca "bóng đất nước trùm lên bóng dáng con tôi" (chép theo tập nhạc Nguyễn Văn Tý của Nhà xuất bản Âm Nhạc) hay "Nhớ những lúc mừng con lẫy rồi con ngồi, thoáng thấy đó hình như bóng dáng bao người, đang vươn lên đấu tranh ngày càng tiến bước càng nhanh" trong bài Mẹ yêu con thể hiện rõ nét thủ pháp điển hình hóa các đối tượng nghệ thuật giai đoạn âm nhạc phụng sự đấu tranh xã hội.

Tính chất "ba cùng" của các sáng tác đương nhiên phản ánh quan điểm văn nghệ phục vụ cho các yêu cầu chính trị có từ những năm 1950, song ngay chính ca khúc Mẹ yêu con viết năm 1956 đã trở thành một tác phẩm kinh điển thể hiện tình cảm riêng tư đặt trong bối cảnh xã hội mới lập lại hòa bình ở miền Bắc.

Người mẹ ru con bằng một tâm tình hòa trộn giữa tình mẫu tử và cảm thức công dân. Từ đây trở đi, các bài ca của Nguyễn Văn Tý là những khúc tâm tình của những công dân trong một xã hội, nơi mỗi người lao động đều tìm thấy tiếng hát của họ.

Nghe lại một ca khúc của Nguyễn Văn Tý: Dư âm - Tùng Dương hát

Khúc tâm tình của người lao động

Có thể nói, Nguyễn Văn Tý là một trong những gương mặt nổi bật nhất của dòng ca khúc đề tài xây dựng đất nước. Tinh thần công dân trong các sáng tác của Nguyễn Văn Tý luôn khiến người nghe ngưỡng mộ, cho dù ở những chủ đề tuyên truyền ông vẫn tạo ra một màu sắc trữ tình duyên dáng đáng thán phục.

Ông rất nhất quán trong việc vận dụng vốn dân ca vào bài hát, để rồi mỗi bài ca là một ví dụ xuất sắc cho nhạc thuật khai thác các âm điệu dân gian trong cái vỏ bài ca tuyên truyền.

Cho dù nhiều ca khúc thực sự là thử thách cho các giọng ca khi phải làm chủ sự cân bằng giữa lối hát bel canto cổ điển phương Tây được đào tạo trong nhạc viện với cách hát mượt mà vang rền nền nảy của các làn điệu dân ca, chúng thực sự tạo ra một khoái cảm nghệ thuật, khiến cho mỗi bài ca của Nguyễn Văn Tý là một cú ghi điểm choáng ngợp.

Từ các chất liệu hát chèo, trống quân đồng bằng Bắc Bộ trong các ca khúc Bài ca năm tấn, Người giỏi chăn nuôi đến dân ca Mông như Em đi làm tín dụng, từ quan họ trong Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa đến dân ca Đồng bằng sông Cửu Long như Dáng đứng Bến Tre, hay bộ đôi "tỉnh ca" Người đi xây hồ Kẻ Gỗ và Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Tý nhắc người ta nhớ rằng Việt Nam có một kho dân ca dồi dào và ông như một người ẩn hiện trên những con đường Việt Nam, thắp lên những niềm hi vọng ấm áp: "Ơ sương đêm chưa tan, mà bước chân cán bộ đã lên đường" như câu hát trong bài hát cho ngành ngân hàng Em đi làm tín dụng.

"Anh cán bộ tên là Tý" quả thực như một người bạn chia sẻ với đông đảo quần chúng nỗi niềm vất vả của họ và nhờ có anh mà nhiều triệu người vượt qua được những thách thức.

Dưới bàn tay tài hoa của Nguyễn Văn Tý, cuộc chinh phục các thách thức sinh động vô cùng: "Tay anh phá đá, tay em đào sỏi. Ngồi trong xe ủi, anh nhớ những ngày hè. Chân lội qua khe, em nhớ mùa đông giá..." (Người đi xây hồ Kẻ Gỗ) hoặc vô cùng am tường các công đoạn "lo nước ấy phải đắp bờ, ta lo phân phải chăm bao đầu lợn ấy" (Bài ca năm tấn).

Nghe lại ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Người Đi Xây Hồ Kẻ Gỗ - Anh Thơ Trọng Tấn

Trông áo rách nên thương

Âm nhạc của Nguyễn Văn Tý trải rộng phổ khán giả của mấy thế hệ. Những người lớn tuổi đã từng yêu thích Dư âm qua màn trình diễn của song ca Kim Chung - Kim Xuân trong bộ phim Kiếp hoa (1953, bộ phim nói tiếng Việt hoàn chỉnh đầu tiên do người Việt sản xuất) hay các ca sĩ dòng nhạc trữ tình như tài tử Ngọc Bảo, Mạnh Phát trên những đĩa đá 78 vòng thập niên 1950.

Thế hệ 7x, 8x sống cùng "ơi tóc ai dài để lại dáng đứng Bến Tre" qua làn sóng phát thanh. Còn những em bé đi học đều quen thuộc với "màu áo chú bộ đội, mới trông là màu xanh, như màu lá trên cành, trộn vào màu xanh rêu đá". Thật hiếm có tác giả nào gây dựng được sự nghiệp phong phú như vậy.

"Đời mẹ nghèo, trông áo rách, áo rách nên thương" - câu ca thần tình của Nguyễn Văn Tý có lẽ gói trọn một triết lý nhân hậu không chỉ của nhạc sĩ mà còn của một dân tộc. Cho dù những bài ca có thể có những giới hạn của sắc thái tuyên truyền, tình tự của chúng có một sức mạnh dễ dàng được ghi nhận.

Ngày nay, người làm nghệ thuật có còn đứng về những người "áo rách" hay không, có lẽ vẫn là một câu hỏi về trách nhiệm bất biến của công dân mà Nguyễn Văn Tý đã một đời phụng sự.

Đất diễn cho nhiều giọng ca nổi bật

Những bài hát của Nguyễn Văn Tý thành đất diễn cho nhiều giọng ca nổi bật, tựa như bông hoa đẹp để họ như những con ong làm mật rót vào tai người nghe.

Người ta sẽ nhớ Bích Liên với màn thể hiện tuyệt vời những câu đảo phách và những cụm nốt treo phức tạp của Bài ca năm tấn, Thanh Huyền với chất giọng như nhung mà căng đầy của Mẹ yêu con, Thúy Hà với âm sắc reo vui phóng khoáng của Em đi làm tín dụng, sự truyền cảm ấm áp của Quý Dương, Mai Khanh qua Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, sự bay bổng của Ngọc Yến, Thu Nở trong Dáng đứng Bến Tre hay nét trong sáng của những ca sĩ nhạc trẻ như Thanh Lan, Nhã Phương qua Mùa xuân cô đi nuôi dạy trẻ.

Sau này các ca sĩ tiếp nối vẫn thành công với nhạc Nguyễn Văn Tý như Trọng Tấn, Anh Thơ, nhất là các bài song ca như Người đi xây hồ Kẻ Gỗ.

Con gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Ba tôi đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản Con gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Ba tôi đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản

TTO - Rất đông các nhạc sĩ lão thành, bằng hữu đã đến viếng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vào sáng 27-12 tại Nhà tang lễ TP.HCM.

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên