Dự kiến ngoài mức phạt hành chính, ca sĩ thể hiện có thể sẽ bị cấm diễn có thời hạn từ 3-6 tháng. Tuy nhiên, sự kiên quyết này liệu có ngăn chặn được việc các bài hát có nội dung thô tục tiếp tục xuất hiện trước công chúng vẫn là một câu hỏi khó. Mà thực tế lâu nay đã thế. Một bên là sự răn đe của cơ quan chức năng với mức phạt “nhẹ hều”, với một bên là sự tự do đưa sản phẩm của mình thẳng đến công chúng thông qua mạng xã hội. Đây là cách mà không chỉ những người mới bước chân vào nghệ thuật, cả những nghệ sĩ tên tuổi cũng chọn. Kiểm duyệt là cửa ải mà bất cứ nghệ sĩ nào cũng ngại bước qua. Về phía cơ quan quản lý văn hóa, họ sẽ theo đến tận cùng các vụ việc hay chỉ phạt một lần làm gương rồi lại bỏ qua?
Hầu hết công ty sở hữu website âm nhạc đến giải trình theo yêu cầu của Thanh tra Bộ VH-TT&DL đều thừa nhận khó có thể kiểm soát hết toàn bộ nội dung được đăng tải hằng ngày. “Tôi nghĩ chẳng website nào muốn những bài này đăng trên trang của mình. Hoàn toàn không có chuyện cố tình đăng lên để gây sốc hay thu hút lượt xem. Với khả năng hiện tại, chúng tôi chỉ hạn chế sai sót ở mức thấp nhất. Nhưng dăm bữa nửa tháng mới để lọt một vài bài. Còn kho nhạc vi phạm mà chúng tôi không cho phép đăng lên đến cả ngàn bài” - đại diện một trang nhạc số than thở. Và một lần nữa, hai chữ “kiểm duyệt” được nhắc đến như một giải pháp ngăn chặn những lỗi vi phạm.
Chính ông Vũ Xuân Thành (chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL) cũng thừa nhận việc xử lý vi phạm trong các lĩnh vực văn hóa đang xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau: “Nhiều người đề nghị phải siết hậu kiểm nhưng không phải cái gì cũng siết. Chỉ vì sợ việc một hai bài hát có nội dung không phù hợp xuất hiện trên mạng mà siết chặt tất cả thì không nên”. Mặt khác, Bộ VH-TT&DL chỉ có thể quản nội dung ca từ, xem xét vi phạm các trang nhạc số, nhưng việc làm rõ và xử phạt người đăng bài hát vi phạm lên mạng là việc của Bộ Thông tin - truyền thông.
Trong một quan điểm được đánh giá là cởi mở hơn, nhiều nghệ sĩ dù không đồng tình với những ca từ tục tĩu trong một số bài hát gần đây vẫn bày tỏ quan điểm nên để thị hiếu của công chúng tự điều tiết. Không kiểm duyệt chặt, không coi đó là chuyện động trời, tự thị hiếu của công chúng sẽ sàng lọc những cái gì họ cho là nghệ thuật, là đáng nghe, đáng xem. Khi đó việc của nhà quản lý sẽ chỉ là dán nhãn cảnh báo cho những sản phẩm có nội dung không phù hợp với các lứa tuổi, cần phải cân nhắc trước lúc xem như cách các nước trên thế giới đang làm. Nhờ vậy, công chúng sẽ phải tăng sức đề kháng của chính mình trước các trào lưu âm nhạc khác nhau.
* Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi (phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam): Nếu buông sẽ thành cái chợ Với những người tự chế lời, tự sáng tác lời tục tĩu rồi tung lên mạng là không thể chấp nhận được. Không ai có thể đồng ý với những cách làm như thế. Các nhà mạng không kiểm soát nữa thì cũng phải xử lý. Trước đây, các trường hợp chế lời thô tục đã gây rất nhiều bức xúc. Theo tôi là phải chặn ngay, không thể để như thế được. Bởi vì về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến đạo đức xã hội. Thử nghĩ xem con cái chúng ta nếu bị tiêm nhiễm những lời lẽ đó sẽ nguy hiểm tới mức nào. Bây giờ, nếu chúng ta buông thì sẽ thành cái chợ. Không phải ai cứ muốn là làm bừa. Và ai công nhận họ là ca sĩ, nghệ sĩ? Không thể cứ hát được một vài bài hát rồi tự coi mình là ca sĩ. Cái gì cũng phải có chuẩn mực của nó. Bao nhiêu con người làm nghệ thuật chân chính mà giờ chỉ một vài con sâu làm rầu nồi canh, làm cho môi trường nghệ thuật bị hoen ố. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận