13/04/2015 10:34 GMT+7

​Nhạc điện tử khởi sắc

ÐỘC CẦM
ÐỘC CẦM

TT - Liên hoan âm thanh Hà Nội (Hanoi Sound Stuff - HSS) vừa kết thúc mùa thứ tám với tỉ lệ khán giả người Việt so với người nước ngoài tới các đêm diễn ngày càng tăng.

Dj SlimV (Cao Vịnh) - một trong những Dj kiêm nhà sản xuất trẻ tài năng của nhạc Việt hiện nay - Ảnh: M.H.

Sự đón nhận của khán giả Việt là một trong những lý do khiến nghệ sĩ Trí Minh, người khởi xướng HSS, vẫn tiếp tục theo đuổi dự án này dù anh từng chia sẻ với người viết rằng ban đầu anh và êkip dự định triển khai dự án trong năm năm là... dừng.

Một câu chuyện khác là hiệu ứng của chương trình The remix - Hòa âm ánh sáng trên truyền hình mấy tháng nay.

Lên sóng ở thời điểm các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình đang có vẻ bão hòa, nhưng The remix ngay lập tức gây sốt chỉ sau 1-2 đêm thi. Một mặt, chương trình đem tới cho khán giả một món ăn khác.

Nhưng mặt khác, không thể phủ nhận các nhà sản xuất đã chọn “điểm rơi” rất tốt khi hài hòa được hai yếu tố: những nghệ sĩ, nhà sản xuất và DJ tài năng nhất nhì của dòng nhạc điện tử ở Việt Nam và thị hiếu khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, ngày càng yêu thích thể loại nhạc này.

Xin chỉ đưa ra hai trong rất nhiều ví dụ khác để có thể khẳng định nhạc điện tử đang định vị một chỗ đứng trong đời sống âm nhạc Việt Nam.

Nhạc của đám đông, nhạc của giới trẻ

Một trong những sự kiện âm nhạc nổi bật nhất đối với giới trẻ TP.HCM năm 2014 là đêm nhạc của DJ Hardwell tại sân vận động Quân khu 7 hồi tháng 9.

Ước tính có hơn 10.000 khán giả đã tham gia đêm trình diễn của DJ được coi là số 1 thế giới của thể loại EDM (có thể hiểu là dòng nhạc dance, một trong những dòng nhạc thịnh hành nhất của nhạc điện tử hiện nay).

Trong đó, ngoài khán giả tại tp.HCM, một bộ phận không nhỏ là khán giả từ các thành phố khác như Hà Nội, Ðà Nẵng... thậm chí ở một số nước trong khu vực cũng tham dự.

Nhạc điện tử thường được gắn với vai trò của các DJ. Tuy nhiên, trong khoảng một thập niên qua, khi chưa có các chương trình biểu diễn lớn, khán giả trong nước vẫn quan niệm DJ là “người chỉnh nhạc trong quán bar” và nhạc điện tử ở Việt Nam bị bó hẹp trong không gian này.

Trên thực tế, nhạc điện tử là nhạc dành cho đám đông và đặc biệt là giới trẻ.

Với đặc điểm sôi động về tiết tấu, lôi cuốn nhờ khả năng dẫn dắt người nghe của các Dj bằng sự hòa trộn các giai điệu, mẫu âm (sample) hay hiệu ứng âm thanh, thậm chí kết hợp giữa âm thanh và ánh sáng, nhạc điện tử dù có chia ra bao nhiêu phân nhánh và thể loại thì cơ bản vẫn là thứ âm nhạc đại chúng điển hình.

Khó mà đếm hết trên thế giới hiện nay có bao nhiêu liên hoan âm nhạc điện tử lớn nhỏ. Nhưng chắc chắn các liên hoan âm nhạc lớn không thể thiếu nhạc điện tử. “Nhạc điện tử là âm nhạc để giải trí, để xả năng lượng.

Vì thế nó rất phù hợp với các liên hoan âm nhạc, nơi người ta đến không chỉ để nghe nhạc mà còn để uống bia, vui vẻ cùng âm nhạc” - nhạc sĩ Quốc Trung, tổng đạo diễn Monsoon Music Festival 2014, chia sẻ.

Dù mới chỉ tổ chức năm đầu tiên, Monsoon Music Festival vừa qua đã nhận giải thưởng âm nhạc Cống hiến cho Chương trình của năm.

Tại sự kiện này, nhạc điện tử cũng chiếm một tỉ lệ khá lớn với sáu Dj trong và ngoài nước cùng các nhóm nhạc, nghệ sĩ trình diễn. Có thể nói chính các Dj đã tạo nên những sức hút nhất định và không khí trẻ trung cho ba ngày diễn ra liên hoan âm nhạc.

Một thế hệ nghệ sĩ Việt chơi nhạc điện tử

Nhắc tới giải thưởng âm nhạc Cống hiến vừa qua, một trong những dấu ấn của sự kiện này là “cú đúp” của Nguyễn Trần Trung Quân với hai giải thưởng Nghệ sĩ mới và Album của năm.

Ðiểm đáng chú ý là album đầu tay Khởi hành của nam ca sĩ trẻ này là một sản phẩm âm nhạc điện tử đậm chất.

Sự ghi nhận của báo giới với hai giải thưởng của Trung Quân có lẽ không chỉ dành cho riêng anh mà còn là sự khuyến khích cần thiết với những sản phẩm âm nhạc điện tử nội địa mà mật độ xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.

Trước Trung Quân có thể nhắc tới Nguyễn Ðình Thanh Tâm. Trước nữa chắc chắn không thể bỏ qua Trần Thu Hà và Tùng Dương - hai ca sĩ rất nỗ lực thử nghiệm với nhạc điện tử bằng những album được giới chuyên môn ghi nhận về chất lượng nghệ thuật.

Ðó là những sản phẩm âm nhạc của các ca sĩ, còn giới sáng tác, các Dj thì sao? Có thể tin tưởng ở chương trình The remix đó là đội ngũ Dj trẻ ở Việt Nam đang rất mạnh.

Mạnh không chỉ bởi số lượng ngày càng đông mà quan trọng hơn là sự chuyên nghiệp và tài năng của họ ngày càng cao. Những cái tên nổi bật như SlimV (Cao Vịnh), Hoàng Touliver hay Long Halo... đại diện cho thế hệ người chơi nhạc điện tử mới trong nước.

Họ được đào tạo bài bản từ các lò đào tạo âm nhạc uy tín như Học viện Âm nhạc quốc gia, sớm có cơ hội cọ xát với các nghệ sĩ quốc tế và các phong cách, trào lưu mới, nhưng quan trọng hơn họ định vị rõ ràng con đường âm nhạc điện tử chuyên nghiệp là kết hợp giữa biểu diễn và sản xuất âm nhạc.

Tất cả những yếu tố đó, cộng hưởng với những sản phẩm được trình làng tại sân chơi này, khiến có thể tin tưởng đây sẽ là những nhân tố không chỉ thỏa mãn thị hiếu âm nhạc điện tử của khán giả mà còn dẫn dắt được xu hướng trong tương lai.

Nhạc thể nghiệm: chọn số phận “ngầm”

Trong sự cắm rễ ngày càng chắc chắn của nhạc điện tử ở Việt Nam, người ta vẫn còn ít nhiều băn khoăn với một mạch chảy được cho là vẫn còn chưa được đón nhận rộng rãi đó là nhạc điện tử thể nghiệm (experimental).

Dù vậy, không có nghĩa là cộng đồng nghệ sĩ nhạc điện tử thể nghiệm ở Việt Nam bị hạn chế. Lặng lẽ nhưng họ lại là những nghệ sĩ Việt rất “đắt sô” nước ngoài.

Và vẫn luôn có những người tiếp tục theo đuổi dòng nhạc này như Trí Minh, Lương Huệ Trinh, Nguyễn Hồng Giang và đặc biệt là cô gái trẻ Nguyễn Hồng Nhung.

Hiện đang học lớp 11 Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, nhưng Nhung đã có “sự nghiệp” ba năm theo đuổi nhạc thể nghiệm, trình diễn tại một số sự kiện mà gần đây nhất là HSS.

Nhung cũng đã viết nhạc cho một số dự án và đang chuẩn bị ghi âm album cùng một hãng đĩa của Pháp.

ÐỘC CẦM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên