13/01/2018 19:00 GMT+7

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: 'Tôi cần lời xin lỗi từ Nhà hát Kịch Việt Nam'

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Liên quan đến truyện ngắn ‘Mùa hoa cải ven sông’ bị vi phạm bản quyền, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết ông vẫn đang cân nhắc cách thức giải quyết vụ việc này.

Ngày 3-1, nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết trên Facebook chúc mừng vở Khát vọng của Nhà hát Kịch Việt Nam đã đoạt sáu giải thưởng tại Sân khấu Thanh niên La Hồ - Thẩm Quyến (Trung Quốc). Vở do NSƯT Lâm Tùng làm đạo diễn, kịch bản của tác giả Tạ Xuyên.

Đồng thời ông Thiều nêu ra vấn đề: tác giả Tạ Xuyên đã chuyển thể truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông của ông thành vở Khát vọng. Tuy nhiên, ê-kíp vở kịch đã không đề tên của ông trong thành phần sáng tạo của vở kịch.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi cần lời xin lỗi từ Nhà hát Kịch Việt Nam - Ảnh 1.

Vở "Khát vọng" - Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam

Khi báo chí đưa tin, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam là NSND Anh Tú đã trả lời trên một tờ báo, giải thích lý do như sau: Nhà hát chỉ thanh toán tác quyền với gia đình cố tác giả Tạ Xuyên. Còn chuyện tác quyền giữa tác giả Tạ Xuyên và nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà hát không liên quan. 

Ông Anh Tú cũng cho biết chỉ vì poster giới thiệu vở kịch khi đi Thẩm Quyến (Trung Quốc) phải in cả tiếng Anh và tiếng Trung nên mới không đưa tên nhà văn Nguyễn Quang Thiều vào thành phần sáng tạo. Còn các buổi diễn trong nước, trước mỗi giờ khai màn đều có giới thiệu vở diễn được chuyển thể từ Mùa hoa cải ven sông của nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Khi Tuổi Trẻ Online liên lạc với NSND Anh Tú, ông cho biết vở diễn này là vở tốt nghiệp của đạo diễn Lâm Tùng, và trách nhiệm trả lời về vụ việc này thuộc về đạo diễn Lâm Tùng.

Cụ thể, năm 2015 NSƯT Lâm Tùng (thuộc biên chế Nhà hát Kịch Việt Nam) dàn dựng vở Khát vọng để làm vở tốt nghiệp lớp Đạo diễn Sân khấu, Đại học Sân khấu - Điện ảnh (Hà Nội). Ông Tùng đã liên lạc để xin phép tác giả truyện ngắn là nhà văn Nguyễn Quang Thiều và đã nhận được sự đồng ý. Vào lễ tốt nghiệp, ông Tùng đã gửi giấy mời cho ông Thiều qua Facebook. 

Vở diễn này có nhận được sự hỗ trợ từ nhà hát và đã từng được nhà hát tổ chức biểu diễn bán vé, cũng như cho đi lưu diễn tại một số tỉnh thành.

Một câu hỏi đặt ra, khi đã tổ chức biểu diễn bán vé thì nhà hát có "vô can" không?. Trong vụ việc này nhà hát hay đạo diễn Lâm Tùng sẽ phải có trách nhiệm về bản quyền với tác giả truyện ngắn là nhà văn Nguyễn Quang Thiều?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi cần lời xin lỗi từ Nhà hát Kịch Việt Nam - Ảnh 2.

Trong website của Nhà hát Kịch Việt Nam có quảng bá vở kịch "Khát vọng" được chuyển thể từ tác phẩm văn học "Mùa hoa cải bên sông" của nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Ảnh chụp màn hình.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết sinh thời, tác giả Tạ Xuyên đã trả ông 200.000 đồng tiền tác quyền, và có nói sau này ai dàn dựng vở kịch sẽ có trách nhiệm trả tiền tác quyền cho ông Thiều. Ông Thiều cho biết ông thấy cách giải thích của NSND Anh Tú trên báo chí về vấn đề này không thỏa đáng.

"Có 2 thành phần rất quan trọng liên quan đến vở diễn là đạo diễn và tác giả (tác giả cụ thể trong vở diễn này là tác giả kịch bản và tác giả truyện ngắn). 

Vậy sao Nhà hát Kịch Việt Nam lại lấy lý do vì in poster nhiều thứ tiếng mất nhiều diện tích mà quên đề tên tác giả gốc, trong khi lại ghi đủ các thành phần khác? Tôi chưa bao giờ được nhà hát mời một lần nào đến xem vở diễn. Nếu mời thì ai mời? Ai gửi giấy mời? 

Nếu đây là vi phạm của cá nhân thì tôi chấp nhận, nhưng Nhà hát Kịch Việt Nam - một đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp - không nên làm như thế. Cách trả lời của NSND Anh Tú vòng vo và thiếu trách nhiệm", ông Thiều nói.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi cần lời xin lỗi từ Nhà hát Kịch Việt Nam - Ảnh 3.

Giấy mời đạo diễn Hoàng Lâm Tùng gửi nhà văn Nguyễn Quang Thiều qua Facebook - Ảnh: NVCC

Liên lạc với đạo diễn Lâm Tùng anh nhận sơ sót khi không để tên tác giả Nguyễn Quang Thiều trên poster, và đã đến xin lỗi ông Thiều. Anh nhận đây là vở diễn của cá nhân anh, chứ không phải của nhà hát. Anh cũng thừa nhận nhà hát có hỗ trợ cho anh "một ít", và vở Khát vọng đã từng được bán vé. Và anh cũng đồng quan điểm với giám đốc nhà hát của anh.

"Tôi đã làm bản quyền rất chặt chẽ với gia đình bác Tạ Xuyên. Về lý, bác Tạ Xuyên dựa trên ý tưởng của truyện ngắn nào thì bác Tạ Xuyên phải có trách nhiệm với tác giả đó. Chúng tôi không thể mời hai tác giả đến để làm việc được", đạo diễn Lâm Tùng nói.

Chiều 12-1, phóng viên đã liên lạc lại với nhà văn Nguyễn Quang Thiều, ông cho biết đã ủy quyền cho Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam bảo vệ các tác phẩm của ông, nhưng đã yêu cầu trung tâm chưa có động thái gì.

"Hiện tại tôi đang rất bận, nên tôi sẽ tạm ngưng vụ việc này. Tạm ngưng không có nghĩa là bỏ qua", ông Thiều nói.

Tuổi Trẻ Online đã trao đổi với Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam, nhà thơ Đỗ Hàn, ông nhận định:

"Việc Nhà hát Kịch Việt Nam chuyển thể tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Thiều mà không ghi thông tin này ở các nơi đi biểu diễn là sai. Về luật khi chuyển thể tác phẩm của ai phải ghi rõ tên tác giả đó.

Tác giả Tạ Xuyên đã trả cho nhà văn Nguyễn Quang Thiều tiền bản quyền một lần, chứ không phải hợp đồng vĩnh viễn. Nên những người sau này sử dụng kịch bản đó có nghĩa vụ phải trả tiền bản quyền cho ông Thiều", nhà thơ Đỗ Hàn nói.

Nhà văn Trần Thị Trường, một người am hiểu về bản quyền, cho biết: "Những thông tin NSND Anh Tú nói trên mặt báo cho thấy nhà hát đã công nhận kịch bản sân khấu của ông Tạ Xuyên được hình thành từ tác phẩm văn học Mùa hoa cải ven sông của nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Theo luật, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đương nhiên được hưởng không chỉ là quyền nhân thân (được đề tên tác giả) mà còn cả quyền tài sản, ai dùng tác phẩm của ông ấy là phải trả tiền. Trong trường hợp này, Nhà hát kịch Việt Nam cần xin lỗi ông Thiều và có trách nhiệm trả tiền bản quyền cho ông Thiều".

Đã có rất nhiều đạo diễn, nhiều sinh viên chuyển thể tác phẩm của tôi thành phim. Họ chỉ cần hỏi ý kiến của tôi là xong, chưa bao giờ tôi đòi hỏi về quyền lợi tác quyền.

Đạo diễn Khải Hưng từng chuyển thể Mùa hoa cải bên sông thành phim Lời nguyền của dòng sông. Sau khi phim đoạt giải quốc tế anh ấy có về báo tin vui cho tôi, và nói giải thưởng là một thùng rượu vang. Tôi đã rất vui và nói với anh ấy: "Phần rượu của tôi, tôi xin tặng lại cho cả đoàn làm phim để chung vui’".

Tôi cũng rất mừng khi vở Khát vọng đoạt giải quốc tế. Tôi lên tiếng không phải đòi hỏi quyền lợi. Điều tôi cần ở Nhà hát Kịch Việt Nam là một lời xin lỗi.

- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều -
NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên